Tranh luận diện tích tối thiểu được đăng ký thường trú ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hà Nội đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê mượn

Chị Huyền và con gái trong bữa cơm chiều.
Chị Huyền và con gái trong bữa cơm chiều.

Hà Nội đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê mượn, ở nhờ. Dự kiến diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với khu vực nội thành là 15m2/người, ngoại thành là 8m2/người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu quy định này đi vào thực thi sẽ gây khó cho người thu nhập thấp.

Muốn thuê nhà rộng nhưng nghèo

Rời quê ở huyện Ba Vì (Hà Nội) lên khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) làm việc từ năm 18 tuổi, chị Huyền (32 tuổi), công nhân một công ty sản xuất điện tử tại KCN này cho hay, bản thân mong muốn được trả góp mua nhà ở xã hội nhưng trước tiên phải bảo đảm các điều kiện về cư trú.

“Quan điểm của cá nhân tôi thì nên để mức quy định diện tích đăng ký thường trú ở Hà Nội tối thiểu bằng diện tích mà luật đã quy định (8m2 sàn/người) để bảo vệ quyền lợi của người lao động nghèo và những người yếu thế trong xã hội. Qua đó tạo cơ hội cho những người lao động nghèo có cơ hội để được tiếp cận đối với các dịch vụ chung, đảm bảo an sinh xã hội...”, TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Chị Huyền tâm sự, hơn 10 năm làm công nhân nhưng thu nhập hàng tháng chưa được 10 triệu đồng, tính cả tăng ca. Cộng thêm tiền lương của chồng thì có khoảng 15 - 17 triệu/tháng. “Vì nhiều khoản phải chi như tiền học cho con, hiếu hỷ, gửi ông bà ở quê nên hai vợ chồng chỉ dám thuê trọ ở mức 1,2 triệu đồng tiền phòng/tháng. Căn phòng vỏn vẹn chưa đến 20m2, được chia một phòng chính đủ kê chiếc giường, bàn học cho con; một khoảng để cả nhà ăn cơm, xem tivi và một gác lửng đựng đồ…”, chị Huyền bộc bạch.

Hiện tại ở phòng trọ của vợ chồng chị Huyền chỉ dưới 20m2, nếu áp dụng như dự thảo của UBND TP Hà Nội tính diện tích tối thiểu 8m2 sàn/người để được đăng ký thường thường trú (Đông Anh thuộc nhóm ngoại thành) thì gia đình 3 người nhà chị chưa đủ điều kiện.

Cũng là lao động xa quê, vợ chồng anh Vũ Thành (26 tuổi), công nhân sản xuất tại ở KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, với mức tối thiểu 8m2 sàn/người ở huyện, thị xã mới được đăng ký thường trú sẽ làm khó cho công nhân.

Theo anh Thành, ở KCN Bắc Thăng Long thường phòng trọ chỉ từ 12m2 cho cá nhân và 20 - 25m2 với hộ gia đình. “Bản thân luôn mong có thể mua nhà ở xã hội giá thấp trả góp để yên tâm đi làm và trẻ nhỏ đi học. Gia đình rất chú trọng việc đăng ký tạm trú tại địa phương. Tuy nhiên, gia đình 4 người (bà ở quê ra trông cháu) mà phòng chỉ có khoảng 25m2 sẽ khó đăng ký thường trú để đảm bảo điều kiện mua nhà xã hội theo dự thảo của thành phố...”, anh Thành lo lắng.

Luật sư, TS. Đặng Văn Cường.

Luật sư, TS. Đặng Văn Cường.

Trái luật

Liên quan đến dự thảo của UBND TP Hà Nội, luật sư, TS Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, được quy định cụ thể tại Luật Cư trú 2020.

Về tâm lý chung của người dân là muốn có chỗ ở khang trang, rộng rãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bản thân, gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để có một chỗ ở tốt, rộng rãi. Chính vì vậy, Nhà nước đã có quy định diện tích cư trú là không thấp hơn 8m2 sàn/1 người (Khoản 3, điều 20 Luật Cư trú 2020).

Như vậy, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, mức sống và diện tích sử dụng nhà ở trung bình ở mỗi địa phương mà có thể quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú là khác nhau. Trong đó, diện tích đăng ký thường trú không thấp hơn 8m2 sàn/người.

“Luật có quy định cụ thể, các văn bản dưới luật không được trái luật. Chính vì vậy Nghị quyết của UBND TP Hà Nội phải phù hợp với quy định của Luật Cư trú 2020. Cụ thể, diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 8m2 sàn với một người là đủ điều kiện để đăng ký thường trú. Trong khi đó dự thảo Nghị quyết của Hà Nội lại quy định diện tích gấp gần 2 lần diện tích tối thiểu mà luật đã quy định mới đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Nhiều gia đình thuê căn hộ 36m2 tại khu nhà ở xã hội Ecohom2 (quận Bắc Từ Liêm) gặp khó khi đăng ký thường trú nếu dự thảo của Hà Nội đi vào cuộc sống.

Nhiều gia đình thuê căn hộ 36m2 tại khu nhà ở xã hội Ecohom2 (quận Bắc Từ Liêm) gặp khó khi đăng ký thường trú nếu dự thảo của Hà Nội đi vào cuộc sống.

Về mặt pháp lý thì tôi cho rằng nội dung quy định trong dự thảo như vậy là không phù hợp với luật và gây khó khăn cho người dân trong việc đăng ký thường trú...”, TS Đặng Văn Cường cho biết.

TS Đặng Văn Cường cũng phân tích, về nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản luật phải phù hợp với Hiến pháp và văn bản dưới luật phải phù hợp với luật. Nếu văn bản dưới luật và quy định khác luật, trái luật thì văn bản đó không có hiệu lực pháp luật.

“Tôi cho rằng việc quy định điều kiện cư trú ở Hà Nội tối thiểu là 8m2 sàn/người là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Luật Cư trú hiện nay. Văn bản này mới chỉ là dự thảo và đang lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.

Chính vì vậy, trước đây dự thảo văn bản này của Hà Nội quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú là 20m2, hiện rút xuống thành 15m2/người là đã có sự tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và ý kiến của nhân dân.

Tuy nhiên, với diện tích tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú có thể tạo giấy phép con không phù hợp với Luật Cư trú và sẽ gây khó khăn cho nhiều người lao động nghèo... Đặc biệt, không ít trẻ em sẽ khó có cơ hội học trường công lập”, TS Đặng Văn Cường chia sẻ.

Ngày 17/10/2022, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình số 353 gửi HĐND thành phố về phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở. Tại thời điểm đó, Hà Nội đưa ra điều kiện về diện tích tối thiểu là 20m2 sàn/người. Ngày 23/11/2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã có văn bản gửi HĐND thành phố xin lùi thời gian trình ban hành nghị quyết về quy định nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công nhân được đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ