Ca dao, tục ngữ vẫn là nội dung quan trọng được đưa vào Chương trình và SGK GDPT mới

GD&TĐ - Quan tâm đến yêu cầu phát triển GD toàn diện cho HS, nhiều ý kiến cử tri gửi về Bộ GD&ĐT đề nghị nghiên cứu đưa các câu ca dao, tục ngữ vào sách giáo khoa ở các cấp học, nhằm GD truyền thống và nhân cách cho các em.

Ca dao, tục ngữ vẫn là nội dung quan trọng được đưa vào Chương trình và SGK GDPT mới

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết:

Ca dao, tục ngữ và văn học dân gian Việt Nam nói chung chiếm một tỉ lệ lớn trong chương trình, SGK môn Ngữ văn hiện hành. Cụ thể:

Ở tiểu học

Ngay từ lớp 1, SGK đã tận dụng số chữ và vần ít ỏi mà HS học được để dạy các em những câu đố như “Không sơn mà đỏ/Không gõ mà kêu/Không khều mà rụng”, “Một đàn cò trắng phau phau/Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm”, “Da cóc mà bọc bột lọc/Bột lọc mà bọc hòn than”…; những câu đồng dao, ca dao như: “Con mèo mà trèo cây cau...”, “Cái bống là cái bống bang…”, “Tháng Chạp là tháng trồng khoai…”, “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”; hay những câu tục ngữ như: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài…”.

Chương trình, SGK Tiếng Việt các lớp trên có điều kiện dạy HS ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố nhiều hơn thông qua các bài tập đọc, chính tả, luyện từ và câu (mở rộng vốn từ, ngữ pháp) và tập làm văn. Ví dụ, bài tập đọc “Vè chim” (Tiếng Việt 2, tập 2, trang 28) là đồng dao; bài chính tả “Trâu ơi!” (Tiếng Việt 2, tập 1, trang 136) là ca dao; bài tập đọc “Cảnh đẹp non sông” (Tiếng Việt 3, tập 1, trang 97) dạy 6 câu/bài ca dao; bài tập đọc “Có chí thì nên” (Tiếng Việt 4, tập 1, trang 108) dạy 7 câu tục ngữ; bài tập đọc “Ca dao về lao động sản xuất” (Tiếng Việt 5, tập 1, trang 168, 169) dạy 3 bài ca dao…

Ở THCS

Ca dao, tục ngữ được dạy trong các bài sau: “Những câu hát về tình cảm gia đình” (Ngữ văn 7, tập 1, trang 35); “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người” (Ngữ văn 7, tập 1, trang 37); “Những câu hát than thân” (Ngữ văn 7, tập 1, trang 48); “Những câu hát châm biếm” (Ngữ văn 7, tập 1, trang 51); “Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất” (Ngữ văn 7, tập 2, trang 3); “Tục ngữ về con người và xã hội” (Ngữ văn 7, tập 2, trang 12).

Ở THPT

Dạy về ca dao, tục ngữ có các bài: “Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa” (Ngữ văn 10, tập 1, trang 82); “Ca dao hài hước” (Ngữ văn 10, tập 1, trang 82).

Theo Bộ GD&ĐT, trong SGK Ngữ văn cả hai cấp THCS và THPT đều có phần chương trình địa phương, trong đó có những bài học yêu cầu HS sưu tầm và giới thiệu những câu ca dao, tục ngữ mang bản sắc riêng của từng địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Chương trình và SGK GDPT mới được xây dựng theo hướng kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK hiện hành, trong đó có mục tiêu phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam.

Về mục tiêu tổng quát, chương trình môn Ngữ văn hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Những phẩm chất này được bồi dưỡng thông qua nội dung và phương pháp GD, đặc biệt là qua đọc hiểu các tác phẩm văn học đặc sắc.

Để tăng quyền tự chủ cho tác giả SGK và giáo viên, dự thảo Chương trình GDPT mới không quy định bắt buộc về việc lựa chọn ngữ liệu mà chỉ định hướng mục tiêu dạy học. Một trong những mục tiêu cụ thể của chương trình là hướng dẫn HS biết cách sưu tầm, giới thiệu, biết cách đọc hiểu ca dao, tục ngữ; biết vận dụng những kinh nghiệm được đúc kết trong tục ngữ, ca dao vào cuộc sống.

Dựa trên mục tiêu ấy, tác giả SGK và giáo viên sẽ lựa chọn những bài ca dao, những câu tục ngữ phù hợp nhất để xây dựng các chủ đề dạy học. Ngoài ra, các cấp học đều tiếp tục xây dựng nội dung dạy học Ngữ văn địa phương, tạo điều kiện cho giáo viên xây dựng những chủ đề dạy học về văn học địa phương trong đó có ca dao, tục ngữ địa phương.

Như vậy, các câu ca dao, tục ngữ của dân tộc vẫn là nội dung quan trọng được đưa vào Chương trình và SGK GDPT mới các cấp học nhằm GD truyền thống và nhân cách cho HS.

 (còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ