Bước dịch chuyển cho thị trường
Theo đánh giá chung của Bộ Xây dựng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người; đến năm 2020 đạt 8m2 sàn/người. Như vậy, việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25m2, với số người ở từ 1 - 3 người, là phù hợp nhu cầu thị trường, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động.
Cũng theo quan điểm của Bộ Xây dựng, việc cho phép xây căn hộ thương mại diện tích tối thiểu 25m2 cũng là một giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở giá thấp cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Nói về việc cho xây dựng căn hộ 25m2 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản (BĐS) Nhà Phát - chia sẻ, chủ trương trên của Bộ chủ quản là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nhiều quốc gia có nguồn đất hạn chế trong thành phố cũng xây dựng những căn hộ có diện tích dưới 30m2 nhưng vẫn rất tiện nghi, rất văn minh, không hề có tình trạng nhếch nhác...
Ông Ngọc cho rằng, chúng ta chưa nên vội vàng khẳng định xây dựng căn hộ 25m2 là vô lý, nhếch nhác như một số ý kiến đưa ra. Theo ông Ngọc, quan trọng là công tác quy hoạch của các cơ quan chức năng sao cho hợp lý. Bởi khi xây dựng các căn hộ diện tích nhỏ sẽ tạo ra nhiều cơ hội sở hữu nhà hơn cho những người thu nhập thấp. “Diện tích nhỏ thì tổng thanh toán của doanh nghiệp (DN) sẽ thấp, đương nhiên cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp sẽ cao hơn nhiều lần, do đó, trong thời gian tới đây sẽ là phân khúc tạo sự dịch chuyển mạnh mẽ trên thị trường BĐS” - ông Ngọc nhận định.
Cơ hội với người thu nhập thấp
Ngay khi Bộ Xây dựng quyết định xây căn hộ 25m2 khá nhiều chủ đầu tư hào hứng với chủ trương này, bởi nếu nhìn vào thực tiễn hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn song thu nhập bình quân lại “kìm hãm” người dân và giảm khả năng tiếp cận của họ đối với phân khúc căn hộ có diện tích lớn. Bởi nếu như hiện nay, người dân phải có khoảng 1 tỷ đồng mới có thể mua được một căn hộ từ 50m2 trở lên, thì sau này, họ chỉ cần khoảng 500 triệu đồng là có thể sở hữu một căn hộ với diện tích 25m2.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại bày tỏ lo ngại, nếu cho phép xây dựng loại căn hộ này, áp lực gia tăng dân số là rất lớn từ đó gây ra áp lực cho hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, nhất là tại trung tâm các TP lớn như Hà Nội và TPHCM.
Nói về những băn khoăn này, ông Ngọc nêu quan điểm, về bản chất không phải căn hộ diện tích nhỏ sẽ gây gia tăng dân số, mà vấn đề ở đây là do quy hoạch quyết định. Ông Ngọc đặt vấn đề: Tại sao các DN lại phải đề xuất xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ?
Ở đây có 2 yếu tố, một mặt là xét về mức thu nhập bình quân của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay, để có thể sở hữu một căn hộ có diện tích lớn là rất khó, do đó, nếu xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ thì cơ hội sở hữu nhà của họ sẽ cao hơn và mở rộng cầu cho thị trường hơn.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Ngọc, sở dĩ các DN đề xuất cắt nhỏ căn hộ là bởi, nếu tính tổng các chi phí giá đất, chi phí xây dựng để ra giá thành sản phẩm hiện nay, mức bán một căn hộ quá cao, vì giá đất hiện nay là áp lực lớn đối với DN, nếu vẫn để diện tích lớn mà bán hàng, thì nhu cầu ít, lợi nhuận của DN cũng thấp hơn.
“Chính bởi giá đất hiện nay quá cao nên DN buộc phải đề xuất giảm diện tích căn hộ thì họ mới đảm bảo được kinh doanh có lãi. Do đó, chính sách về giá đất cần phải tạo thuận lợi hơn để DN có thể giảm tải áp lực chi phí, như vậy giá thành BĐS mới có thể kéo xuống” - ông Ngọc đề xuất.