Tránh “giận quá mất khôn” khi dạy con

GD&TĐ - Giận dữ là một phản ứng hết sức tự nhiên của con người, nhưng các bậc phụ huynh cần phải dạy cho con trẻ học cách để tiết chế, kiểm soát cơn giận tránh “giận quá mất khôn”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm gương cho con trẻ

TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM), đồng thời là một chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ, “muốn giáo dục con, trước tiên cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh hãy làm gương cho trẻ trước.

Dạy con kiềm chế, kiểm soát cơn nóng giận cũng vậy, chính bản thân mình hãy học cách làm sao để tiết chế những sự tức giận, những “cơn thịnh nộ” trước đã”.

Theo TS Thúy, trước một vấn đề nào đó, rất nhiều ông bố bà mẹ nóng giận, chỉ trích con và có thể đánh con. Cách hành xử như vậy, sẽ gây tổn thương đến tâm lý, tổn hại đến thể chất của trẻ và mối quan hệ trong gia đình.

Giận dữ, nóng giận là một phản ứng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu để con trẻ mặc sức cho con thể hiện cảm xúc khi giận dữ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách khi lớn. Vì vậy, việc dạy cho trẻ tiết chế cảm xúc là điều cần thiết mà bố mẹ nào cũng cần quan tâm.

TS Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên, cha mẹ hãy tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc, trong đó có 4 cấp độ: Nhận biết, hiểu, tạo ra và chuyển hóa cảm xúc. Khi hiểu được từng mức của trí tuệ cảm xúc, việc chuyển hóa sự tức giận, nóng nảy (chuyển hóa cảm xúc) là điều quan trọng.

Việc dạy cho trẻ biết đặt mình vào vị trí của người khác, suy nghĩ một vấn đề nhìn nhận từ hai phía, tránh đổ lỗi, ích kỷ… cũng là cách để trẻ bớt nóng giận.

Bên cạnh đó, cha mẹ muốn con ôn hòa, kiềm chế được sự nóng giận ở các tình huống thì đầu tiên hãy giúp con cảm nhận được sự yêu thương, tôn trọng và sự thoải mái trong chính gia đình mình.

“Yêu thương đúng cách chứ không phải chiều chuộng, yêu thương bằng lời nói, hành động, cử chỉ. Yêu thương nhưng cũng phải có những biện pháp kỷ luật tích cực đối với con trẻ khi chúng gây ra lỗi”, TS Thúy nhấn mạnh.

Trên thực tế, nếu bố mẹ không tôn trọng con, không lắng nghe và áp đặt trẻ, sẽ rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực của con. Chính vì vậy, hãy tôn trọng và lắng nghe con, chỉ khi đó những cảm xúc bức xúc, giận dữ con đều sẵn sàng nói ra, chia sẻ với ba mẹ.

Về cách để kiểm soát, TS Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên, mỗi lần con giận dữ và có dấu hiệu hung hăng hãy đưa trẻ ra một chỗ khác. Phụ huynh cũng có thể dạy con thiền, học yoga, có một phòng, một góc tĩnh lặng để con và cả cha mẹ cùng ngồi xuống tĩnh lặng.

Ngoài ra có thể giúp con dịu lại khi đưa một tách nước, dạy đếm từ 1-5… Khi thấy con khó chịu, bực bội có thể khuyên đi tập thể dục và kiên nhẫn khuyến khích con nên chia sẻ, nói ra những cảm xúc của mình.

Ngoài ra, với nhịp sống hiện đại, dù công việc bận rộn cha mẹ cũng nên đọc sách cùng con mỗi ngày, cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời, tạo niềm vui cho con mỗi ngày. 

Học sinh tiểu học tại TPHCM tham gia hoạt động thể thao sau giờ học.
Học sinh tiểu học tại TPHCM tham gia hoạt động thể thao sau giờ học.

“Mưa dầm thấm lâu”

Theo thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thành Luân (TPHCM) song song với việc học tập về kiến thức, việc giáo dục con trẻ những kỹ năng là điều rất quan trọng. Làm sao để trước một tình huống, trẻ biết cách xử lý phù hợp, ổn thỏa.

Trong đó, việc dạy con biết kiềm chế cơn nóng giận, tức giận cũng cần được quan tâm. Trẻ giận dữ, tức giận thường la ó, khóc gào… cao hơn một chút cào cấu, có trẻ tự làm mình đau. Nếu kéo dài, trở thành tích cách, nhất là khi bước vào môi trường học tập, xã hội… sự giận dữ, nóng giận sẽ dẫn đến nhiều hành động không kiểm soát.

Tuy nhiên, cũng như chăm sóc một cái cây, từ gieo hạt, nảy mầm, phát triển, ra hoa kết quả, trẻ con cũng cần phải có từng giai đoạn và kiên trì giáo dục với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Dạy con trẻ cần sự kiên trì và bằng tình yêu thương, tôn trọng.

“Sẽ không dễ dàng nói với trẻ, nào con hãy bình tình, hãy kiềm chế, hãy đừng la ó, hãy vui lên…  Nghe rất sáo rỗng, hãy mỗi ngày chỉ cho con một chút và cùng con trưởng thành. Và quan trọng vẫn là làm gương cho con trong mọi tình huống”, thạc sĩ Nguyễn Thành Luân nói.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học cách lắng nghe con trẻ, hiểu được tâm tư của con với từng độ tuổi khác nhau. Việc lắng nghe con, để xem con muốn nói điều gì, chia sẻ những gì và cùng con đưa ra cách giải quyết vấn đề cũng là điều vô cùng quan trọng. Đó có thể là một chút buồn khi bị bạn bè trêu vì quá dở môn thể dục, cũng có thể là chuyện hiểu nhầm trong buổi học tiếng Anh hay những cảm xúc mới lớn…

Ở góc độ là một nhà giáo, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, Trường TH Bình Hòa (Quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, giáo dục học trò ở trường hay con em mình ở nhà cũng đều tuân thủ việc làm gương cho các con trong mọi cử chỉ, hành động lời nói. Với lứa tuổi tiểu học, việc kiên trì, sự nhẫn nại dành cho trẻ là điều rất quan trọng.

Có thể hôm nay con chưa ngoan, con vẫn còn có những hành động mang tính bột phát khi đánh bạn, thậm chí cắn vào tay bạn vì… quá tức giận. Nhưng dần dần, qua từng ngày, lồng ghép việc giáo dục con qua những câu chuyện, tình huống cụ thể, qua những trò chơi qua những lần trò chuyện… sẽ giúp đứa trẻ dần thay đổi tích cực hơn.

Theo thầy Vũ Hoàng Sơn, ở trường những học sinh có phần “cá biệt”, cũng rất được quan tâm như tìm hiểu về gia đình, phối hợp với phụ huynh để đưa ra giải pháp tốt nhất. Với những em này, giáo viên không nên đưa ra “hố ngăn” với các bạn học sinh khác vì như vậy sẽ vô tình khiến các em có những hành động bộc phát, thiếu kiềm chế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.