Đưa phê bình kí hiệu học đến gần với độc giả

GD&TĐ - Ngày 24/9, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí – Đại học Văn hóa Hà Nội, NXB Phụ nữ phối hợp với Khoa Viết văn - Báo chí - Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu sách “Phê bình kí hiệu học - Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” của Phó Giáo sư - Tiến sĩ La Khắc Hòa (bút danh Lã Nguyên).

Đưa phê bình kí hiệu học đến gần với độc giả

Với mục đích đưa phê bình kí hiệu học đến gần và "dễ hiểu" hơn với độc giả, như một cách tiếp cận mới để tìm ra cái hay, cái đẹp của văn học nghệ thuật, đem đến đời sống tinh thần phong phú cho độc giả, tại buổi tọa đàm, khán giả sẽ được trò chuyện cùng GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS La Khắc Hòa, TS Trần Ngọc Hiếu.

“Phê bình kí hiệu học”của Lã Nguyên là cuốn sách phát hiện lại lí thuyết trên một chất liệu mới là các tác phẩm văn học Việt Nam, tác giả hướng đến việc tái cấu trúc các hệ thống ngôn ngữ đặc thù làm nên các loại hình diễn ngôn trong văn học nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử và trong sáng tác của một số nhà văn, nghệ sĩ.

“Phê bình kí hiệu học”, với Lã Nguyên, chính là sự phát hiện, kiến tạo kí hiệu, giải mã kí hiệu, phiên dịch kí hiệu, là giải thích ý nghĩa của các kí hiệu. Chẳng hạn, với Tố Hữu, Lã Nguyên chỉ ra bốn nhân vật - kí hiệu xuyên suốt các tác phẩm của ông là: lãnh tụ anh minh, mẹ vĩ đại, chúng con anh hùng và kẻ thù bầy thú man rợ.

Còn với Nguyễn Tuân, Lã Nguyên gọi ông là nhà văn của hình dung từ. Tác giả chỉ ra nội hàm của hình dung từ ấy trong suốt tiến trình viết của Nguyễn Tuân qua các giai đoạn: hình dung từ về kì nhân, kì sự, kì thú, khi chuyển sang giai đoạn mới, Nguyễn Tuân chuyển sang hình dung từ về kì quan và quái nhân. Lã Nguyên đã làm cho các mã kí hiệu được gọi tên cụ thể, trở thành đặc trưng của từng nhà văn. 

Với lối viết mạch lạc, rõ ràng, cùng những phân tích sắc sảo và thú vị, cuốn sách là tài liệu hữu ích cho những nhà nghiên cứu và bạn đọc yêu văn chương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ