Tránh xung đột lợi ích

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Điểm đáng chú ý trong dự án Luật Đường bộ là đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện chạy trên đường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo Bộ GTVT - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật này thì để thực hiện mục tiêu có 5.000km đường bộ cao tốc, nhu cầu các nguồn vốn đến năm 2030 là khoảng hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng hơn 390.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km.

Vậy nên nếu không có cơ chế tạo nguồn tài chính cho đầu tư, phát triển, bảo trì sẽ không bảo đảm mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, hiện đại; không bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; không bảo đảm việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.

Lý giải thêm về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng, mục tiêu chính sách là xây dựng khung pháp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Do đó, cơ quan trình dự án Luật đề xuất hai giải pháp để giải quyết vấn đề, trong đó, giải pháp 1 giữ nguyên các quy định hiện hành. Nếu theo phương án này, lợi ích kinh tế - xã hội với người dân, doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay nhưng phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Người dân, doanh nghiệp không mất phí nhưng tăng chi phí nhiên liệu, thời gian, giảm hiệu quả kinh doanh.

Giải pháp 2 đề xuất bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, phương án thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ thu hút nguồn lực khu vực tư nhân và bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 có 5.000km cao tốc.

Bên cạnh đó, việc thu phí còn giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nhất là với công trình đường bộ quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao. Người dân, doanh nghiệp dù tốn thêm phí nhưng được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh.

Cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục rằng đề xuất thu phí là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều. Ý kiến không tán thành cho rằng, ngân sách đầu tư xây dựng cao tốc là do người dân đóng góp thông qua các khoản thuế, phí và lệ phí.

Hiện nay, khi ô tô lưu hành đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nên khi thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”. Và nếu lý do là để có nguồn đầu tư cao tốc khác và bảo trì đường bộ thì lại càng chưa đủ thuyết phục...

Việc xây dựng chính sách nhằm tạo động lực thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường cao tốc ngày một hiện đại, đồng bộ là cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là hiệu quả khi triển khai. Đặc biệt, tránh gây xung đột về quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp như đã từng xảy ra tại một số dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ