Từ làng bích họa ven biển đến "Lênh đênh" sóng nước

GD&TĐ - Sự hợp tác của các đơn vị và nghệ sĩ quốc tế, đã và đang đưa đến một diện mạo khác đối với nghệ thuật Việt.

Làng bích họa Tam Thanh với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ Hàn Quốc.
Làng bích họa Tam Thanh với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Từ làng bích họa ven biển Tam Thanh (Quảng Nam), đến triển lãm “Lênh đênh” ở Đà Nẵng đem đến cho người trẻ góc nhìn tuyệt đẹp về cuộc sống, thiên nhiên và con người nơi sông nước. Biến những nơi hoang vắng thành triển lãm mỹ thuật, khơi gợi tình yêu thiên nhiên - là thông điệp đặc biệt mà các dự án nghệ thuật quốc tế gửi gắm.

Bảo tàng ngoài trời

Làng bích họa Tam Thanh thuộc xã Tam Thanh (Thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam) là dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Việt - Hàn do UBND Thành phố Tam Kỳ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation - KF) hợp tác.

Từ tháng 6/2016, hàng chục thanh niên và nghệ sĩ Hàn Quốc tình nguyện đến xã biển Tam Thanh vẽ hơn 100 bức họa lên bức tường nhà của người dân ở xã biển Tam Thanh. Đây là ngôi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam, thu hút lượng đông khách du lịch đến chiêm ngắm bảo tàng ngoài trời.

Dự án có tên gọi “Nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn”. Các họa sĩ đã biến những mảng tường gạch cũ kỹ, thành những bức họa sặc sỡ sắc màu, mô tả sinh động về cuộc sống bình dị của người dân làng chài.

Tam Thanh được thay đổi để khoác lên mình một màu áo mới, khác biệt cảnh nghèo xác xơ trước đây. Những bức tranh kết hợp nét đẹp từ mỹ thuật Hàn Quốc, nhưng thấm nhuần chất dân dã của mảnh đất Nam Trung Bộ.

Những bức tường, hàng rào thô sơ đã được thay bằng những hình vẽ, họa tiết ngộ nghĩnh như những câu chuyện trẻ thơ. Những con đường nhỏ trong làng cũng trở nên thơ mộng lạ thường. Những bức họa không chỉ tạo nên sức hút du khách tới thăm ngôi làng độc đáo, mà còn làm cho cuộc sống của người dân nơi đây thêm nhẹ nhàng, thư thái.

Năm 2018 các họa sĩ Hàn Quốc quay lại làng Tam Thanh vẽ thêm 30 bức bích họa và sơn mới 50 căn nhà. Và từ đó đến nay, các dự án liên tục được tiến hành để làng bích họa trở nên đẹp và mới mẻ hơn.

Tiếp nối ý tưởng nghệ thuật vì cộng đồng, người dân Tam Kỳ tiếp tục triển khai dự án vẽ tranh lên hơn 100 chiếc thuyền thúng truyền thống. Sau khi hoàn thành, họ trưng bày các tác phẩm trên con đường nghệ thuật thuyền thúng dài khoảng 1,5km - nối từ ngôi làng ra đến tận bờ biển.

Không chỉ làm đẹp ngôi làng, khơi gợi tình yêu với biển, dự án bích họa còn lan tỏa hoạt động sáng tạo nơi công cộng. Từ Tam Thanh, bích họa ngoài trời đã có mặt tại nhiều địa phương, nhiều con phố. Các họa sĩ biến bức tường cũ, hàng rào mấp mô, cột điện nham nhở giấy thông báo… thành những tác phẩm nên thơ.

Triển lãm “Lênh đênh” tại Đà Nẵng khơi gợi ký ức đẹp về biển và nghề đánh bắt cá.

Triển lãm “Lênh đênh” tại Đà Nẵng khơi gợi ký ức đẹp về biển và nghề đánh bắt cá.

Tái hiện ký ức truyền thống

Hoạt động của các cơ sở văn hóa nhiều nước, như: Viện Goethe (Đức), Thư viện Phòng văn hóa Mỹ, các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa trên khắp vùng miền tại Việt Nam. Mới đây, sự kiện “Nghệ thuật vì môi trường” do Đại sứ quán Anh hỗ trợ tổ chức tại Hội An thu hút đông đảo học sinh – sinh viên tham gia.

Sự hợp tác giao lưu của các đơn vị và nghệ sĩ quốc tế, đã và đang thúc đẩy nghệ thuật Việt năng động hơn trong sáng tạo.

“Đà Nẵng tui” - cộng đồng người trẻ yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng - cùng sự hỗ trợ của Hội đồng Anh (British Council) vừa khai mạc triển lãm “Lênh đênh”. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27/2, tái hiện sinh động đời sống sông nước, về thuyền thúng, nhà chồ, nghề cá… của Đà Nẵng những năm 2000.

Với mong muốn gìn giữ các nét đẹp truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa của địa phương, nhóm 60 bạn trẻ đã mất gần 6 tháng để làm nên triển lãm ý nghĩa này.

Triển lãm lấy làng chài, thuyền thúng và đời sống ngư dân làm tâm điểm. Để giữ giai thoại về ký ức nhà chồ còn nguyên vẹn, “Đà Nẵng tui” sử dụng các hình thức nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại. Nhóm nghệ sĩ tái hiện đời sống trên biển của ngư dân từ khởi đầu đến khởi sắc, chông chênh qua giông bão rồi để lại thanh âm tươi trẻ cho làng nghề hiện tại.

Anh Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu - điều phối nhóm - cho biết, các hình thức nghệ thuật đa dạng gồm màu nước, sách popup, cho đến nghệ thuật vẽ tranh bằng điểm ảnh (pixel art), ảnh toàn ký (hologram), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality/AR) đã được sử dụng để đa dạng hóa trải nghiệm của người xem.

Đặc biệt, đối với bộ tranh tĩnh kết hợp với AR “Lên bờ thay áo” của hai tác giả Nguyễn Văn Hiếu và Phan Thị Hồng Nhi, thể hiện những bước thay đổi thần kỳ của những vùng ven sông, biển Đà Nẵng.

Tại triển lãm, ngoài tham quan còn các hoạt động thú vị cho khách mời trải nghiệm như “Túi lưới Chờ Neo”. Mỗi mũi đan lưới được lấy cảm hứng từ nút thắt lưới đánh cá của các ngư dân. Thành phẩm mang đến một giá trị văn hóa, cái đẹp ở ngay từng nút thắt trong đời sống ngư nghiệp.

Triển lãm với sự đa dạng các câu chuyện truyền thống đã tạo nhiều cảm hứng đặc biệt, gợi mở giới trẻ khám phá, tìm hiểu về văn hóa.

Nhiều bạn trẻ dù chỉ biết đến ký ức nhà chồ, sông nước, nghề ngư qua lời kể hay những tư liệu... nay đã đứng hàng giờ trước các tác phẩm bởi sự lôi cuốn từ nghệ thuật sáng tạo và những câu chuyện đằng sau nó.

Như lời tự giới thiệu của nhóm “Đà Nẵng tui”: “Có những giai thoại qua năm tháng thì nằm lại một góc đằng sau, nhưng cũng có truyền thống đi cùng đời này qua đời khác, lẳng lặng bên một rìa Đà Nẵng, cứ thế mà tồn tại và sinh sôi. Chặng hành trình từ khởi sự đến khởi sắc, mấy ai hiểu hết những cơn bão đã đi qua?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ