Khơi dậy đam mê học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Sau những ngày miệt mài đánh vần từng chữ tiếng Việt, hàng loạt học sinh là người Rắk Lây, Ê Đê… ở các xã vùng sâu của tỉnh Khánh Hòa không còn sợ hãi chạy hút vào nương rẫy khi nghe nói chuyện trường lớp. Nỗi ám ảnh về sự lạc lõng cũng đã phần nào được xua tan, các em tự tin sẵn sàng bước vào năm học 2017-2018.

Giáo viên Đinh Thị Kim Trang đang dạy học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Khánh Thành
Giáo viên Đinh Thị Kim Trang đang dạy học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Khánh Thành

Sáng tạo cách truyền đạt

Có hơn 10 năm gắn bó với vùng sâu và hăng hái dạy tiếng Việt cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên Đinh Thị Kim Trang (Trường Tiểu học Khánh Thành, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ: Gần 100% học sinh độ tuổi 5-6 ở xã Khánh Thành nếu không được bồi dưỡng tiếng Việt kịp thời sẽ rất khó tiếp cận các kiến thức và bài giảng. Do đó, những tháng hè vừa qua hàng trăm giáo viên phải chạy đua với thời gian để bồi dưỡng cho các em kịp thời bước vào năm học mới. Sau đó, tiếp tục củng cố vốn tiếng Việt của các em.

Truyền đạt tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số ở hầu hết các thôn buôn sâu xa của Khánh Hòa là rất khó, bởi mọi người xung quanh và gia đình các em đều nói tiếng bản địa nên có em học tiếng Việt hôm nay, mai lại quên mất, cứ bước chân về nhà là nói tiếng của dân tộc mình. Chính vậy nên giáo viên cần phải liên tục truyền đạt tiếng Việt cho các em.

Một trong những cách sáng tạo của các giáo viên mầm non, tiểu học ở xã Khánh Thành là bất cứ vật dụng, đồ chơi, đồ dùng học tập nào cũng gắn dòng chữ song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc cho học sinh tiện nắm bắt. Giáo viên Cao Thị Mỹ Hiền (Trường Tiểu học Khánh Thành) cho biết: Phải biết cách khơi dậy đam mê học tiếng Việt của các em. Có khi giáo viên còn mua thêm gói kẹo, gói bánh có dán rất nhiều chữ tiếng Việt trên đó, khuyến khích học sinh khi nào học và đọc được tiếng Việt tốt thì sẽ được thưởng kẹo hoặc được thầy cô dẫn đi chơi tham quan quanh địa bàn huyện, thăm các điểm vui chơi ở thị trấn.

Giáo viên Nguyễn Thị Loan (Trường Tiểu học Ninh Tân, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ thêm: Vùng này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy được hỗ trợ thêm tiền xăng nhưng giáo viên gắn bó với địa bàn rất vất vả. Muốn truyền đạt tốt tiếng Việt, ngoài cách luyện phát âm cần hiểu được tâm lý, hoàn cảnh từng em để động viên, khích lệ kịp thời. Hiểu cả thời gian biểu của các gia đình để có cách vận động các em đi học tiếng Việt một cách hợp lý nhất. Ban đầu, giáo viên đến nhà học sinh phải kèm theo phiên dịch nhưng hiện nay nhiều giáo viên bám địa bàn lâu năm đã học thêm được cả tiếng dân tộc bản địa. Có nhiều em đánh vần mãi chưa được tiếng Việt sinh tâm lý chán, ngay lúc ấy phải cho các em tham gia nhiều trò chơi vui nhộn để giảm căng thẳng, lấy lại cân bằng sau đó mới học tiếng Việt tiếp.

Đánh thức khát vọng đến trường

Theo Sở GD&ĐT Khánh Hòa, những ngày hè năm 2017 đã triển khai dạy bồi dưỡng tiếng Việt cho 3.700 em học sinh ở khắp các bản làng xa xôi để các em tự tin bước vào năm học 2017-2018. Vào năm học mới rồi, 37 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt cho gần 2.000 học sinh, trung bình mỗi học sinh lớp 1 là người dân tộc thiểu số sẽ được học trên 300 tiết tiếng Việt/năm. Riêng tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, gần 100% trường tiểu học đều tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Khi thông thạo tiếng Việt, không những các em hăng hái đến lớp mà còn hòa đồng với cuộc sống, với xã hội bên ngoài bản làng mình nữa.

 Nhiều giáo viên bám địa bàn dạy tiếng Việt chia sẻ: Phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số khi được đả thông tư tưởng, giải quyết khúc mắc về ngôn ngữ thì cuộc vận động trẻ đến lớp sẽ đạt kết quả cao. Sáng học sinh nghỉ học thì tối giáo viên phải đến nhà hỏi thăm lý do và vận động đến lớp ngay. Với học sinh chưa đến lớp thì phân tích cho phụ huynh hiểu lợi ích của việc học để họ không ngăn cản con mình đến lớp. Học sinh yếu kém, chán học thì các giáo viên thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo để các em vươn lên bằng bạn bè. Hầu hết giáo viên đều thuộc từng con đường, từng thôn bản, từng nóc nhà của những bản làng.

Giáo viên Đinh Thị Kim Trang (Trường Tiểu học Khánh Thành) bộc bạch rằng ngày mới về bám địa bàn vùng sâu đã suýt phát khóc và có ý muốn bỏ trường. Nhưng rồi được sự động viên kịp thời của đồng nghiệp, cô như được tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề, xem học sinh gần gũi như chính người nhà của mình, ân cần giúp các em hứng thú học tập hơn. Khi các em đã nắm được các phương pháp học cơ bản thì thích học tiếng Việt như tiếng dân tộc mình vậy. Niềm say mê nghề và khát vọng tìm đến con chữ của những đứa trẻ vùng sâu đã níu chân cô Trang ở lại.

Em Cao Thị Khuyên và nhiều học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Khánh Thành tâm sự: Ban đầu học tiếng Việt khó lắm, chỉ muốn chạy về nhà thôi. Nhưng càng học càng thích vì được các thầy cô khen ngợi, thỉnh thoảng còn tặng sách vở, khi đọc và hiểu tiếng Việt rồi thì không còn sợ đến trường nữa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ