GD phải cả trong nhà trường, gia đình và xã hội
Chúng ta luôn nói đến “chân kiềng” trong GD là gia đình - nhà trường - xã hội. Mỗi vụ việc xảy ra, thiết nghĩ có cả trách nhiệm của 3 yếu tố nói trên. Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể trách nhiệm của gia đình, của nhà trường và toàn xã hội ra sao trong việc phòng chống bạo lực học đường, GD đạo đức cho HS?
- GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và GD xã hội là vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động GD đạt hiệu quả. Sinh thời Bác Hồ từng nói: “GD trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự GD ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc GD trong nhà trường được tốt hơn. GD trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu GD trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Để việc GD trong gia đình có hiệu quả, trước hết các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó mọi thành viên yêu thương nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Cha mẹ, người lớn phải giữ uy tín, vai trò nêu gương đối với con cháu. Cha mẹ dành thời gian nhiều hơn đồng hành, trò chuyện cùng con, nắm bắt tâm tư, tình cảm, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để hiểu hơn về hoạt động của con ở trường, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, GD các em.
Mỗi nhà trường phải xây dựng môi trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện. Phát huy vai trò của các tổ chức trong trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán sự lớp, nhân viên bảo vệ… trong việc GD HS, tạo sự an toàn, thân thiện để HS có thể tin tưởng, chia sẻ khó khăn với giáo viên. Chú trọng GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, GD pháp luật cho HS. Tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường. Thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội, quan tâm đến những HS yếu thế. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp với các bậc cha mẹ HS trong quản lý GD HS. Phối hợp với địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc GD đạo đức HS, phòng chống bạo lực học đường.
Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ban, ngành đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho HS các cơ sở GD trên địa bàn. Huy động các nguồn lực đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng GD trong các cơ sở GD. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác GD đạo đức lối sống và xây dựng môi trường GD an toàn lành mạnh, thân thiện trong các cơ sở GD. Kịp thời xử lý những sự việc mất an ninh, an toàn đối với giáo viên, HS.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: “GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và GD xã hội là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho mọi hoạt động GD đạt hiệu quả” |
Theo Thứ trưởng, mỗi cơ sở GD cần phải triển khai những giải pháp nào để khắc phục, đi đến chấm dứt tình trạng bạo lực học đường?
- Để khắc phục, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường cần có sự chung tay, góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường để nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở GD, gia đình người học và cộng đồng.
Tích hợp nội dung GD phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình và các hoạt động GD. GD, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống bạo hành trẻ em cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở GD và gia đình người học.
Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở GD, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở GD, đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý trong các cơ sở GD phổ thông. Đồng thời, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở GD.
Rà soát, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các quy chế, điều lệ nhà trường, trong đó quy định cụ thể việc khen thưởng, kỷ luật đối với HS. Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quy chế, quy định cấp phép hoạt động cho cơ sở GD mầm non, cơ sở GD phổ thông; đảm bảo các yêu cầu về xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các cơ sở GD; phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến bạo lực học đường tại các cơ sở GD.
Các văn bản chỉ đạo, quy định về xây dựng văn hóa trường học, GD đạo đức và phòng chống bạo lực học đường đã được ban hành đầy đủ. Thứ trưởng có thể cho biết, làm thế nào để những chỉ đạo của cơ quan chức năng thực sự đi vào cuộc sống và có hiệu quả?
- Để xây dựng văn hóa trường học, phòng chống bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở GD mầm non, GD phổ thông và GD thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021; ban hành kế hoạch triển khai Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong trường mầm non, phổ thông để tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc quán triệt những văn bản chỉ đạo này tới từng cơ sở GD, giáo viên, HS có lúc, có nơi còn chưa triệt để. Khi không nắm bắt được các quy định thì việc không thực hiện hoặc vi phạm quy định là điều có thể xảy ra.
Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các chỉ đạo của Chính phủ của ngành GD tại các địa phương, cơ sở GD nhằm bảo đảm môi trường GD được an toàn, lành mạnh và thân thiện.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Chia sẻ về vụ việc ở Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, đây là vụ việc rất nghiêm trọng và đau lòng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của HS, đến môi trường GD và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Qua sự việc cho thấy, công tác quản lý của Ban giám hiệu nhà trường chưa chặt chẽ, chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý, GD HS, chưa ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực học đường. Giáo viên chủ nhiệm cũng chưa thực sự gần gũi, nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ của HS.
Một số HS khi chứng kiến vụ việc không những không bênh vực, bảo vệ bạn, không báo cáo ngay với thầy cô giáo, nhân viên bảo vệ để can thiệp mà còn ghi hình và phát tán lên mạng. Do không lường hết được tính chất nghiêm trọng nên sau khi phát hiện vụ việc, quá trình xử lý vi phạm của nhà trường cũng không triệt để, có biểu hiện bao che, làm cho dư luận càng thêm bức xúc.