Mô hình Câu lạc bộ khoa học – Bước đệm tạo ra những học sinh toàn diện

GD&TĐ - Được thành lập từ đầu năm học này, Câu lạc bộ khoa học là tâm huyết của cô giáo Vũ Thúy Hoa Vân – GVCN lớp 8A2, trường THCS Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, với hy vọng tạo ra một môi trường giao lưu thật sự bổ ích cho học sinh THCS. 

Cô Hoa Vân cùng các học sinh đang tiến hành thu hoạch Giá đỗ
Cô Hoa Vân cùng các học sinh đang tiến hành thu hoạch Giá đỗ

Với hoạt động này, các bạn học sinh có thể được phát triển toàn diện trên nhiều mặt, không chỉ có những kiến thức và thực hành mà còn là cơ hội hoàn thiện các kĩ năng mềm, những thứ cũng vô cùng quan trọng trong xã hội hiện nay.

Điều đặc biệt so với các mô hình câu lạc bộ khác

Mô hình hoạt động CLB và cả CLB khoa học không còn quá xa lạ ở Việt Nam, thế nhưng mô hình này ở trường THCS Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy lại có những điều đặc biệt khác.

Các kiến thức khoa học từ nhiều bộ môn: vật lí, hóa học, sinh học, toán học…sẽ được lồng ghép khéo léo vào trong mỗi bài học, và mục đích sau cùng là làm ra các sản phẩm thực tế.

Những sản phẩm này sẽ vô cùng gần gũi với đời sống hàng ngày, và chính các bạn học sinh sẽ được trực tiếp bán sản phẩm đó, để thu về một phần kinh phí gây quỹ của CLB để dùng cho các dự án tiếp sau hoặc làm từ thiện.

“ Các hoạt động được tổ chức ngoài giờ lên lớp, và cũng như không mất quá nhiều thời gian, do đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc học tập của các con ” – Cô Hoa Vân chia sẻ.

Nhóm sản xuất đang kiểm tra sự phát triển của giá đỗ

Nhóm sản xuất đang kiểm tra sự phát triển của giá đỗ

Mô hình hoạt động của câu lạc bộ

CLB Khoa học là nơi giao lưu của tất cả các bạn học sinh, không phân biệt lứa tuổi. Các anh chị lớp 8,9 sẽ là người dìu dắt các em nhỏ hơn. CLB hoạt động theo mô hình các dự án, mỗi dự án sẽ được lựa chọn theo từng chủ đề khoa học, vào từng thời điểm nhất định của năm học.

Sau đó thực hiện lần lượt theo các bước: 1- Những buổi học giới thiệu về kiến thức khoa học sử dụng trong dự án 2 – Phân chia nhóm hoạt động của dự án (Nhóm sản xuất, Nhóm truyền thông, Nhóm hậu cần), 3 – Sản xuất sản phẩm, 4 – Bán sản phẩm. Toàn bộ các công đoạn thực tế của dự án đều là do các bạn học sinh tự làm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo cố vấn,

Cô Hoa Vân – Người trực tiếp lên ý tưởng và quản lí CLB Khoa học
Cô Hoa Vân – Người trực tiếp lên ý tưởng và quản lí CLB Khoa học 

Việc lựa chọn chủ đề của dự án là vô cùng quan trọng, phải tăng dần cấp độ từ dễ đến khó, phải có sự hài hòa các môn khoa học để tránh sự nhàm chán cho học sinh, đặc biệt là gần gũi với đời sống hàng ngày.

Trên tinh thần đó, những dự án đầu tiên của CLB có thể kể đến như : Sản xuất giá đỗ siêu sạch, Sản xuất rau mầm cải hay Làm đèn trung thu handmade…Những sản phẩm đó được chính các bán tại trường sau giờ học cho các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh của trường.

Nhóm Truyền thông tư vấn bản sản phẩm cho các thầy cô, PHHS
Nhóm Truyền thông tư vấn bản sản phẩm cho các thầy cô, PHHS 

Những kết quả đáng mừng của câu lạc bộ

Mới chỉ hoạt động được hơn một tháng, tuy nhiên mô hình CLB Khoa học của Trường THCS Dịch Vọng Hậu đã mang đến rất nhiều tín hiệu khả quan. Không những có thêm nhiều kiến thức khoa học bổ ích, các bạn học sinh còn được trang bị những kĩ năng mềm khác như: Làm việc nhóm, thiết kế tờ rơi, truyền thông, bán hàng…thay cho những thời gian mà trước đó đa phẩn chỉ dùng để chơi game.

Bên cạnh đó, việc học sinh được bắt tay vào làm thực tế các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản như những dự án đầu tiên, sẽ cải thiện rất nhiều khả năng hoạt động trải nghiệm, điều đang rất thiếu với học sinh thành phố.

Với số tiền thu được sau mỗi dự án, CLB luôn trích một phần ra để gây quỹ từ thiện, qua đó cũng giáo dục được học sinh tình yêu thương con người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Thêm nữa, phản hồi từ phụ huynh các bạn học sinh cũng rất tốt, bố mẹ đều rất vui khi thấy con mình tham gia những hoạt động ‎ nghĩa và còn làm ra những sản phẩm vô cùng bổ ích.

Ngoài ra, các bạn học sinh tham gia CLB còn phải hoàn thành các bài tập đi kèm theo mỗi dự án, ví như: Chế biến món ăn cho gia đình bằng sản phẩm của dự án. Điều này không những rèn cho các bạn tính tự lập mà còn giúp gia đình gắn kết, vui vẻ hơn.

Cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Oanh trực tiếp hướng dẫn các bạn học sinh
Cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Oanh trực tiếp hướng dẫn các bạn học sinh 

“ CLB Khoa học đang thay đổi các con rất nhiều, các con mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp, con không còn cắm cúi vào điện thoại nhiều nữa, thay vào đó, con dành thời gian tìm hiểu các kiến thức khoa học trên mạng. Sau khi các con làm giá đỗ, lần đầu tôi được ăn món Giá xào từ chính tay con làm, thấy xúc động vô cùng ” – 1 phụ huynh chia sẻ.

Với hoạt động của CLB Khoa học, trường THCS Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy đang phát động phong trào “ Bữa ăn tự sản xuất ” với các sản phẩm được làm ra bởi chính các bạn học sinh.

Đúng như tinh thần ban đầu từ khi thành lập, CLB Khoa học trường THCS Dịch Vọng Hậu đang là môi trường giao lưu bổ ích cho các bạn học sinh. Đúng như lời cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Oanh hy vọng từ ngày thành lập CLB “ Các con phải trở thành những học sinh năng động hơn, tự tin hơn và đầy đủ kỹ năng để vững bước trước cuộc đời ”.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.