Hiểu trò bằng cả trái tim

GD&TĐ - Để yêu thương, dạy dỗ học trò từ kiến thức cũng như rèn giũa đạo đức, kỹ năng sống, trước hết giáo viên phải hiểu được tính cách lứa tuổi mà mình đang tiếp xúc. Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Ngọc, GV bộ môn Toán, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) khi chia sẻ về trường học hạnh phúc.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh: NVCC
Cô giáo Phạm Thị Ngọc cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh: NVCC

Hiểu được tính cách lứa tuổi

Cô giáo Phạm Thị Ngọc cho rằng: Con người sống trên đời khó tránh khỏi có lúc bị người khác bực tức chỉ trích, oán trách, thậm chí phỉ báng. Nhưng tức giận là bản năng, kìm nén là bản lĩnh. Làm giáo viên, bạn luôn tiếp xúc với rất nhiều học trò - lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”, để thành công trong nghề trồng người bản thân mỗi thầy cô giáo phải rèn luyện cho mình: Không tức giận, mọi chuyện trên đời đều có lối đi.

Trong cuộc đời làm nghề giáo của mình, cô Ngọc gặp không ít những tình huống sư phạm, nhưng luôn đặt chữ “ Nhẫn” để giải quyết. Cô luôn tâm đắc: Muốn hiểu người khác sao lại hành động như vậy, bạn hãy đặt địa vị của mình vào địa vị của họ. Để yêu thương, dạy dỗ học trò của mình từ kiến thức cũng như rèn giũa đạo đức, kỹ năng sống cho học trò được tốt, trước hết bạn phải hiểu được tính cách lứa tuổi mà bạn đang tiếp xúc. Phải hiểu học trò bằng cả trái tim.

Cô Ngọc kể lại câu chuyện cách đây không lâu khiến cô không bao giờ quên. Trống vào lớp, cô giáo bước vào, cả lớp vẫn đang gục mặt xuống bàn ngủ say sưa. Khi biết giáo viên vào, cả lớp đứng lên chào giáo viên với tâm trạng ngái ngủ, mệt mỏi. Tôi khá lúng túng. Bao tâm huyết chuẩn bị bài của mình, niềm đam mê truyền đạt tri thức cho học sinh bị thiêu rụi ngay từ giây phút đầu tiên đó. Trấn tĩnh tinh thần, tôi đề nghị cả lớp giơ tay cao lên đầu và…lắc cái mông. Tôi đi khắp lớp, kiểm tra từng học sinh một, thấy rõ một điều: Từng ánh mắt không còn mệt mỏi nữa, tinh thần phấn chấn hơn. Khi đó tôi mới bắt đầu vào bài giảng. Thế là bài học của tôi diễn ra tốt đẹp trong niềm vui và hồ hởi của học trò.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc
Cô giáo Phạm Thị Ngọc 

Tình cảm chân thành sẽ cảm hóa học sinh

Cô Ngọc chia sẻ: GV giống như người đưa đò. Song, qua bao chuyến đò mà bạn chèo qua sông, có biết bao chuyến đò làm bạn thấy ức chế, không thoải mái. Nếu “người lái đò” không biết lựa “sóng” để vượt qua, chắc chắn sẽ khó đưa đò đến bến.

Nhớ lại câu chuyện khi mới nhận lớp mới, cô Ngọc rưng rưng cảm xúc. Trong tiết đầu tiên gặp mặt học sinh, giáo viên chủ nhiệm giới thiệu với cả lớp về quy định sách vở, cách học… Khi quay lên bảng viết bài, cô nghe thấy học sinh bên dưới nói: “Đồng bóng”. Thế nhưng cô không phản ứng hay tỏ thái độ bực tức với học trò.

Sau hai, ba buổi dạy, khi dành thời gian cho học sinh viết bài, cô Ngọc đã xóa bảng. Những học sinh lề mề không viết bài, chần chừ, thấy cô xóa bảng nói: “Ngáo à! Chưa xong đã xóa”. “Tôi cảm thấy vô cùng xúc phạm!”, cô Ngọc tâm sự.

Song, cô nghĩ, mình là giáo viên - Người dạy tri thức và đạo đức làm người cho học sinh... Không thể nóng vội với những học sinh cá biệt.

Sau vài tiết dạy, cô Ngọc còn phát hiện ra một điều: Có một số học sinh không thích học, thể hiện ra mặt, luôn ở tư thế sẵn sàng bật lại cô khi bị nhắc nhở về ý thức học. Cô vẫn nhẫn nại và kiên trì dạy các em những kiến thức cơ bản nhất. Đồng thời, cô cũng quan tâm đến từng học sinh.

Ba tuần học trôi nhanh, cô Ngọc cho HS làm bài kiểm tra để phân loại trình độ. Ngoài ra, cô cho các em viết phiếu ý kiến: “HS cần gì ở giáo viên, nhu cầu của bản thân (đang ở trình độ nào?)”. Từ phiếu ý kiến của từng HS, cô bắt đầu cảm nhận được tình cảm của học sinh dành cho mình sau 3 tuần học tập. Lúc đó, cô Ngọc cũng nói lên cảm xúc của mình khi bước chân vào lớp.

Ngày hôm sau, cô cho phiếu bài tập phân loại học sinh và cuối tiết dạy, cô nhận được ngay lời nhận xét: “Con bắt đầu yêu môn Toán, bắt đầu yêu cô”. Bài kiểm tra chất lượng đầu năm, cô khen ngợi những học sinh tiến bộ dù điểm của các con vẫn dưới trung bình; nhưng các con đã vượt lên chính mình.

Tình cảm chân thành của cô Ngọc đã cảm hóa các em. Giờ đây, học sinh lười và luôn tìm cách bật trả cô đã tự giác học, mong được cô khen tiến bộ. Và cô Ngọc nhận ra rằng, làm việc bằng tình yêu và lòng đam mê, mọi người sẽ cảm nhận được. Cô đã hạnh phúc khi lựa chọn nghề giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ