Nói như vậy không có nghĩa GD quyết định tất cả sự hưng vong của một quốc gia mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa. Thế nhưng, ở một đất nước mà nền pháp trị vẫn còn đang hướng đến sự hoàn thiện như Việt Nam, nhiều chuyện tệ hại đã và đang diễn ra hàng ngày. Đứng trước những sự việc, hiện tượng ấy, người ta lại đổ vấy cho GD là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Mấy hôm nay, cả xã hội đổ xô bàn luận không tiếc lời chuyện nhóm HS lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đánh bạn.
Một lần nữa, người ta lại lôi ngành GD ra để đổ lỗi. Trước áp lực của công luận, tỉnh Hưng Yên đã phải cách chức Ban giám hiệu trường này như một giải pháp nhất thời để “hạ nhiệt” đám đông đang cuồng nộ kia.
Trong hai ngày qua, hàng mấy chục tờ báo, sau khi nêu sự việc HS đánh nhau nói trên, họ bắt đầu lần tìm các địa chỉ 5 nữ HS đánh bạn. Xem “lai lịch” của những nữ sinh này, người đọc chợt nhận ra rằng, hóa ra nguyên nhân không hẳn hoàn toàn là do Trường THCS Phù Ủng “không biết GD HS”. Có em thì cha mẹ lên tận mạn ngược nhặt nhôm nhựa kiếm ăn qua ngày, giao con cho bà nội “chăm”; có người thì mải lo buôn bán, chả biết con mình học ra sao, chơi bời lêu lổng như thế này… Khi xảy ra sự việc thì mới giật mình nghĩ, thì ra sự vô trách nhiệm lâu nay của mình với con đã dẫn đến cơ sự kinh khủng như thế.
Chúng ta tin rằng, nếu các bậc cha mẹ thường xuyên dạy con qua mỗi bữa cơm gia đình thì sẽ không bao giờ có chuyện đau lòng như thế cả. Trách nhiệm của gia đình và cả xã hội đang ở đâu trong câu chuyện đánh bạn trên đây mà lại trút cả lên ngành GD?
Có bao giờ trong mỗi bữa ăn hàng ngày, cha mẹ đề cập đến chuyện bạo lực học đường, rằng đánh bạn là một thói xấu nên tránh, đó là một hành vi phạm pháp chưa? Hay đến bữa, cha thì lao vào các cuộc nhậu nhẹt triền miên, mẹ thì bù khú với bạn bè hay “chém gió” trên Facebook, con cái ăn uống thế nào cũng mặc sau khi đã phát tiền cho chúng tự lo?
Chúng ta tin rằng, nếu các bậc cha mẹ thường xuyên dạy con qua mỗi bữa cơm gia đình thì sẽ không bao giờ có chuyện đau lòng như thế cả. Trách nhiệm của gia đình và cả xã hội đang ở đâu trong câu chuyện đánh bạn trên đây mà lại trút cả lên ngành GD?
Cách đây không lâu, hàng trăm HS mầm non ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn do ăn thịt không đảm bảo vệ sinh, người ta cũng đổ cho ngành GD là móc ngoặc với chủ doanh nghiệp cung cấp thịt lợn. Rõ ràng vụ việc liên quan đến GD vì nạn nhân trong vụ sán lợn này là các cháu HS, song “đổ vấy” hết cho GD như thế, liệu có oan không? Buôn gian bán lận bậy bạ như thế, cơ quan luật pháp mà không mạnh tay thì dù có “GD” đến đâu đi nữa, lòng tham kia vẫn còn đất để tiếp tục sinh sôi.
Các nhà quản lý bên GD thì do “cấp ủy” của địa phương quyết đâu ngồi đó, nhưng con người ấy mà nhỡ để xảy ra chuyện gì mang tiếng thì tất tật trút lên đầu ngành GD!
Chúng ta cần thừa nhận một thực tế là, trong nền kinh tế thị trường với những đặc thù của Việt Nam đã xuất hiện những mặt trái mà ngành GD không thể không bị vấy bẩn. Đồng tiền đã làm tha hóa nhân cách của không ít những người đứng trên bục giảng. Thực tế đó đã ảnh hưởng ít nhiều đến GD. Nhưng không vì thế mà đổ mọi trách nhiệm cho một ngành được xem như chiếc chìa khóa để mở cửa tri thức này.