Dạy con làm việc nhà: Chấp nhận mọi sai sót

Dạy con làm việc nhà: Chấp nhận mọi sai sót

Sợ con vất vả khi phải làm việc nhà có nguy cơ biến đứa trẻ thành tự kỷ, thiếu tính tương tác, chia sẻ. Chính vì vậy, bản thân phụ huynh cần có kỹ năng để dạy con biết và tự giác làm việc nhà.

Chia sẻ việc nhà cùng con là mong muốn của nhiều bố mẹ hiện đại. Theo các chuyên gia kỹ năng sống, dạy con làm việc nhà từ nhỏ góp phần giúp trẻ trở thành người sống biết chia sẻ khi lớn lên.

Mẹo chia sẻ việc nhà cùng con

Mỗi lần giặt đồ hay nấu cơm, chị Nguyễn Liên (Long Biên, Hà Nội) thường rủ cậu con trai tên Tít đang học mẫu giáo tham gia cùng. Khi con cho đồ vào máy giặt, chị Liên sẽ cho nước giặt và sau đó nhờ con bấm nút vận hành. 

Khi nấu nướng, chị cũng rủ con nhặt rau. Cậu bé rất thích mỗi khi được làm cùng mẹ. Công việc lâu dần thành nếp, Tít rất vui vẻ, tự giác làm mà không cần mẹ nhắc.

Thực tế, ngay từ khi trẻ tròn 2 tuổi, bố mẹ có thể cho con cùng làm những công đoạn nhỏ và dễ trong việc nhà. Hãy hướng dẫn cho con làm những việc đơn giản, vừa sức. Bố mẹ phân công những việc cụ thể của riêng con, không ai trong gia đình được làm thay. Khi đó, con sẽ thấy tham gia công việc gia đình là vai trò tự nhiên và vui sướng được nhận trách nhiệm. Bố mẹ cũng nên chú ý không sai vặt con quá nhiều, khiến con mất hứng thú trong công việc.

Mỗi tuổi mỗi lớn, khả năng chia sẻ công việc gia đình của con ngày càng tăng. Bố mẹ có thể dần dần giao các việc lớn hơn, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn theo độ tuổi. 

Hãy luôn đề cao tầm quan trọng của những việc mà con có thể làm được cho gia đình. Càng được dạy sớm, con càng nhanh chóng hình thành thói quen làm việc nhà và không lười biếng.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Giáo dục trẻ em Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi trẻ 2 - 3 tuổi có thể nhặt rau, dọn đồ chơi. Trẻ có thể quét nhà, gấp quần áo một cách thành thạo từ 5 - 6 tuổi. 

Khi trẻ 7 - 8 tuổi đã có thể học cắm cơm, làm một vài món đơn giản. Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể nấu một bữa cơm trọn vẹn, lau dọn nhà cửa sạch sẽ. Nếu không cho con sớm làm việc nhà, tới độ tuổi 13 – 14, con sẽ rất khó bảo. Khi đó, bố mẹ khó có thể hướng dẫn con tham gia vào công việc nhà nếu con không thích.

Khi các con "học việc", bố mẹ cần phải chấp nhận một số việc như bát có thể chưa sạch, rau nhặt còn sót cỏ, nhà lau còn bẩn… Đôi khi, con lười và không chịu làm việc nhà, bố mẹ cũng đừng vội làm thay. 

Nếu đã giao việc cụ thể, cứ bình tĩnh để con tự giác làm. Nếu có nhắc thì nhắc cũng thật khéo. Hãy luôn tỏ ý tin tưởng rằng, con không bao giờ lơ là công việc. Hãy nói chuyện, nhắc nhở con, thậm chí có thể dùng một số hình phạt nhẹ.

MC Minh Trang (VTV) chia sẻ rằng: "Hồi mới áp khung giờ làm việc nhà, mình cứ nghĩ các bạn sẽ nhăn mặt chun mũi. Nhưng rồi hóa ra đó lại là khoảng thời gian vui vẻ và háo hức nhất trong ngày sau khung giờ ra ngoài chơi. Nhiệm vụ của mẹ chỉ là hướng dẫn, giới thiệu, kiên trì quan sát các bạn ấy. Cái này rất quan trọng vì vài lần đầu tiên nhìn con làm rất dễ bị "ngứa tay", muốn xông vào làm cho xong".

Theo TS Nguyễn Thị Thanh - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, trẻ con sẽ tham gia công việc nhà một cách tốt hơn nếu chúng được giao việc một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Hơn nữa, các bố mẹ cũng phải đấu tranh với bản thân để không chen ngang làm giúp con, mà phải kiên nhẫn hướng dẫn, quan sát con thực hiện công việc nhà được giao.

Sống biết chia sẻ

Chị Phương Anh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị hướng dẫn con làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ khi chúng còn nhỏ. Bình thường, chị Phương Anh hoàn toàn có thể làm thay con nhưng không ôm đồm. 

Chị muốn rèn con cách sống biết chia sẻ với người khác thông qua làm việc nhà. Hiện tại, cô con gái lớn học lớp 6 và cậu con trai thứ hai học lớp 4 đã biết làm những việc đơn giản, chia sẻ việc nhà với bố mẹ ngoài giờ học hay những lúc bố mẹ bận bịu. 

Khi con gái lau nhà thì con trai sẽ thu quần áo khô và xếp vào tủ. Nếu con gái nấu cơm thì con trai sẽ sắp bàn ăn. Hay khi ăn xong con gái rửa bát thì con trai sẽ lau bàn.

Cùng quan điểm, bà mẹ 4 con - MC Minh Trang cũng chia sẻ: "Thời gian biểu hằng ngày của 3 bạn lớn nhà mình luôn có khung giờ 30 phút – 1 giờ mỗi ngày dành cho công việc gia đình. Đó là chia sẻ công việc với các thành viên còn lại như rửa bát, lau nhà, giặt sấy gấp quần áo, lau dọn giá kệ, tưới cây. Đó không phải chỉ là những việc phục vụ bản thân kiểu dọn, quét, lau phòng của mình, lau xe đạp của mình, đánh giày dép của mình".

"Nhà mình không chủ trương thưởng cho những việc làm giúp gia đình, vì đó là trách nhiệm của mỗi người khi cùng chia sẻ không gian sống và các quyền lợi với nhau. Mình muốn các bạn ấy hiểu rằng, nếu mỗi người cùng chia sẻ một chút, thì tất cả mọi thành viên trong nhà đều được hưởng lợi từ những đóng góp trong đó có chính các bạn! 

Mẹ nấu cơm, cả nhà cùng ăn, trong đó các con cũng được ăn. Bố sửa đèn, cả nhà cùng có điện, các con cũng có đèn để chơi, đọc sách... Các con quét nhà, rửa bát, cả nhà và bố mẹ đều được hưởng sự sạch sẽ", MC Minh Trang đưa ra quan điểm.

Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Bình, ngay từ khi bắt đầu dạy trẻ làm việc nhà, bố mẹ cần giải thích cho con hiểu, đây là công việc chung. Tất cả các thành viên trong gia đình đều phải góp công sức vào làm việc nhà và đó là trách nhiệm. Do vậy, cha mẹ đừng trả công cho con khi hoàn thành xong một công việc mà con nghiễm nhiên phải làm. Bởi như vậy, con sẽ nghĩ việc nhà là của bố mẹ, khi con thích hay cần tiền thì mới phải làm.

"Làm việc nhà từ nhỏ sẽ giúp trẻ sớm hình thành tính chủ động, tự giác. Điều này góp phần hình thành nên một người trưởng thành có trách nhiệm, biết sẻ chia và thành công trong tương lai", ThS Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.