Cách triệt tiêu bạo lực của ngôi trường ở Lâm Đồng

7 năm trước, đánh nhau là chuyện "thường ngày" ở trường THPT Lộc Phát. Thầy hiệu trưởng đã có nhiều biện pháp làm thay đổi tình hình.

Cách triệt tiêu bạo lực của ngôi trường ở Lâm Đồng

Thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ cách loại bỏ bạo lực học đường.

Giờ chào cờ sáng 1/4, sau phần tổng kết thi đua trong tháng 3 - tháng Thanh niên, như đã thành lệ, tôi nói chuyện với thầy cô và học sinh của trường.

Mở đầu, tôi hỏi các em: "Trong những ngày cuối tháng 3, có một việc dư luận đặc biệt quan tâm, làm lay động trái tim của hàng triệu người, các em có biết đó là việc gì?". Những buổi sinh hoạt như thế này tại trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), học sinh trả lời đúng sẽ được nhận quà.

Một học sinh 12 nhanh chóng lên trả lời: "Thưa thầy cô và các bạn, đó là việc 5 học sinh tại Hưng Yên hành hung dã man một bạn cùng lớp; và còn một việc thầy giáo tại TP HCM cho học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học, các bạn ấy có diễn cảnh nhạy cảm".

Tôi cảm ơn câu trả lời của em nhưng cho biết đã lạc đề. Một học sinh nữ khối 11 tiếp tục lên trả lời: "Thưa thầy, đó là việc một học sinh lớp 7 đạp xe vượt 103 km từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em bị bệnh". Và, tôi bắt đầu từ câu chuyện ấy...

Thông tin về việc em Vy Quyết Chiến, học sinh lớp 7 trường THCS Chiềng Yên (Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La) đạp xe từ Sơn La xuống thăm em bệnh ở Bệnh viện Nhi trung ương, tôi nói về lòng gan dạ và tình yêu thương gia đình. Sân trường lắng đọng, những ánh mắt dịu ngọt, tôi cảm nhận các em đã hiểu về tình yêu thương, biết cuộc sống còn đó những chuyện nhân ái.

Tôi mời thầy cô và học sinh nghe ca khúc "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Kết thúc giờ chào cờ, trong suy nghĩ miên man, tôi về phòng làm việc và nhớ lại...

Tiết mục văn nghệ chào mừng khai giảng của trường Lộc Phát.

Tiết mục văn nghệ chào mừng khai giảng của trường Lộc Phát.

Tháng 9/2012, tôi được điều về phụ trách một trường THPT có chất lượng "đội sổ" tại phố núi, đánh nhau là chuyện thường ngày ở đây. Tôi đã làm gì để "tuyên chiến" với bạo lực học đường?

Bắt đầu từ trường lớp phải xanh, sạch, khang trang; thầy trò cùng nhau lao động vệ sinh hàng ngày. Những ngày thứ bảy xanh, xanh sân trường, lớp học, nhà vệ sinh. Thấy rác, thầy cô nhặt, nhiều lần học sinh làm theo. Sau bảy năm, những cố gắng đã cho trái ngọt.

Tận tâm của thầy cô - mục tiêu tôi nhắm đến. Học sinh yếu hạnh kiểm và học lực mà thầy cô nôn nóng, chạy theo thành tích, nặng về xử phạt thì... khó rồi! Bài giảng phải vừa sức, kiểm tra phù hợp, thầy cô thấu hiểu học sinh, giúp các em tự tin mà cố gắng.

Tổ tâm lý học đường đi vào hoạt động, công tác y tế được quan tâm, bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh nghèo, quà Tết cho các em khốn khó được tổ chức. Nhà trường cân nhắc những khoản thu; những kỳ họp phụ huynh không phải nghe chuyện đóng góp bao nhiêu mà bàn nhiều chuyện học hành của con em.

Nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất, đầu sách, báo để thư viện hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng văn hóa đọc ở cả thầy và trò. Tôi nghĩ, bạo lực học đường hiện nay có nguyên nhân trong học đường còn không ít thành viên lười đọc sách, quá phụ thuộc vào thông tin trên mạng xã hội. Văn hóa đọc, bộ lọc cần thiết chưa có, học trò về đâu, ứng xử ra sao?

Mấy năm đầu tư cho thư viện, thầy trò dần có thói quen đọc sách. Những lúc nghỉ, vào giờ ra chơi, học sinh tấp nập ở thư viện để đọc, mượn, trả sách.

Nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động thiện nguyện được nhà trường tổ chức trong năm học, như: thăm bảo tàng, khu mộc bản triều Nguyễn, địa đạo Củ Chi (TP HCM), dự ngày hội hướng nghiệp tại TP HCM, sinh hoạt với trẻ mồ côi ở Mái ấm Tín thác (xã Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng), thăm và tặng quà Viện Dưỡng lão, tặng quà cho người vô gia cư đêm Noel...

Học sinh trường THPT Lộc Phát thăm viếng và chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ TP Bảo Lộcnhân ngày 27/7 và 22/12 hàng năm.

Học sinh trường THPT Lộc Phát thăm viếng và chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ TP Bảo Lộc nhân ngày 27/7 và 22/12 hàng năm.

Những hoạt động đó giúp các em biết nghĩ để thấu cảm, sẻ chia. Hơn thế, tôi cảm nhận được học sinh biết sống chậm lại trong cơn lốc của thời @. Sống chậm nhưng không thụ động, các em năng động hơn, tại các cuộc thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật, năm nào các em cũng giành giải.

Giờ chào cờ mỗi sáng thứ hai, tích hợp qua bài giảng của giáo viên, các bài kiểm tra, học sinh được nghe, hiểu, viết lên suy nghĩ của mình về những tâm hồn cao thượng. Các đề kiểm tra trường đã ra như: "Thà cô chết chứ không để trò chết", "Học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ", "Nghĩa cử cao đẹp của thầy Dậu", những tấm gương vượt khó, những người con hiếu thảo, sự hy sinh vô bờ của ba, mẹ.

Thầy trò những lúc vui, lắng đọng sâu sắc, được cho đi, góp nên nhà trường tử tế, thầy trò sống tử tế. Chất lượng dạy học từng bước được nâng lên, nhiều phụ huynh lựa chọn trường THPT Lộc Phát để gửi con em theo học.

Tuyên chiến với bạo lực học đường có nhiều việc phải làm, cần sự chung tay của cả xã hội, những quyết sách từ quản lý giáo dục, sự đồng bộ của thầy trò và phụ huynh.

Học đường, nơi chốn dạy con người con đường đi, từ đó trên đường trần họ sống phù hợp với đạo làm người. Khi học đường thấm đậm giá trị kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, bạo lực học đường chắc chắn sẽ triệt tiêu.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO thừa nhận một sự thật phũ phàng

GD&TĐ - Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg mới đây nói rằng, các nước của khối cần thừa nhận họ không hỗ trợ Kiev như đã hứa.
Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.