Tạo dựng môi trường giao tiếp bằng Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”đã bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt.

Giờ học tăng cường tiếng việt tại Trường tiểu học Đề Thám (Tràng Định) tỉnh Lạng sơn. Ảnh: Báo Lạng sơn
Giờ học tăng cường tiếng việt tại Trường tiểu học Đề Thám (Tràng Định) tỉnh Lạng sơn. Ảnh: Báo Lạng sơn

Hiệu quả của đề án tăng cường tiếng Việt 

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”đã bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Đồng thời, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS.

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; hằng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Đề án được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người DTTS thuộc 42 tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương có đông đồng bào DTTS .

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Đề án đã thực sự làm thay đổi chất lượng giáo dục tiểu học tại các vùng DTTS. Nhờ thành thạo tiếng Việt, nhiều học sinh DTTS không chỉ nắm vững hơn các môn học khác mà còn trở nên tự tin trong học tập lẫn cuộc sống.

Tại tỉnh Sơn La, sau 4 năm triển khai đề án, đến nay, tỷ lệ trẻ mầm non vùng DTTS ra trường/lớp đạt 96%; 97% trẻ em mầm non được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non; đa số trẻ (DTTS) mạnh dạn, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt và đánh giá đạt yêu cầu theo lĩnh vực phát triển, môn học; 95% giáo viên mầm non, 75%  giáo viên tiểu học dạy trong các trường có học sinh DTTS có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên; 95% giáo viên mầm non được bồi dưỡng tiếng dân tộc, gần 50% giáo viên tiểu học biết tiếng dân tộc, dạy đúng tiếng dân tộc…

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ 22,2 tỷ đồng kinh phí bổ sung  thiết bị dạy học phục vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS. Giai đoạn 2020-2025, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho các trường học sinh tiểu học, mầm non DTTS trên địa bàn.

Học Tiếng Việt đã trở nên gần gũi với trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Học Tiếng Việt đã trở nên gần gũi với trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Tại tỉnh Lạng Sơn, sau 4 năm triển khai đề án, chất lượng học tiếng Việt của trẻ em, học sinh DTTS trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Theo thống kê hằng năm, 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non đều được tăng cường tiếng Việt, có trên 99% trẻ mầm non ra lớp được đánh giá đạt mục tiêu phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra trường nhận biết và phát âm đúng các chữ cái tiếng Việt. Đối với cấp tiểu học, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, hằng năm, tỉ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn tiếng Việt luôn đạt trên 99%.

Tại Bình Thuận, Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm (2016 - 2020) triển khai thực hiện đề án, có 4.892/9.557 trẻ DTTS bậc mầm non đến trường, đạt 51,19%; 100% trẻ DTTS ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt. Từ đó, trẻ có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1.  

Còn đối với bậc tiểu học, chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt. Nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ hơn. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Sau 4 năm triển khai Đề án, chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được nâng lên rõ rệt.  Nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt được cơ sở giáo dục, giáo viên triển khai sáng tạo cả về hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục.

Môi trường tiếng Việt phong phú, đa dạng, tạo nhiều cơ hội để trẻ được giao tiếp, làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ. Tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ được huy động ra lớp đạt 37,9%, trẻ mẫu giáo đạt 97,3%. 100% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi.

Bên cạnh các kết quả khả quan đáng ghi nhận, Đề án cũng phải đối diện với vấn đề “tái mù chữ” khi học sinh dân tộc không thể đến trường.

Duy trì các giải pháp tạo dựng môi trường giao tiếp Tiếng Việt

Chỉ đạo rà soát việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non theo bộ tiêu chí cần được triển khai quyết liệt.

Trong quá trình xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt (TCTV), cần chú ý: phân loại khả năng tiếng Việt của trẻ để có phương pháp, nội dung TCTV phù hợp với đối tượng trẻ; tăng thời lượng tập nói tiếng Việt, lồng ghép tăng cường tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục. Chú ý cung cấp đầy đủ tài liệu, học liệu cho giáo viên và trẻ nhằm đảm bảo chất lượng tăng cường tiếng Việt.         

Nhằm hướng đến mục đích rèn các kỹ năng cần thiết nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho học sinh dân tộc thì nhiệm vụ đầu tiên của giáo viên là tăng cường hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt. Học sinh dân tộc ở các lớp ghép thường ít có cơ hội giao tiếp tiếng Việt, mặt khác học sinh ở các lớp ghép thường có tâm lý nhút nhát, thiếu tự tin, ngại giao tiếp với người lạ...do đó giáo viên cần tạo nhiều cơ hội để học sinh giao tiếp.

Cụ thể như cho học sinh tập nói Tiếng Việt thông qua các hoạt động chào hỏi, tự thuật, mô tả các sự vật, hiện tượng trong môi trưòng xung quanh để tận dụng những tình huống thực, mở rộng dần vòng giao tiếp từ hẹp đến rộng, từ gần đến xa.

Trong quá trình dạy học, thường xuyên đặt câu hỏi, hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi, dạy cách giao tiếp với người lớn tuổi trong trường và ở địa phương nơi sinh sống.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể như trò chơi, múa hát,… để học sinh dân tộc dễ dàng tiếp thu tiếng Việt.

Xây dựng các tình huống giả định như: cho học sinh đóng vai các nhân vật trong bài học, tạo ra các tình huống để học sinh đóng vai ...

Trong quá trình giao tiếp cần lưu ý nhắc nhở học sinh thường xuyên sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với bạn bè trong giờ ra chơi. Nội dung giao tiếp cần gắn với chủ điểm đã học (về bản thân, bạn bè, gia đình,bản làng...)

Tạo nhiều môi trường giao tiếp tiếng Việt ở gia đình, trong cộng đồng, đặc biệt là sử dụng sách báo, tranh ảnh để hỗ trợ học tiếng Việt, nhắc nhở các em nghe đài, xem ti vi và trao đổi nội dung nghe, đọc được với người thân, với bạn bè, thầy cô giáo hoặc nhân viên hỗ trợ giáo viên. Ở môi trường cộng đồng, giáo viên cần vận động cộng đồng giao tiếp với học sinh bằng tiếng Việt, phối hợp với các đoàn thể để tổ chức tốt các hoạt động tập thể cho các em học sinh .

Bên cạnh đó phối hợp với đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ xây dựng các câu lạc bộ đọc sách tại thôn bản, hướng dẫn cha mẹ trẻ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp với trẻ. Tổ chức cho các em mẫu giáo 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học, tham gia ngày hội nói tiếng Việt; phối hợp với hội phụ huynh, già làng trưởng bản sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian (truyện thơ, sử thi, câu đố, các bài hát ru…) của người dân tộc thiểu số để dùng trong các nhà trường; khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động TCTV.

Như vậy với việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án tăng cường Tiếng Việt đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, các bậc cha mẹ học sinh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của kinh tế xã hội tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.