Khoảng trống giữa doanh nghiệp và người lao động

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Năm 2017, người có độ tuổi 15 – 24 ở nước ta là 13,4 triệu người, 89% trong số đó (khoảng 11,9 triệu người) có kỹ năng thấp; độ tuổi 16 – 30 là gần 20 triệu người, trong đó 16,1 triệu người có kỹ năng thấp, chiếm tỷ lệ trên 80%… Thực tế là hàng triệu người sẽ tiếp tục làm việc với kỹ năng thấp nếu không được đào tạo.  

Sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội thực tập tại doanh nghiệp
Sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội thực tập tại doanh nghiệp

Ít cơ hội việc làm bền vững

Số lượng và tỷ lệ thanh niên có kỹ năng thấp theo tình trạng hoạt động kinh tế, năm 2017 là trên 53% người từ 15 – 25 tuổi và 70% người từ 16 – 30 tuổi. Tỷ lệ này rất cao ở một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc… Hạn chế về trình độ học vấn là rào cản lớn nhất để thanh niên có thể tham gia vào các chương trình đào tạo nghề chính quy bậc trung và bậc cao. Gần 30% thanh niên khó tiếp cận với cấp trình độ này do chưa đáp ứng được yêu cầu đầu vào về trình độ học vấn để tham gia tuyển sinh.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong những năm qua là khá cao, tuy nhiên cơ hội việc làm cho thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc làm có chất lượng và một trong những nguyên nhân quan trọng là thanh niên chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng nghề của thị trường lao động.

Người có kỹ năng thấp là không có chuyên môn kỹ thuật hoặc trình độ sơ cấp nghề có thời gian đào tạo dưới một năm; Người có kỹ năng trung bình bao gồm những người đã qua đào tạo trung cấp; Người đã qua đào tạo từ trình độ cao đẳng trở lên được coi là có kỹ năng cao. 

Hiện, có khoảng một nửa số thanh niên có kỹ năng thấp không đi học và đang tham gia vào thị trường lao động, thiếu sự chuẩn bị về kỹ năng nghề nghiệp. Như vậy, số lao động này khó có thể có được việc làm tốt. Có thể nhận ra, đang còn những khoảng trống lớn giữa yêu cầu của người tuyển dụng lao động và khả năng đáp ứng của người lao động, trong đó đặc biệt là lao động thanh niên.

Thực tế cho thấy, có nhiều thanh niên không học nghề do nhiều hoàn cảnh khác nhau, tỷ lệ ngừng học của thanh nhiên độ tuổi 16 – 19 là rất cao. Mặc dù chính phủ đã có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có thanh niên ngừng học tham gia đào tạo nghề, nhưng tình trạng thiếu kỹ năng nghề vẫn còn khá phổ biến ở nhóm đối tượng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tuyển dụng lao động có tay nghề phù hợp với công việc.

Khuyến nghị hợp tác

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên là sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo các kết quả khảo sát, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với cơ sở đào tạo; thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề. Ở chiều ngược lại các cơ sở đào tạo nghề vẫn còn thụ động trong thiết lập quan hệ hợp tác với doanh nghiệp.

Khuyến nghị về giải pháp, TS Chu Thị Lan – Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng: Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết thách thức việc làm cho thanh niên bỏ học, kỹ năng thấp. Cần phải đào tạo bổ sung, vì qua trường lớp các em chỉ nắm được những kiến thức cơ bản chứ chưa thể làm việc thành thạo. Ngoài các kỹ năng phù hợp với thiết bị công nghệ của doanh nghiệp, cần đào tạo bổ sung các kỹ năng mềm như: Giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian…

Ngoài việc đẩy mạnh liên kết tuyển sinh, đưa học sinh, sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cần chủ động liên kết trong công tác đào tạo, mời chuyên gia của doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo. Ngoài ra, tạo cơ hội để các doanh nghiệp phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố tài năng ngay từ khi còn đang trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, làm rõ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ chi phí đào tạo cho doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai, thuế… và xem xét bổ sung, áp dụng các mức hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề. -  TS Chu Thị Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.