Phát triển tư duy phản biện trong dạy học văn qua hình thức thảo luận Socratic

GD&TĐ - Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh - kĩ năng quan trọng trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Một trong những phương pháp hữu hiệu rèn luyện tư duy phản biện trong giờ dạy học văn chính là hình thức thảo luận Socratic.

Phát triển tư duy phản biện trong dạy học văn qua hình thức thảo luận Socratic

Tư duy phản biện (Critical Thinking), hiểu một cách đơn giản nhất, đó là khả năng suy nghĩ và tư duy đa chiều, phản biện lại vấn đề, xem xét mọi khía cạnh để tìm ra chân lý chứ không dễ dàng chấp nhận mọi ý kiến ngay từ ban đầu.

Tư duy phản biện giúp con người vượt ra khỏi cách lối mòn trong tư duy; hướng đến cái mới, thoát khỏi những rào cản của định kiến, đưa ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc đối với một vấn đề nào đó.

Những khó khăn trong việc phát huy tư duy phản biện trong giờ dạy học văn

Trong dạy học văn hiện nay, việc phát huy tư duy phản biện đã được chú trọng nhưng vẫn còn vấp phải những rào cản lớn. Trước hết, chính là thói quen thụ động trong học tập và chiếm lĩnh kiến thức của học sinh cộng hưởng với lối dạy học truyền thụ một chiều đã “ăn sâu” trong một bộ phận giáo viên.

Bên cạnh đó, các giờ dạy học văn còn phải chịu áp lực từ các những kì thi dẫn đến gánh nặng và những khuôn mẫu trong kiến thức dạy học. Quan trọng hơn, trong sự lép vế của các môn xã hội trong xu hướng chọn ngành nghề, không có nhiều học sinh thật sự yêu thích, đam mê môn Văn. Vì vậy, dễ hiểu khi các em thụ động, thiếu hứng thú để tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong giờ học văn.

Mặt khác, cũng phải kể đến rào cản từ tu duy người thầy. Có thể nói, không phải giáo viên nào cũng “quen” với việc lắng nghe ý kiến phản biện của học sinh, nhất là những ý kiến trái chiều. Như vậy, để phát triển tư duy phản biện cho học sinh, người thầy phải chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức, biết lắng nghe và tạo được không gian đối thoại tự do, dân chủ; từ đó mới có thể khuyến khích học sinh dám nghĩ và dám phản biện lại vấn đề trong giờ dạy học văn.

Để phát triển tư duy phản biện trong giờ dạy học văn, các giáo viên thường hướng đến một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: dạy học nêu vấn đề, thảo luận nhóm, đóng vai,… Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một hình thức tổ chức khá hữu hiệu là thảo luận Socratic.

Thảo luận Socratic là gì?

Đối thoại Socratic (còn gọi là phương pháp truy vấn biện chứng) là hình thức hỏi – đáp trên tinh thần dân chủ để từ đó những người tham gia cuộc đối thoại dần tiệm cận chân lý về vấn đề mình đang thảo luận. Thông qua hình thức thảo luận nhóm, phương pháp thảo luận Socratic chủ yếu thúc đẩy học sinh giúp đỡ lẫn nhau để hiểu những ý tưởng, những vấn đề, những giá trị được phản ánh trong văn bản văn học.

Đọc đến đây, hẳn có người sẽ tự hỏi: vậy thảo luận Socratic có gì khác với phương pháp thảo luận nhóm thường được giáo viên sử dụng hiện nay. Thảo luận nhóm thường được giáo viên tiến hành như sau: giáo viên phân nhóm học sinh, giao nhiệm vụ; học sinh làm việc theo nhóm, thống nhất kết quả thảo luận; đại diện nhóm trình bày; các nhóm đóng góp ý kiến, giáo viên nhận xét, đánh giá chung. Như vậy, kết quả thảo luận thực chất sẽ quy về khuôn mẫu chung nào đó và việc phản biện của học sinh rất hiếm khi được nêu ra, bởi lẽ các em đã thống nhất một kết quả chung cho cả nhóm. Đó là chưa kể trong giờ dạy học nhiều khi thảo luận nhóm còn mang nặng tính hình thức.

Thảo luận Socratic là một phương pháp giảng dạy mà trong đó, người thầy không có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi. Hầu như tất cả những câu hỏi đều được trả lời bằng một câu hỏi khác. Người thầy đóng vai trò như người dẫn đường, giúp học trò nhận rõ được vấn đề và tự tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình. Qua cách hỏi để gợi ý, câu trả lời thật sự phát xuất từ người trò.

Vận dụng thảo luận Socratic trong dạy học văn như thế nào?

Môn Ngữ văn có lợi thế nhất định trong việc vận dụng hình thức thảo luận Socratic, bởi lẽ bản thân một văn bản ngôn từ đã chứa đựng vô vàn “khoảng trống”, khơi gợi sự “hoài nghi”, kiếm tìm và giải mã của độc giả. Vì vậy, giáo viên có thể lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học thảo luận Socratic khi tiến hành giờ đọc hiểu văn bản.

Tiến trình thảo luận Socratic diễn ra như sau:

- Giáo viên đưa ra chủ đề cho buổi thảo luận như cách đánh giá nhìn nhận nhân vật, sự kiện, chi tiết… trong tác phẩm; thông điệp nghệ thuật, phong cách tác giả, những vấn đề liên hệ thực tế cuộc sống được gợi ra từ tác phẩm,... Đồng thời, cần chuẩn bị những câu hỏi dẫn dắt học sinh vào chủ đề thảo luận, những câu hỏi gợi mở khi học sinh bế tắc trong thảo luận.

- Học sinh đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt diễn tiến buổi thảo luận. Học sinh thường được sắp xếp ngồi thành vòng tròn, xoay quanh vị trí trung tâm là giáo viên. Mỗi cá nhân tự do phát biểu quan điểm của mình và cần đưa ra được những lí lẽ, dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của bản thân.

- Buổi thảo luận sẽ là những câu hỏi nối tiếp câu hỏi để tìm đến chân lý cuối cùng, sáng rõ về văn bản được thảo luận. Ví dụ: “bạn nói như thế lấy căn cứ từ chi tiết nào trong tác phẩm? bạn có thể diễn đạt bằng cách khác hay không? Tại sao bạn lại cho rằng…? theo bạn, tác giả gửi gắm thông điệp gì qua hình ảnh/chi tiết ấy?, …

Trong quá trình thảo luận ấy, học sinh được bày tỏ suy nghĩ trong không khí tự do, dân chủ. Đó chính là môi trường lí tưởng trau dồi tư duy phản biện cho các em. Tất nhiên, với những giờ học như thế này vai trò định hướng của người giáo viên rất quan trọng; đồng thời cũng cần tránh những công kích mang tính chất cá nhân, thiếu văn hoá,… mà cần tập trung vào chủ đề thảo luận. Sau buổi thảo luận, giáo viên tổ chức cho học sinh đánh giá, cảm nhận về tiết học: nhận thức của em về tác phẩm trước và sau thảo luận có thay đổi hay không? Em hứng thú với đoạn nào trong buổi thảo luận?

Đích hướng đến của một giờ học văn bao giờ cũng là những gì mà người học “vỡ ra”, hiểu được về văn bản. Con đường tốt nhất chính là các em tự tìm ra chân lý dưới sự gợi mở của người thầy chứ không phải là nhồi nhét kiến thức mà người thầy cung cấp. Xét từ góc độ ấy, thảo luận Socratic là một phương pháp khá hữu ích trong giờ dạy học văn.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…