Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu – Giáo viên Trường THCS Đông Thái (Hà Nội): Đề thi vừa sức với học trò, các yêu cầu khá rõ, quen thuộc và không đánh đố.
Đề thi Ngữ văn được chia ra làm 2 phần:
Phần 1 (chiếm 7 điểm) được đánh giá là ra bám sát với nội dung chương trình, các câu hỏi trong bài vừa sức với học sinh, không đánh đố, có sự phủ rộng kiến thức trên cả 3 phân môn Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn. Các câu hỏi trong đề có nội dung ngắn gọn, mạch lạc, ngoài yếu tố “học thuộc lòng” cũng đặc biệt đòi hỏi kĩ năng viết bài của học sinh.
Ở phần 2 của đề Văn năm nay, dễ nhận ra được sự đổi mới trong cách ra đề của Sở GD&ĐT Hà Nội. Các câu hỏi được hướng theo dạng mở, nằm ngoài văn bản sách giáo khoa, có sự liên hệ, bám sát với thực tế. Đây là phần chiếm 3 điểm của bài, có khả năng đánh giá tư duy và phân loại học sinh.
Đề thi Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2019 - 2020 |
"Về đánh giá tổng quan, đề tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nôi năm nay vừa sức học trò, nhưng so với nhiều năm gần đây, đề vẫn trùng lặp kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức cần học sinh khám phá, bàn luận. Điều này phần nào tạo ra tâm lí học văn theo mẫu, theo công thức, giảm bớt hứng thú cho học trò khi làm bài.”, cô Thu nhận định.
Một số giáo viên thẳng thắn nêu nhận xét: Đề thi còn có nhiều câu hỏi vụn vặt, kiểu "băm chặt" văn chương. Đề có hai phần lớn mà cả 2 đều là dạng đọc hiểu, không có 1 yêu cầu nào viết 1 bài văn hoàn chỉnh... Khoan hãy nói về chất lượng đề thi, chỉ riêng cấu trúc đề như thế đã khiến học sinh học Văn theo kiểu “ăn sổi: vì các em không được yêu cầu viết 1 văn bản hoàn thiện mà chỉ cần học cách trả lời nhát gừng là được…
Và dù còn nhiều ý kiến khen, chê quanh nội dung đề thi thì về cơ bản, cách ra đề thi Ngữ văn năm nay của Hà Nội vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ của các giáo viên và học sinh, bởi đã bắt đầu có sự đổi mới cách ra đề thi theo hướng mở, kiến thức sát với chương trình… Những điều này cũng có tác động tích cực tới việc dạy và học văn trong trường THCS.