“Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt – Hán” nhiều sai sót

GD&TĐ - Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công gửi đến Báo Giáo dục và Thời đại tuyến bài viết công phu, thể hiện quan điểm của ông về cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán” (Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hóa Sài Gòn – 2008).

Bìa cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán” (tác giả Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hóa Sài Gòn – 2008).
Bìa cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán” (tác giả Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hóa Sài Gòn – 2008).

Theo ông, cuốn từ điển này khiến người dùng có thể mắc sai lầm khi tham khảo, thậm chí xảy ra xung đột khi vận dụng trong giao tiếp. 

Kỳ 1: Đối chiếu kiểu “ông nói gà bà nói vịt”

Soạn giả không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ, tục ngữ Hán phiên âm Việt và thành ngữ, tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy, tác giả đã “Hán hóa tiếng Việt” bằng cách bổ sung nhiều thành ngữ, tục ngữ Hán vào kho tàng tiếng Việt một cách sống sượng.

Trong từ điển, cấu trúc của các mục từ lộn xộn, không có thể thức ổn định; sai chính tả và lỗi văn bản. Có những sai sót của bản in lần đầu năm 1999 (với tên sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hoa”) đã được tác giả bê nguyên xi sang bản in 2008 (với tên sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán”). Thậm chí bản sau còn lỗi nhiều hơn bản in trước.

Về nguyên tắc của từ điển đối chiếu thành ngữ tục ngữ, thì cách ví von so sánh trong hai ngôn ngữ có thể khác nhau, nhưng nghĩa phải tương đương, hoặc ít nhất phải có một nghĩa tương đương. Tuy nhiên, rất nhiều cặp thành ngữ tục ngữ được tác giả đối chiếu theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. 

Hiểu sai thành ngữ Việt

“Ăn mật trả gừng” được tác giả đồng nghĩa với “ân tương cừu báo = lấy oán trả ân” và “ăn miếng chả, trả miếng bùi”. Tuy nhiên, “ăn mật trả gừng” không tương ứng, thậm chí trái nghĩa với “ăn miếng chả, trả miếng bùi”. Vì “ăn mật trả gừng” chỉ kẻ ăn ở bội bạc: Ăn thứ ngọt ngào, trả thứ đắng cay. Trong khi “ăn miếng chả, trả miếng bùi” lại có nghĩa “ân trả nghĩa đền”: Đền đáp cân xứng cho người đã đối xử tốt với mình.

“Ba cọc ba đồng”, tác giả cho là đồng nghĩa với “tiểu bản bạc lợi” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, “ba cọc ba đồng” được hiểu: Ngoài khoản thu nhập ít ỏi nhất định, không có bổng lộc hay nguồn thu nào khác. Trong khi tiếng Hán: “tiểu bản bạc lợi” (vốn nhỏ thì lãi ít), ý nói muốn buôn bán lớn phải có vốn lớn. Nếu cần đối chiếu thì câu “Buôn tài không bằng dài vốn” của tiếng Việt mới đồng nghĩa với “tiểu bản bạc lợi”.

“Chơi với chó chó liếm mặt” bị tác giả cho đồng nghĩa với “ngoạn quyến xà, bị xà giảo” và “dưỡng hổ di họan”. Tuy nhiên, “chơi với chó, chó liếm mặt” có nghĩa: Quá nuông chiều, suồng sã với kẻ dưới, chúng sẽ khinh nhờn, sinh thói hỗn láo với bề trên. Trong khi Hán cũng như Việt gốc Hán: “Ngoạn quyến xà, bị xà giảo” (chơi với rắn, bị rắn cắn); “dưỡng hổ di họan” (nuôi hổ để họa về sau) lại có nghĩa nuôi dưỡng chứa chấp kẻ xấu sẽ bị chúng làm hại.

“Chưa đẻ đã đặt tên” - tác giả cho rằng đồng nghĩa với “vị bốc tiên tri”. Tuy nhiên, “chưa đẻ đã đặt tên” trong tiếng Việt hàm ý chê sự hấp tấp, vội vàng, không biết sắp xếp công việc theo trình tự hợp lí (đồng nghĩa “chưa nặn bụt đã nặn bệ”). Trong khi “vị bốc tiên tri” (chưa bói đã biết) lại hàm ý khen tài “tiên tri” của ai đó. Như vậy, “chưa đẻ đã đặt tên” trong tiếng Việt không hề có nghĩa “tương đương” với “vị bốc tiên tri” trong tiếng Hán.

“Dạy khỉ leo cây” bị tác giả cho đồng nghĩa với “thành nhân chi ác”. “Dạy khỉ leo cây” trong tiếng Việt “ví việc làm thừa, đi bày cho người khác làm một việc mà họ đã quá quen thuộc, quá thành thạo. Trong khi “thành nhân chi ác” trong tiếng Hán, lại ám chỉ kẻ tiểu nhân giúp người khác làm điều ác.

Như vậy, tác giả đã hiểu sai thành ngữ Việt “dạy khỉ leo cây” (làm một việc thừa) thành giúp người làm điều ác, nên mới đem đối chiếu với thành ngữ “thành nhân chi ác” trong tiếng Hán.

Bê nguyên cách hiểu sai từ sách khác

Hoàng Tuấn Công là tác giả sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu” (NXB Hội Nhà văn), được trao giải sách hay năm 2017. Ông cũng là tác giả của nhiều bài phê bình khảo cứu chỉ ra những sai sót trong hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt khác được in ấn phát hành trong khoảng 10 năm trở lại đây. Gần đây nhất, sau khi Hoàng Tuấn Công có loạt bài viết chỉ ra hàng trăm lỗi sai trong các cuốn từ điển chính tả tiếng Việt do GS.TS Nguyễn Văn Khang, PGS.TS Hà Quang Năng – Hà Thị Quế Hương biên soạn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã buộc phải thu hồi các cuốn sách này.

“Đổ nhớt cho nheo” được tác giả đồng nghĩa với “đa thử nhất cử”. Tuy nhiên, “đổ nhớt cho nheo” có nghĩa lợi dụng khuyết điểm của người khác để trút/đổ hết cái xấu cho họ. Ví như cá nheo và lươn đều nhiều nhớt, nên bất kể cái gì tanh nhớt đều mượn cớ mà quy tội cho chúng.

Giống như trong xóm có kẻ hay ăn trộm, thì lợi dụng tiếng xấu ấy để nếu ăn trộm của ai thì cứ đổ thừa cho nó là xong. Trong khi “đa thử nhất cử” trong tiếng Hán, được Hán ngữ đại từ điển giảng là: “Việc làm thừa, hành động không cần thiết”.

“Lợn lành chữa thành lợn què” được tác giả đồng nghĩa với “họa hổ bất thành phản loại khuyển”. Tiếng Việt chỉ người vụng về, phá họai, vật dụng đang tốt bỗng dưng đem ra sửa, thành hư hỏng, hoặc nói chữa bệnh mà bệnh lại nặng hơn lúc chưa chữa. Trong khi tiếng Hán (họa hổ bất thành phản loại cẩu) là vẽ hổ không thành lại thành chó, có nghĩa muốn bắt chước làm việc lớn mà bất tài thì cuối cùng dễ trở thành trò cười cho thiên hạ.

“Quá mù ra mưa” được tác giả đồng nghĩa với “tiểu đề đại tố”. Trong tiếng Việt “quá mù ra mưa” chỉ sự việc nhỏ, không đáng kể, nhưng vượt quá ngưỡng một chút, thì sẽ chuyển sang trạng thái tính chất khác, ở mức độ nghiêm trọng hơn. Ví như sương mù thường chỉ tồn tại dưới dạng hơi nước li ti, bay lơ lửng trong không khí, nhưng nếu nặng hạt một chút, thì sẽ rơi xuống thành mưa. Trong khi “tiểu đề đại tác được Hán ngữ giải thích với 2 nghĩa:

Thời Minh, Thanh, thi cử lấy câu văn trong Tứ thư làm mệnh đề, gọi là “tiểu đề”, lấy câu văn trong Ngũ kinh làm mệnh đề, gọi là “đại đề”. “Tiểu đề đại tác” vốn chỉ dùng phép viết văn trong Ngũ kinh làm văn tứ thư; sau chỉ việc lấy đề mục nhỏ để sáng tác nên áng văn lớn.

Ví với việc nhỏ mà thổi phồng thành lớn, hoặc biến thành việc lớn khi xử lý. Nếu cần đối chiếu thì “tiểu đề đại tố” (nghĩa 2) trong tiếng Hán, sẽ có nghĩa tương đương với “bé xé ra to” trong tiếng Việt.

“Từ cõi chết trở về” được tác giả đồng nghĩa với “diệu thủ hồi xuân”. Tiếng Việt “từ cõi chết trở về”, ví ai đó vừa trải qua một tai nạn hoặc trận ốm tưởng chết (gần nghĩa “thập tử nhất sinh”). Trong khi Hán “diệu thủ hồi xuân” lại hàm ý ca ngợi bàn tay thầy thuốc giỏi (đồng nghĩa “cải tử hoàn sinh”).

“Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy” - tác giả cho rằng đồng nghĩa “tụ thủ bàng quan”. Tuy nhiên, tiếng Việt “vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy” ý nói việc tiêu xài, phá phách tiền của do người khác làm ra. Trong khi tiếng Hán: “tụ thủ bàng quan = khoanh tay đứng nhìn” lại có nghĩa bàng quan, thờ ơ trước mất mát, tai họa của người khác.

“Ngu như bò”, tác giả cho đồng nghĩa với “Liêu Đông chi thỉ” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, “ngu như bò” hay “dốt như bò”, ý chỉ dốt nát, học hành kém cỏi, không có khả năng tiếp thu. Trong khi Hán: “Liêu Đông chi thỉ” lại ý chỉ kiến văn hạn hẹp, hiểu biết nông cạn.

Lỗi này do tác giả bê nguyên cách hiểu sai từ sách “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” (Trung tâm Khoa học và Nhân văn Quốc gia - Viện Ngôn ngữ học; Như Ý - Nguyễn Văn Khang - Phan Xuân Thành, NXB Văn hóa Thông tin – 1994).

Trong đó Nguyễn Văn Khang là đồng tác giả. Sách này giải thích như sau: “Liêu đông chi thỉ: Ngu độn, kém hiểu biết, ví như con lợn của Liêu Đông vậy”. Không biết “con lợn của Liêu Đông” là con lợn gì, và tại sao nó lại ngu hơn những con lợn khác?

“Cứt trâu để lâu hóa bùn” được tác giả cho đồng nghĩa với “dạ trường mộng đa”. “Cứt trâu để lâu hóa bùn” nói tiền của, vật dụng hoặc vấn đề nào đó, nếu để lâu không đòi, không nhắc đến sẽ có nguy cơ bị quên lãng, hoặc lợi dụng đó mà xí xóa.

Trong khi tiếng Hán giải thích “dạ trường mộng đa” lại tương ứng với “đêm dài lắm mộng” của Việt: Sự việc gì không thương lượng dứt điểm, để đối tác có thêm thời gian, sẽ thay đổi ý định hoặc nảy ra mưu kế mới, gây bất lợi.

“Trước sau bất nhất”. Mục này có hai điểm cần trao đổi, thứ nhất tiếng Việt không có dị bản “trước sau bất nhất”, mà chỉ có “tiền hậu bất nhất”. Thành ngữ này có một nghĩa đồng nghĩa với “hữu thủy vô chung”.

Thứ hai, “hữu thủy vô chung” trong tiếng Hán, không đồng nghĩa với “hữu thủy vô chung” trong tiếng Việt. Hán ngữ đại từ điển giải thích: “Hữu thủy vô chung: Nói làm việc gì có đầu mà không cuối, không kiên trì đến cùng”. Trong  khi tiếng Việt “hữu thủy vô chung” là không có thủy chung, chỉ người ăn ở trước sau không nhất - tâm, thay lòng đổi dạ”.

Như vậy, “hữu thủy vô chung” là thành ngữ gốc Hán, được dùng theo nghĩa mới trong tiếng Việt. Nếu cần đối chiếu, thì “hữu thủy vô chung” trong tiếng Hán, sẽ đồng nghĩa với “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” tiếng Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ