Phải thành lập Hội đồng trường
Theo các chuyên gia GD, việc phát triển các trường ĐH theo hướng không còn cơ quan chủ quản là hướng đi mới, phù hợp với xu hướng của thế giới và xu hướng tự chủ ĐH. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định khá rõ về Hội đồng trường; trong đó có quy định về chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn trong mối quan hệ với Ban Giám hiệu nhà trường. Có thể nói, Hội đồng trường đã được trao nhiều quyền cụ thể hơn và đóng vai trò quyết định các chính sách quan trọng của trường. Đây là tiền đề quan trọng phục vụ xu hướng phát triển tự chủ ĐH trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
Về mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở GDĐH, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, các bên liên quan cần tuân thủ quy định pháp luật, tiếp tục xây dựng môi trường GD phát triển phù hợp xu hướng thế giới và đặc biệt cần tôn trọng quyền lợi của người học.
Cho rằng đây là giai đoạn các ĐH phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần và đủ để thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, trong đó có chính sách tự chủ; đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Các trường ĐH phải xây dựng quy chế hoạt động. Khi quy chế hoạt động được thông qua thì mọi hoạt động của nhà trường phải tuân thủ.
“Đặc biệt, nhà trường muốn tự chủ thì phải thành lập Hội đồng trường. Nếu không thành lập Hội đồng trường thì không thể tự chủ” - đại biểu Cường nói, đồng thời nhấn mạnh: Việc thành lập Hội đồng trường cũng có quy định: Thành viên trong trường và thành viên ngoài trường. Thành viên ngoài trường cũng không phải do cơ quan chủ quản quyết định. Thành viên cơ quan chủ quản chỉ giới thiệu một nhân sự chứ không phải là tất cả. Còn chuyện lựa chọn ai, trong trường hay ngoài trường đều có quy trình. Cho nên việc đầu tiên là các trường phải thành lập được Hội đồng trường.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các trường phải xây dựng quy chế tổ chức hoạt động, trong đó quy định rõ Hội đồng trường sẽ được quyền đến đâu, Hội đồng trường sẽ quyết định cái gì. Ban Giám hiệu quyết định cái gì? Nên câu chuyện Hội đồng trường có thực quyền hay không nằm ở chính tổ chức này. Như vậy, các trường sẽ quyết định việc này. Còn nếu trường nào nói Hội đồng trường không thực quyền là do chưa làm tốt, quyền đó được ghi rõ trong quy chế hoạt động.
Tự chủ không còn là vấn đề khó khăn
|
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống GD tĩnh, khép kín trở thành hệ thống GD động và mở, tạo điều kiện một cách linh hoạt cho hệ thống các cơ sở GDĐH đa dạng hơn, tự lựa chọn cho mình mô hình để phát triển. Luật cũng sửa đổi khá căn bản, chi tiết về Hội đồng trường và coi đây là một tổ chức quản trị có quyền lực thực sự. Khắc phục tình trạng Hội đồng trường hiện nay còn mang tính hình thức, nhất là hoạt động ở trường công lập còn mang tính hành chính, bao cấp, chưa phát huy sự chủ động, sáng tạo.
|
Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - đoàn Quảng Trị, mô hình tự chủ ĐH được thực hiện rất nhiều ở nước ngoài vì thế không có lý do gì mà Việt Nam lại không thực hiện. “Chúng ta đã có kinh nghiệm từ quốc tế và trong nước, vì thế, tôi cho rằng, tự chủ không còn là vấn đề khó khăn nữa. Đặc biệt Quốc hội đã thông qua Luật GD 2019; Luật này sẽ giúp ngành GD rất nhiều vấn đề, trong đó có những hướng mở cho các trường ĐH phát triển” - đại biểu Hồ Thị Minh trao đổi.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hồ Thị Minh, muốn tự chủ, điều kiện tiên quyết là các trường ĐH phải nâng cao chất lượng GD-ĐT. Khi môi trường đào tạo có chất lượng, người học sẽ tìm đến. Tự chủ ĐH cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp cải thiện thu nhập cho giảng viên, nhà nghiên cứu trong các trường ĐH.