Vai trò chủ đạo trong GD
Đề cao vai trò của GVCN trong việc GD đạo đức cho HS, cô giáo Trịnh Thị Hợp, Trường THPT Sa Đéc (Đồng Tháp) cho rằng: GVCN là người trực tiếp giảng dạy, giáo dục HS, là người thực hiện sự phối hợp liên kết bền chặt với GV bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường, giữa gia đình - nhà trường - xã hội.
Vì vậy, GVCN cần có sự kiên trì, tâm huyết với nghề, phương pháp chủ nhiệm tốt từ việc tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, năng lực từng HS, HS có hoàn cảnh khó khăn… đến việc xử lý tình huống. Bên cạnh sự nghiêm khắc, cần có tấm lòng yêu thương, nhân hậu, biết cảm thông chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Cần tôn trọng các em, tạo được niềm tin động lực cho các em phấn đấu hoàn thiện.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS Hồ Thế Dũng - Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho rằng, GVCN thay mặt hiệu trưởng quản lý một lớp học, xây dựng tập thể HS thành một khối đoàn kết; Tổ chức các hoạt động cho HS trong lớp; Cố vấn đắc lực cho các đoàn thể của HS trong lớp; Giữ vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các lực lượng GD.
ThS Hồ Thế Dũng đưa ra so sánh: “Nếu lớp học đối chiếu tương ứng với một trường học, GVCN giống như vừa là bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường, vừa là chủ tịch công đoàn vừa là bí thư đoàn, tổng phụ trách, vừa là GV bộ môn, vừa là nhà tâm lý học…
Tuy nhiên, GVCN hiện nay thực hiện những nhiệm vụ quá sức nặng với năng lực chuyên môn của mình. Vì GVCN vừa là nhà quản lý, vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là người dạy học, trong khi đó họ, chỉ được đào tạo là GV đứng lớp giảng dạy mà chưa qua một lớp kỹ năng quản lý, tâm lý bài bản nào".
Vẫn nhiều khó khăn, bất cập
Theo ThS Hồ Thế Dũng, trách nhiệm của GVCN là quá lớn, vừa chịu áp lực của hiệu trưởng, vừa chịu áp lực với phụ huynh. Ví dụ, khi nhà trường tổ chức đi cắm trại hay tham quan, trải nghiệm sáng tạo… thì mọi hoạt động đều phải do GVCN triển khai từ đơn vị lớp, bảo đảm an toàn cho HS từ ăn, ngủ đến đi lại… trong khi công tác chủ nhiệm còn là tiêu chí để đánh giá thi đua GV.
GVCN khó bắt kịp “thời đại @”, “thế hệ 4.0” trong khi sự hợp tác, phối hợp từ gia đình ngày càng ít đi mà hầu như giao hết cho nhà trường. Hiện thực càng cho thấy GD gia đình đang dần bị mờ nhạt.
Đòi hỏi về yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực của GVCN trong công tác GD ngày càng cao, GVCN còn được ví như một chuyên gia tâm lý, một nhà điều hành, người tổ chức hoạt động, sự kiện… Nhiều thế hệ GV đi trước hoặc kế cận vẫn còn nhiều người yếu về chuyên môn, kém về năng lực và thiếu hụt kỹ năng ngay từ thời học phổ thông.
Không phải “thợ dạy”
Cô và trò Trường MN May Kindergarten (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú |
ThS Hồ Thế Dũng cho rằng, không có GV tốt thì không thể tạo ra một học trò tốt. Gói gọn trong nhà trường, việc dạy chữ, dạy người vẫn còn chưa thấu suốt, đặc biệt hơn khi bước vào hệ trung học, cụ thể là các lớp 10, 11, 12 khi mà HS và phụ huynh, thậm chí là nhà trường chỉ quan tâm đến các kỳ kiểm tra và kỳ thi. Vì vậy mà công tác GD đạo đức trong nhà trường vẫn còn bị xem nhẹ.
Để thực hiện mục tiêu GD, làm nên chất lượng GD phải là công việc của cả hệ thống. Nhưng người trực tiếp làm nên chất lượng GD, tác động lên quá trình hình thành, phát triển nhân cách người học thì chỉ có CBQL, GV giảng dạy, GVCN của mỗi nhà trường.
Nếu không khẳng định nêu cao vị trí của GVCN trong nhà trường phổ thông, chúng ta không thể yêu cầu họ hoàn thành sứ mệnh cao cả. Họ phải có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với yêu cầu GD mới.
GV phải có cái nhìn khác về tâm sinh lý cho HS thì mới có thể đáp ứng yêu cầu “GD cho mọi người”. Trước hết, họ phải là những nhà GD chứ không phải “thợ dạy” hay những “thợ dạy biết phê học bạ” như một số nhà giáo đã nói. Chỉ có xác định đúng mỗi GVCN phải là nhà quản lý, lãnh đạo tập thể HS, nhưng cũng là nhà GD có đủ tài năng sư phạm mới tác động hỗ trợ từng HS hoàn thiện phát triển nhân cách.
Để giải quyết tốt bài toán GVCN, ThS Hồ Thế Dũng cho rằng, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT cần mở ngay lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành GVCN. Các trường sư phạm phải có học phần làm công tác GVCN. Cần có chế độ đãi ngộ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ GV được phân công chủ nhiệm để phù hợp với vai trò, trách nhiệm mà họ đang đảm trách.