Thay đổi cách nhìn để phát huy tiềm năng của trẻ đặc biệt

GD&TĐ - Trẻ em ngày nay tới trường được giáo dục toàn diện, theo hướng giảm tải, giảm áp lực theo chủ trương vĩ mô. Tuy nhiên, những áp lực thành tích nặng nề đôi khi lại đến từ phía gia đình và không ít trẻ vì thế mà mất phương hướng, tâm lý bị đè nặng, không phát huy được thế mạnh bản thân.

Cha mẹ và thầy cô hãy phát hiện và giúp trẻ phát huy thế mạnh cá nhân để tỏa sáng. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ và thầy cô hãy phát hiện và giúp trẻ phát huy thế mạnh cá nhân để tỏa sáng. (Ảnh minh họa)

TS. Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội chia sẻ quan điểm về giáo dục trẻ “đặc biệt”, cách phát hiện và bồi dưỡng thế mạnh cá nhân, giúp trẻ phát huy và tỏa sáng nhờ sự khác biệt.

Hãy giáo dục dựa trên sự khác biệt của trẻ

Đã gần 10 năm nay, quan niệm về sự thông minh của trẻ đã có nhiều thay đổi. Có quá nhiều tài liệu và bài viết nói về các khả năng của trẻ. Trong tư duy của các con, cuộc sống là 1 sự tổng hợp hết sức đặc biệt và không tách rời.

Trí tuệ của trẻ chia thành nhiều loại khả năng: quan sát bằng đủ mọi giác quan, cảm nhận, phán đoán, phân tích, tư duy logic, .... mỗi đứa trẻ lại nổi trội ở 1 mặt khác nhau. Kiểu như sự pha trộn giữa tất cả các loại lương thực với tỉ lệ khác nhau (đỗ, lạc, gạo tẻ, ngô, gạo nếp...) sẽ ra hỗn hợp khác nhau. Nếu 1 món nào đó có tỉ lệ cao hơn, trẻ sẽ tư duy theo kiểu riêng biệt khác hẳn.

Với đám trẻ thông thường, tỉ lệ sẽ tương đối công bằng. Với trẻ đặc biệt, tỉ lệ sẽ khác biệt và con sẽ bị kết luận là dại khờ, ngu dốt. Vì thế, phải là 1 người giáo viên thông minh và thật lòng yêu trẻ mới có thể khám phá đủ để hiểu và tìm ra cách phù hợp nhất khiến trẻ hiểu được điều mà người lớn đang muốn con công nhận.

Có cậu bé học toán lớp 1 luôn rất kém khi con làm bài tập toàn sai. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ, chúng tôi nhận thấy con không chấp nhận những kiến thức được dạy theo lối ép buộc: 2 = 2, 3 = 3… hoặc số 0 là nhỏ nhất. Con cần những dẫn chứng cụ thể được chứng minh bằng khoa học.

Đã nhiều năm qua, chúng ta nói với nhau về những cậu bé cô bé như vậy nhưng cách ứng xử của chúng ta vẫn không thay đổi. Cậu bé nói trên vẫn được coi là dạng đặc biệt và mẹ được cô giáo thuyết phục lấy giấy chứng nhận khuyết tật cho con dù con hoàn toàn bình thường.

Ép buộc 1 con người phải nhận bản thân khuyết tật dù thực tế chỉ là khác chút xíu so với người thường vẫn là phong cách quen thuộc mà chúng ta đã thực hiện với đám trẻ.

Trong các ngôi trường, việc ngồi học và vẫn còn tình trạng đánh giá theo 1 chiều như cũ. Dù hội nghị Trung ương 8 đã đưa ra nghị quyết phải đổi mới giáo dục từ phát triển nội dung thành tiếp cận năng lực người học. Tuy nhiên, cách làm của chúng ta vẫn không hề thay đổi. Bài học vẫn thế, cách đánh giá vẫn thế. Các nhà giáo vẫn ngạc nhiên với các cá thể đặc biệt mà trong 1 lớp 50 – 60 học sinh chỉ có 1 vài bạn.

TS. Vũ Thu Hương

Hiểu để không tự đẩy con mình thành “đặc biệt”

Tiếc thay, nếu có trẻ đặc biệt ở trong lớp, cô giáo sẽ mặc định trẻ bị tự kỉ hoặc tăng động hay khiếm khuyết 1 nét gì đó. Họ rất mong muốn được dồn trách nhiệm giáo dục đó lên vai người khác như phụ huynh, giáo viên phụ thay vì tìm hiểu và giúp các con phát triển.

Bên cạnh đó, nhân tố ngăn cản đứa trẻ đặc biệt phát triển chính là phụ huynh. Dù thế nào, mong muốn thành tích, mong muốn khoe và tự hào với các chuẩn mực đã được xã hội công nhận đã khiến rất nhiều phụ huynh phủ định chính con đẻ của mình. Mặc nhiên coi đứa trẻ như 1 dạng khuyết tật tâm hồn sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái thanh thản hơn là phải học cách chấp nhận và hiểu về con.

Họ sẵn sàng thuê gia sư để nhồi nhét đứa trẻ theo xu thế đám đông. Họ dễ dàng lắng nghe cô giáo, chấp nhận đi xin giấy khuyết tật để đứa trẻ được hưởng quyền ưu tiên dạng như được lên lớp dù điểm kiểm tra không đủ. Họ sẵn sàng bỏ quên (theo nghĩa bóng) những đứa trẻ đặc biệt để tìm cách đẻ đứa con khác hòng tìm kiếm người lo cho tuổi già của mình thay vì tìm hiểu và trợ giúp cho con. Thời đại nào, những đứa trẻ đặc biệt vẫn luôn cô độc trong chính gia đình của mình.

Để đáp ứng yêu cầu phát huy năng lực và thế mạnh cá nhân của người học, đồi hỏi mô hình giáo dục phải có sự uyển chuyển và thay đổi phù hợp. Những đứa trẻ đặc biệt dù muốn hay không cũng phải đi học trong trường học truyền thống, không có không gian riêng hay mô hình riêng dành cho các con.

Đi học hay nghỉ ở nhà, các con vẫn phải lo lắng đến bằng cấp, đến các kì thi và mọi thứ như bạn bè. Chính điều đó đã khiến những đứa trẻ đặc biệt không sao phát huy được năng lực tự thân. Đôi khi, các năng lực đó bị thui chột theo thời gian với sự gò ép của người lớn hoặc phát tác theo hướng xấu. Phải chăng trẻ em Việt vẫn có nhiều cháu không tìm thấy “nhà” trong chính nơi ở của mình.

Cá tính, “không đổ vừa khuôn”, “không giống ai”, hay “tự kỉ”, “thần kinh”, “bất thường”, “dị dạng”... là những gì người đời gán cho những người đặc biệt. Chọn cách hiểu nào để trẻ phát triển, chọn cách ứng xử nào để những đứa trẻ tội nghiệp không bị tống ra bên lề của xã hội, đó chính là nhiệm vụ của cha mẹ học sinh và các giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.