Dạy con tự lập từ... 2 tuổi

Dạy con tự lập từ... 2 tuổi

2 tuổi đã được... giao việc nhà

Nhà báo Lữ Mai, phóng viên báo Nhân dân cho biết, từ khi con còn bé, chị đã bắt đầu "giao việc" cho con. Con mới 2 tuổi, khi chơi xong, chị đã hướng dẫn con thu dọn đồ chơi cho vào giỏ hoặc để đúng nơi quy định. Dần dần, tùy theo tuổi của con, chị nâng các phần việc lên như dọn phòng, góc học tập, tưới cây, thu bát đĩa sau bữa ăn...

Chính vì vậy, con chị ý thức được chia sẻ việc nhàvới mẹ và luôn tự giác làm. Theo chị Mai, mỗi lần cùng con vào bếp nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa, chị có thể tâm sự về việc học tập, bạn bè của con dễ dàng. Từ đó nắm bắt tâm lý và tình cảm cũng như các mối quan hệ của con bên ngoài.

Vợ chồng anh Vũ Mạnh Tân (Hà Đông, Hà Nội) cũng giao việc cho các con từ bé. Làm vậy để giúp con có những kỹ năng sống cơ bản, đồng thời tạo thêm gắn kết gia đình. 

Theo anh Tân, thời gian đầu, anh thấy vợ khá tất bật vì phải một mình chu toàn việc nhà đến mức mệt mỏi và không có thời gian chăm sóc bản thân. 

"Tôi đã gặp gỡ, thậm chí chung sống với nhiều gia đình phương Tây trong các chuyến công tác nước ngoài. Tôi thấy họ khá sòng phẳng và thẳng thắn trong cuộc sống gia đình, kể cả bố mẹ và con cái. Các con luôn được giao nhiệm vụ rõ ràng, từng việc trong gia đình và mọi người cùng nhau thực hiện. Người phụ nữ trong gia đình được các thành viên khác gánh bớt công việc, nên họ khá thoải mái, không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ", anh Tân nói.

Vợ chồng anh Tân đã áp dụng phương pháp ấy cho gia đình của mình. Ban đầu, chị Phương Anh – vợ anh khá bỡ ngỡ, vì vẫn muốn các con dành thời gian học tập, vui chơi nhiều hơn. Nhưng anh vẫn quyết tâm "giành" việc về cho ba bố con. 

Sau giờ làm hoặc cuối tuần, anh đều dành cho gia đình. Anh dạy con kỹ năng làm các việc theo độ tuổi. Cuối tuần, chị Phương Anh vào bếp, đồng thời dạy con nấu nướng. Con trai cùng bố dọn dẹp tủ giày và phòng chính. Các con sẽ tự dọn dẹp phòng ốc của mình, sắp xếp lại đồ đạc theo ý thích. 

"Đó là quy định của gia đình tôi để mọi người tự giác thực hiện. Sự tương tác ấy khiến chúng ta yêu ngôi nhà của mình hơn", anh Tân cười.

Theo anh, cho con làm việc nhà để con xây dựng hành trang khi sống tự lập sau này. Con có thể hiểu và chia sẻ với bố mẹ vì bố mẹ cũng đi làm xa vất vả. Cha mẹ cũng có thời gian dành cho các con hơn. 

Con gái anh năm nay học lớp 8 đã biết chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Con trai anh học lớp 4 nhưng cũng có thể tự chăm sóc mình nếu bố mẹ và chị gái đi vắng.

Cha mẹ hãy đồng hành và khuyến khích trẻ

Nhà báo Lữ Mai cho rằng, để khuyến khích trẻ làm, bố mẹ cần đồng hành, trò chuyện và tạo niềm vui. Để trẻ cảm thấy làm việc nhà như một kì tích nhỏ do mình tạo nên và tự hào, vui sướng với điều đó.

Diễn viên Phan Anh cũng có chia sẻ tại một tọa đàm về xây dựng hạnh phúc gia đình rằng, trước tiên, cha mẹ hãy làm gương cho con cái. Chồng hãy chia sẻ việc nhà giúp vợ, để các con học tập. 

"Có lần, con gái lớn của tôi nói chuyện rằng, sau này lớn, cháu sẽ không lấy chồng Việt Nam vì họ rất lười. Nghe xong điều đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Hình ảnh ông bố Việt về nhà chỉ xem phim, chơi điện thoại, không làm gì, mặc vợ với rất nhiều công việc khiến con gái tôi bị ám ảnh. Tôi quyết tâm thay đổi thái độ của mình, để thay đổi nhận thức của con. Giờ thì tôi có thể làm hết tất cả mọi việc trong nhà và hằng ngày vẫn hỗ trợ giúp đỡ vợ".

Hằng ngày, anh có thể giúp vợ dọn nhà, rửa bát, đi chợ, nấu cơm, chăm sóc con cái mỗi khi có thời gian rảnh. Theo Phan Anh, cùng con làm việc nhà giúp gia đình hạnh phúc hơn. Các con cảm nhận tình cảm của bố sâu sắc nhất khi bố dành thời gian để cùng chơi, làm việc, học với con.

Làm việc nhà là cách đơn giản nhất giúp cha mẹ dạy con tự lập và học được tinh thần trách nhiệm. Nhiều cha mẹ đến gặp chuyên gia và than thở rằng, con rất lười biếng, không chịu làm việc giúp cha mẹ, suốt ngày chỉ biết nằm dài xem tivi, chơi điện tử. Cha mẹ đi làm về mệt nhọc, lại vội vàng lao vào chuẩn bị cơm nước mà con cũng không thấy có phần trách nhiệm trong đó. Con cái thường coi đó như là trách nhiệm của cha mẹ.

Thực tế, trẻ vốn dĩ rất thích làm việc nhà. Thế nhưng, chính cha mẹ lại coi đó là "việc của mình", đồng thời để con tập trung vào học tập và vui chơi. Lâu dần, các con sẽ cho rằng đó không phải là việc của mình.

Theo chuyên gia kỹ năng sống, diễn giả Đào Ngọc Cường - Công ty Cổ phần Đào tạo đánh thức tiềm năng Việt, một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng là dạy con làm việc nhà. Con cần được học về cách chia sẻ, kỹ năng sống ngay từ những việc nhỏ trong gia đình.

Muốn dạy con làm việc nhà cha mẹ cần lưu ý đến độ tuổi phù hợp với việc con được giao để làm. Ngay khi con được 3 tuổi đã giao những việc phù hợp như: Nhờ con đi lấy cái chổi, cầm bó rau, bỏ túi rác vào thùng…

"Thái độ của cha mẹ cũng quyết định đến sự hứng thú trong làm việc nhà của con. Cha mẹ cần phải luôn tạo cho con niềm vui trong công việc, nếu con không muốn làm đừng ép mà hãy động viên khích lệ con, luôn hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu.

 Cha mẹ cần làm mẫu cho con quan sát, cho con làm cha mẹ quan sát và hướng dẫn con làm. Điều chỉnh cho con làm đúng. Ghi nhận, đánh giá và khen ngợi con khi làm được bất kỳ việc gì. Mặc dù có thể chưa tốt nhưng tuyệt đối không chê bai con. Tăng dần độ khó của công việc giao cho con, kiên nhẫn hướng dẫn và không được nổi nóng khi con chưa làm tốt. Hãy luôn dùng những ngôn từ yêu thương: Con giúp mẹ gấp chăn nhé, mẹ cám ơn con. Con gấp quần áo giúp mẹ đấy à, mẹ rất vui khi con giúp đỡ mẹ…" – chuyên gia tâm lý Đào Ngọc Cường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.