Trong cuộc sống hiện nay, không ít phụ huynh vì thương con mà không muốn để cho con trẻ tự làm lấy công việc cá nhân của trẻ. Thực tế có những công việc thừa khả năng của trẻ làm, nhưng vì không muốn con mình làm cực nên phụ huynh đã dành phần làm lấy. Chính điều này vô tình họ đánh mất đi cơ hội tích lũy kỹ năng sống của trẻ.
Như chúng ta biết, một đứa trẻ khi thiếu đi tính tự lập sẽ chịu nhiều thua thiệt hơn so với bạn bè cùng trang lứa khác. Bởi, đối với trẻ chưa có tính tự lập sẽ không tiếp thu được những kiến thức cơ bản và bản thân chưa am hiểu tường tận tính chất của những công việc.
Hơn nữa, trong cuộc sống hằng ngày đâu phải lúc nào cũng có người thân chực sẵn bên cạnh giúp đỡ. Có những lúc không người nhà bên cạnh, thì dĩ nhiên công việc ấy phải do chính bản thân trẻ tự làm lấy. Nếu trẻ nào không biết thực hiện thì thiệt thòi cho trẻ là chuyện nghiễm nhiên.
Do đó, dạy cho trẻ tính tự lập là điều rất cần thiết đối với phụ huynh. Để rèn tính tự lập cho trẻ, trước hết phụ huynh cần hoạch định ra những công việc dành cho trẻ. Cần lưu ý chỉ chọn lựa những công việc nào thích hợp với năng lực, độ tuổi của trẻ (kể cả công việc của cá nhân trẻ và công việc trong gia đình). Chẳng hạn như: ăn uống, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa phụ giúp cha mẹ…
Kế tiếp, hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn một từ dễ đến khó để trẻ thực hiện. Vừa dạy cho trẻ làm, vừa nêu những lợi ích mà công việc đó sẽ mang lại cho bản thân, gia đình trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cần nhớ là đứa trẻ nào cũng hay dễ chán với công việc. Cho nên, lúc phụ huynh dạy trẻ làm công việc phải thường xuyên dùng những lời lẽ ngọt ngào, nhằm động viên, khích lệ tinh thần để các em có thêm hứng thú.
Đến lúc trẻ thực hiện công việc một cách thuần thục thì phụ huynh cần phải có sự giám sát, nhắc nhở trẻ tự làm. Một công việc được trẻ thực hiện thường xuyên, liên tục thì dần dần sẽ hình thành kỹ năng của các em.
Một khi đứa trẻ đã được trang bị những kỹ năng cần thiết, lúc va chạm với công việc trong thực tiễn thì tự bản thân các em sẽ giải quyết được công việc của mình, mà không cần có sự giúp đỡ nào từ người khác. Từ đó, giúp cho các bậc phụ huynh an tâm hơn vào những lúc họ không ở cạnh bên con cái.