Tranh cãi quanh đề thi môn Ngữ văn lớp 12 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng về “buông bỏ”

Học sinh lớp12 TP Đà Nẵng tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Học sinh lớp12 TP Đà Nẵng tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Đề kiểm tra môn Ngữ Văn học kỳ I, lớp 12 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng cụ thể như sau:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đó rất tệ. Tôi nghĩ mình PHẢI luôn cố gắng, PHẢI luôn nỗ lực, PHẢI luôn gồng mình và nếu tôi không đạt được một điều gì đó thì hẳn là tại tôi. Do tôi chưa cố gắng đủ nhiều. Với niềm tin đó, tôi đã cố gắng hết sức mình để giành lấy vị trí cao nhất trong trường học, trong những cuộc thi thố gần xa. Những năm tháng xuôi chèo mát mái trên ghế nhà trường càng khiến tôi tin rằng, chỉ cần bạn có một kế hoạch, chỉ cần bạn cố gắng, chẳng có việc gì là không thể.

Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật. Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với cả những tình huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi, nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ. Một cái ghế được nhiều người trọng vọng? Một lối sống nghiêm túc chừng mực? Một gia đình nề nếp con cái có đủ mẹ, đủ cha? Tôi ước gì cha mẹ đã dạy tôi rằng “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”?

(Cúc T., Sống như khi bạn đang ở sân bay, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

Câu 1: Khi “được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục”, “tôi” đã có những suy nghĩ gì? (1 điểm)

Câu 2: Nêu tác dụng của những câu hỏi được sử dụng trong văn bản (1 điểm)

Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn so với sự theo đuổi”? Vì sao? (1 điểm)

II PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về ý kiến “Từ bỏ cũng là một lựa chọn”.

 

Nhận xét về đề thi trên, thầy giáo Nguyễn Đình Hòa (GV Ngữ Văn, trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Đề thi có tính sáng tạo, buộc HS phải đưa việc học văn gắn liền với thực tiễn đời sống; tránh được học tủ, học vẹt. Nếu mới đọc qua thì có cảm giác đề thi sẽ khó đối với HS có sức học trung bình trở xuống, nhưng thực ra là lại lợi cho HS trung bình, yếu vì nếu không học bài các em vẫn có thể làm bài kiếm điểm bởi đề thi không đòi hỏi HS phải sáng tạo nhiều. HS chỉ cần lập luận chặt chẽ để bảo vệ quan điểm, suy nghĩ của mình, có thể các em đồng tình hoặc phản đối.

Tất nhiên là với đề thi này, đa số HS sẽ khó đạt điểm cao vì phần lớn HS có kỹ năng nghị luận xã hội yếu. Bên cạnh đó, nhận thức, suy nghĩ của HS chưa đủ độ chín chắn nhưng đề thi lại đặt vấn đề cần có sự trải nghiệm “từ bỏ cũng là một lựa chọn”.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, ngữ liệu của đề thi sẽ tạo nên phản ứng ngược, làm mất ý chí phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong HS trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đề thi đưa ra một vấn đề hết sức có ý nghĩa đối với HS lớp 12 trước cánh cửa lựa chọn nghề nghiệp tương lai: chọn nghề nghiệp theo mong muốn của bố mẹ hay theo nguyện vọng, sở trường của cá nhân. Và cũng đừng nghĩ rằng chỉ mới lớp 12 thì HS không có đủ vốn sống, sự trải nghiệm và lý luận về sự “từ bỏ”, “buông bỏ”. Những “từ bỏ”, “buông bỏ” của người trưởng thành sẽ khác với một HS lớp 12, đề mở nên đáp án sẽ mở và sẽ phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò. Từ ngữ liệu của đề thi, cũng gợi mở cho HS thấy rằng, kỹ năng sống và thái độ cũng quan trọng không kém gì kiến thức khi lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, có không ít HS ngỡ ngàng vì cấu trúc đề không có câu nghị luận văn học – một nội dung trọng tâm của chương trình Ngữ văn 12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ