Tranh luận đẹp, xấu ở Làng bích họa Tam Thanh

GD&TĐ - Mới đây, Làng bích họa Tam Thanh được bổ sung thêm hàng chục tranh tường, tranh trên chum, trên thuyền thúng và các tác phẩm điêu khắc.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Những năm gần đây, làng bích họa Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) là địa chỉ du lịch hấp dẫn giới trẻ, với những bức tranh tường tươi tắn, sinh động, phản ánh cuộc sống và con người vùng quê biển miền Trung.

Mới đây, Tam Thanh được bổ sung thêm hàng chục tranh tường, tranh trên chum, trên thuyền thúng và các tác phẩm điêu khắc. Đây là kết quả lao động miệt mài của nhóm họa sĩ trong và ngoài tỉnh, trong đó có những người nổi tiếng, được giới nghệ thuật kính trọng. Họ thực hiện dự án cộng đồng với tinh thần tự nguyện, cống hiến.

Những tưởng, sau khi dự án hoàn thiện, bộ mặt Tam Thanh sẽ thêm phần rạng rỡ, thân thiện. Nhưng thực tế lại đi ngược với mong muốn của nghệ sĩ. Người dân phản ứng, cho rằng một số tác phẩm xa lạ, không phù hợp. Họ còn yêu cầu chính quyền địa phương có giải pháp can thiệp, xóa bỏ.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, câu chuyện này cũng được bàn luận sôi nổi. Các ý kiến đi theo ba hướng chính: Hướng thứ nhất đồng ý với người dân địa phương, cho rằng các tác phẩm khó hiểu, thậm chí xấu.

Hướng thứ hai khen ngợi, ủng hộ và tỏ ra bất ngờ, thậm chí bất bình với phản ứng của người dân. Hướng thứ ba mang tính dung hòa, đánh giá những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, giàu sáng tạo, song chưa phù hợp với tiêu chí cộng đồng.

Trước những bình luận tiêu cực, nhiều họa sĩ cho rằng nghệ thuật đã không được định giá đúng, công sức của nghệ sĩ không được tôn trọng. Cứ đà này, thì không mấy người mặn mà với các dự án cộng đồng, bởi chẳng dại gì vác tù và hàng tổng, vừa vất vả vừa chuốc tai tiếng nhọc thân.

Rõ ràng, các ý kiến khen chê đều có lý lẽ riêng, xuất phát từ góc nhìn của mình. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi rằng ai là chủ thể của Tam Thanh? Câu trả lời thật hiển nhiên: Chính là người dân Tam Thanh.

Khi đã làm chủ đất đai, làm chủ ngôi nhà, làm chủ không gian văn hóa, họ có quyền được cất lên tiếng nói cá nhân.

Người dân ở đây cũng đã quen với danh xưng “làng bích họa”, thấu hiểu vì sao ngôi làng lại trở thành địa chỉ du lịch, và họ biết trân trọng những bức tranh được vẽ trên tường nhà, trên thuyền thúng hay những không gian công cộng của làng.

Song lần này họ lại phản ứng.

Có thể họ chưa quen, không thích và không hiểu tác phẩm, vì trình độ văn hóa và cảm thụ nghệ thuật có giới hạn.

Nhưng mặt khác, họ là chủ nhân của một vùng văn hóa, với những tập quán, phong tục, tín ngưỡng, cả những điều kiêng kị vốn ăn sâu bén rễ từ bao đời nay. Vì thế, những hình ảnh màu sắc mới lạ có thể độc đáo ấn tượng với người thưởng thức, nhưng lại gợi cho họ sự bất an.

Nhìn và phân tích bằng con mắt của người dân bản địa, mới thấy các dự án nghệ thuật cộng đồng muốn thành công thì phải gắn với đời sống và văn hóa địa phương. Khi muốn thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng cần phải đến và trở thành một phần của cộng đồng ấy, chứ không phải đến với tâm lý ban ơn, đem văn minh dạy cho người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.