Chỉ nhà trường là không đủ

GD&TĐ - “Trước đây, tôi từng bị bạn trong trường, lớp đánh nhiều lần…” - Nhiều dòng chia sẻ của các bậc phụ huynh trên mạng xã hội, trong các diễn đàn, những bình luận phần bạn đọc sau mỗi bài báo về các vụ HS đánh nhau cho thấy sự phức tạp của các mối quan hệ trong trường lớp và việc bắt nạt, hành hung trong trường học không phải là tình trạng mới diễn ra.

Giáo dục cần sự đồng thuận và yếu tố chân kiềng “gia đình, nhà trường và xã hội”. Ảnh: Bắc Việt
Giáo dục cần sự đồng thuận và yếu tố chân kiềng “gia đình, nhà trường và xã hội”. Ảnh: Bắc Việt

Với vụ việc nữ sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) bị nhóm bạn trong lớp hành hung, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuan Nhạ; là rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm. Và phải từ bài học xương máu này để cảnh tỉnh đội ngũ giáo viên (GV) trong toàn ngành, trên tinh thần không né tránh. Vị lãnh đạo ngành GD đã rất thẳng thắn đối diện, không du di khỏa lấp, chỉ rõ thiếu sót to lớn của hiệu trưởng, của GV trong vụ việc.

Việc đầu tiên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi xuống địa phương là vào bệnh viện trực tiếp thăm hỏi nữ sinh bị bạn đánh. Là người cha trong gia đình, cũng có con cái trải qua thời đi học, hẳn ông rất đau xót, thương cảm em nữ sinh đã trải qua những tháng ngày sợ hãi, lo lắng ở trường học.

Và tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất bức xúc trước việc HS bị bạo hành nhiều lần mà GV chủ nhiệm không báo cáo, nhà trường không có biện pháp phối hợp kịp thời với gia đình để giải quyết. Việc xảy ra rồi thì Hội đồng kỷ luật của trường lại du di xử lý kiểu “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau”, “quét rác vào gầm giường”. HS bị bạo hành có hoàn cảnh khó khăn nhưng GV, nhà trường không quan tâm bảo vệ, tăng cường kỹ năng sống cho em…

Có thể thấy vụ việc đáng tiếc diễn ra ngay trong môi trường học đường là hệ quả của một loạt những mắt xích lỏng lẻo trong quản lý của hiệu trưởng, sự vô tâm, thờ ơ của GV. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại một cách quyết liệt, không chỉ bằng việc kiểm điểm, báo cáo nhận trách nhiệm suông, mà phải “thay máu” để làm trong sạch lại môi trường GD.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất tán thành những yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: “Xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách Đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ”. GV chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn “vì không nắm được tâm tư của HS”; phải xem xét cả hạnh kiểm của HS tham gia hành hung bạn và những em chứng kiến vụ bạo hành nhưng không can ngăn, bênh vực bạn yếu thế, để bạn bị đánh và quay video.

Công tâm nhìn nhận sẽ thấy trước tình trạng bạo lực học đường, nếu chỉ quy trách nhiệm cho nhà trường không thôi là chưa đủ. GD giống như chiếc kiềng ba chân với ba môi trường: Nhà trường, gia đình, xã hội. Thiếu một chân, chiếc kiềng GD khó đứng vững. Nhiều gia đình phó mặc việc GD con cái cho nhà trường, thầy cô giáo mà không biết chính bố mẹ cũng là tấm gương soi để con cái học tập.

Vậy con học được gì về sự nghiêm minh của pháp luật khi bố mẹ phóng xe máy vù vù vượt đèn đỏ, cha mẹ vào tận trường “xử lý thầy/cô giáo vì dám trách phạt con mình”? Chuyện trên mâm cơm đi cùng sự hằn học, bực dọc của bố mẹ với hàng xóm, đồng nghiệp, cấp trên. Không ít bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến thành tích học tập, luôn lấy “con nhà người ta” làm đích đến mà không bồi đắp cho con những kỹ năng xã hội, bỏ thời gian nghe tâm tư, chia sẻ với con việc trường, việc lớp, cùng con giải quyết tình huống…

Ngoài xã hội thì sao? Lướt Facebook thấy ngay những chia sẻ ngưỡng mộ của chính người lớn với các “anh hùng xã hội” đốt xe, chửi tục, tôn vinh cách hành xử theo “luật rừng”. Thấy việc không tuân theo pháp luật thì thả tim, buông bình luận “chất”, không cần biết bao con em xem được, đọc được sẽ nghĩ gì. Chuyện ngoài xã hội tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng lại liên quan mật thiết đến việc hình thành nhân cách của HS, để tư duy bạo lực từ người lớn được phản chiếu trên con trẻ ngay trong môi trường học đường.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có sự đổi mới trong nội dung GD chú trọng đào tạo kỹ năng sống cho HS, hướng đến GD đạo đức không giáo điều, cứng nhắc. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, tốc độ nhanh nhất, ngành GD cần sự vào cuộc của cả gia đình và xã hội. Chấm dứt bạo lực học đường, chỉ nhà trường là không đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.