Hội đồng trường phải tự chủ trong phương thức quản trị

GD&TĐ - Vai trò quan trọng của Hội đồng trường (HĐT) được nhấn mạnh, thế nhưng, trên thực tế, cơ chế này còn khá mới ở Việt Nam và còn nhiều câu hỏi cần giải quyết. Để HĐT tại các trường ĐH phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc chuyển đổi cơ chế quản trị ĐH, TS Đặng Đức Long – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK- ĐH Đà Nẵng) đã trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Thưa TS, được biết, VNUK đã có một công trình nghiên cứu về quản trị giáo dục đại học, trong đó có so sánh giữa quản trị đại học và HĐT dựa vào dữ liệu khảo sát giữa nhóm trường đại học Russell bao gồm 24 trường ĐH hàng đầu của Anh và các trường ĐH tại Việt Nam. Ông có nhận xét gì về quản trị ĐH tại Vương quốc Anh?

TS Đặng Đức Long: Việc phân tích bộ luật đại học 2014 của Anh cho thấy, vấn đề quản trị đại học ngay cả ở những nước phát triển như Vương quốc Anh cũng được quy định cụ thể bằng luật và mô hình tiếp cận từ trên xuống tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, Vương quốc Anh đưa ra các quy định linh hoạt và theo hướng tiếp cận tự quyền, bảo đảm cho các cơ sở giáo dục đại học (CSGD ĐH) Vương quốc Anh hoàn toàn tự chủ về phương thức quản trị.

Nguyên tắc quản trị này tập trung nhấn mạnh vào các giá trị cốt lõi bao gồm: Không vụ lợi, tính liêm chính, tính khách quan, trách nhiệm giải trình, tính mở, tính trung thực và khả năng dẫn dắt. Tự chủ đại học được xem là đảm bảo tốt nhất cho chất lượng và danh tiếng quốc tế của trường. Việc tự chủ trong đại học phải đi kèm với việc đảm bảo trách nhiệm, tính pháp lý, tính kiểm soát, cũng như hiệu suất công việc của các thành phần quản trị.

Để thực hiện được điều này, khung quản trị ĐH của Vương quốc Anh đã quy định 7 yếu tố chính hỗ trợ cho các giá trị cốt lõi ở trên bao gồm: Tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ danh tiếng tổ chức theo pháp luật, phát triển thể chế bền vững, điều hành và sử dụng công cụ được quy định, bảo đảm sự thẩm tra, thúc đẩy sự bình đẳng và trách nhiệm giải trình.

TS Đặng Đức Long – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng)
 TS Đặng Đức Long – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng)

- TS có so sánh gì về mô hình hoạt động của HĐT của các CSGD ĐH giữa Vương quốc Anh và Việt Nam?

TS Đặng Đức Long: HĐT ĐH tại Vương quốc Anh, được nhấn mạnh vào cơ cấu các thành phần tham gia hội đồng. Tại đây, vai trò của các thành viên bên ngoài, độc lập với cơ sở giáo dục là rất quan trọng. Các thành viên bên ngoài đó phải chiếm đa số trong HĐT. Luật ở Anh còn ghi rõ yêu cầu “tất cả các thành viên [của HĐT] cần đặt các câu hỏi thông minh, tranh luận một cách xây dựng, phản biện chặt chẽ, quyết định một cách vô tư và nhạy cảm với quan điểm của những người khác cả trong và ngoài các cuộc họp của cơ quan quản trị.

Chủ tịch và Thư ký [của HĐT] phải đảm bảo tất cả các thành viên có được sự làm quen thích hợp với vai trò của họ và tổ chức”. Luật ở Anh còn ghi rõ “trong các tài liệu quy chế của trường đại học cần đảm bảo HĐT sẽ có các nhân viên và sinh viên của trường và khuyến khích sự tham gia đầy đủ và tích cực của họ”. Luật GD ĐH sửa đổi, bổ sung của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể theo hướng này về quy định của HĐT. Nếu như Luật GDĐH năm 2012, chưa hề có quy định cụ thể về thành phần của HĐT thì Luật mới đã quy định rõ số lượng, cơ cấu và trách nhiệm của thành viên HĐT của trường ĐH công lập.

Tuy đã có quy định thành phần tối thiểu của các thành viên ở ngoài trường, nhưng Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung ở Việt Nam còn chưa tiến đến mức đảm bảo đa số của các thành viên này. Điều này khiến HĐT ở Việt Nam vẫn còn nguy cơ hoạt động trong một môi trường khép kín và chưa khuyến khích sự phát triển và lối tư duy mở theo hướng tự chủ như các trường tại Vương quốc Anh. Nguy cơ này được nhấn mạnh qua các số liệu thu thập thực tế về thành phần HĐT ở Việt Nam và Vương quốc Anh.

Trong khi ở Việt Nam, thành viên của HĐT là người của nhà trường hiện tại chiếm tỷ lệ trung bình là 80%, ở Anh quốc tỷ lệ này chỉ là 42%. Tỷ lệ thành viên của HĐT đến từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội phi lợi nhuận ở Việt Nam cũng còn rất thấp (lần lượt là 7% và 0%), so với ở Anh (lần lượt là 25% và 22%). Trong khi ở Anh, các trường đều có một tỷ lệ nhỏ sinh viên tham gia vào HĐT còn ở Việt Nam thì chưa có.

- Để phát huy hiệu quả hoạt động của HĐT trong tự chủ đại học, TS có những đề xuất, kiến nghị gì?

TS Đặng Đức Long: Để đảm bảo HĐT hoàn thành được yêu cầu của mình, công trình nghiên cứu của chúng tôi có đưa ra một số biện pháp. Trước hết, cần bổ nhiệm có thời hạn cố định các thành viên của HĐT và chuẩn bị việc kế nhiệm của HĐT cẩn thận để đảm bảo các thành viên có đủ năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, tính độc lập và thời gian tham gia hoạt động của HĐT. Sau nữa, HĐT cần có quy mô vừa đủ để có thể được thực hiện một cách hiệu quả và nhanh chóng, mà không quá lớn đến mức nó trở nên khó sử dụng hoạt động. Kinh nghiệm ở Anh cho thấy số lượng thành viên HĐT nên từ 12 - 25 thành viên, cân nhắc trên nhiều điều kiện khác nhau.

HĐT cũng cần tự đánh giá hàng năm về hiệu quả của mình trong việc đáp ứng các mục tiêu chiến lược và các biện pháp thực hiện liên quan, và sự đóng góp của HĐT cho thành công của trường ĐH. HĐT ĐH cần kiểm chuẩn hiệu quả và các quy trình của mình so với các trường ĐH tương đương khác và các tổ chức có liên quan bên ngoài lĩnh vực GDĐH.

- Xin cám ơn TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.