>>> Giáo viên chung cảm xúc: Đề thi Ngữ văn phân loại thí sinh, đậm hơi thở cuộc sống
>>> Đề thi và gợi ý làm bài môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2015
Báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, môn Ngữ Văn: Có 938.013 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, tổng số thí sinh dự thi là 928.949, chiếm tỷ lệ 99.03%.
Có 320 thí sinh bị kỷ luật, trong đó khiển trách 9 thí sinh; cảnh cáo 13 và đình chỉ 298 thí sinh. Không có cán bộ coi thi bị kỷ luật.
Tại một số điểm thi như trường THPT Hà Huy Tập, THCS Lê Mao, THPT VTC… của TP Vinh, dù chưa hết giờ nhưng đã có thí sinh nộp bài sớm và ra trước.
Em Nguyễn Mạnh Tuấn (Diễn Châu) cho biết: "Đối với môn Văn em không quá lo lắng vì em thi khối D, môn này chỉ cần đủ điểm trung bình là được.
Các câu hỏi như câu về đoạn thơ trích trong bài Hát về một hòn đảo hay hội chứng vô cảm trong xã hội, việc rèn luyện kỹ năng sống… đòi hỏi kiến thức thực tiễn của thí sinh. Vì thế em tuy không học giỏi văn vẫn có thể làm được theo suy nghĩ và cảm nhận của mình.
Riêng câu hỏi cuối về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì em thấy hơi khó so với sức của mình. Nói chung với đề thi này thì em thấy được 5 điểm cũng không quá khó”.
Tại điểm thi Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh) có nhiều thí sinh dự thi đăng ký thi khối C. Em Nguyễn Hoài Nam (Hưng Nguyên) - ra sớm khoảng 30 phút - cho biết:
"Em thấy đề thi năm nay khá hay. Em làm xong bài, ngồi trong phòng thi một lúc, nghĩ không làm được gì hơn nữa nên nộp bài ra về. Các câu hỏi em đều làm khá tốt, đặc biệt là câu về chủ đề biển đảo, người lính biển là câu em rất thích.
Thời gian qua, em đọc và xem nhiều về tình hình chủ quyền biển đảo của nước ta nói riêng và tình hình biển Đông nói chung. Đọc các thông tin về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo chìm Gạc Ma và các nước trên thế giới nói về biển Đông, về Việt Nam như thế nào.
Tuy nhiên, câu hỏi cuối cùng về người đàn bà hàng chài thì nằm ngoài dự đoán của em nên em bị “lệch tủ”. Tuy nhiên, tác phẩm cũng nằm trong chương trình sách giáo khoa nên em vẫn làm được”.
Mặc dù nhận định chung đề văn khá dễ và mở ra nhiều vấn đề xã hội cho học sinh bày tỏ ý kiến cũng như quan niệm, hiểu biết của bản thân, tuy nhiên, đề thi cũng có câu hỏi phân tích, bình luận văn học, yêu cầu khả năng cảm thụ văn học cũng như những kỹ năng phân tích, lập luận chặt chẽ, sâu sắc.
Thí sinh Lê Hồng Phương Chi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phấn khởi bước ra khỏi phòng thi và khoe với mẹ: “Con làm hết 11 trang giấy, lúc hết giờ cũng là lúc vừa khảo bài xong”. Phương Chi cho biết em năm nay đăng ký thi khối C, đề thi văn năm nay hay và tạo hứng thú cho thí sinh.
Riêng đối với câu hỏi cảm nhận về người đàn bà hàng chài và cách nhìn nhận cuộc sống, con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu, theo em đây là câu hỏi để phân loại thí sinh thi khối C với các thí sinh thi khối khác, bởi nó yêu cầu cảm thụ, cảm nhận về một nhân vật trong truyện, nhưng qua đó để nói lên được thái độ, quan niệm, cách nhìn nhận và phong cách nghệ thuật của một nhà văn.
Ngoài ra, đối với câu hỏi khác, không chỉ đòi hỏi thí sinh phải đọc – hiểu, trình bày các hiểu biết, quan niệm của mình, mà phải trình bày sao cho logic, chặt chẽ, giàu cảm xúc
Phương Chi cho rằng, với đề thi môn Văn hiện nay, đòi hỏi học sinh không những phải năng lực cảm thụ văn học tốt, nắm vững kiến thức Ngữ văn trong sách giáo khoa, mà còn cần phải đọc nhiều, viết nhiều, nghe thời sự cũng như hiểu biết văn hóa, xã hội, chính trị trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin khác, đặc biệt là mạng Internet. (Hồ Lài)
Mới hết 2/3 thời gian làm bài, nhưng tại các điểm thi ở TP Huế đã có rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi.
Nhiều thí sinh khi được hỏi thích thú với câu 1 của phần làm văn khi vì nêu lên quan điểm rèn luyện kỹ năng sống của giới trẻ hiện nay.
Thí sinh Hà Thư - đến từ Minh Hóa (Quảng Bình) - cho biết: Với câu 1 phần làm văn đề yêu cầu, nếu bạn nào yêu thích sinh hoạt công tác xã hội sẽ viết tốt hơn vì có vốn sống nhiều, phần này em hy vọng được 2 điểm.
Tại điểm thi trường THPT Hai Bà Trưng, các thí sinh chủ yếu thi khối A phản ánh đề dài nhưng dễ làm. Thí sinh Lê Thiên Tân (Lớp 12/A10 Trường THPT Quảng Trị) - cho biết: Ở trong phòng thi em và các bạn làm phần đọc hiểu trước rồi sau đó mới làm văn. Với đề như thế này khả năng em đạt được điểm 6.
Trong số các hội đồng thi có thí sinh ra sớm phải kể đến hội đồng trường THCS Chu Văn An, Trường ĐH Khoa học Huế, THPT Hai Bà Trưng.
Theo nhận xét của nhiều thí sinh đề thi môn Văn năm nay khá thú vị và vừa sức, bám sát đề thi minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với đề này, các thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp có thể được 5 - 6 điểm. Phần nói về việc rền luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc trích lũy kiến thức rất gần với cuộc sống rất thực tế với các bạn trẻ.
Theo thông tin từ ĐH Huế, trong sáng nay không có thí sinh nào bị đình chỉ thi. Sau khi kết thúc môn Văn rất nhiều thí sinh và người nhà đổ ra bờ sông Hương để tránh nắng, nhiều gia đình đem cơm ra đây ngồi ăn, nghỉ ngơi để đợi đến môn thi thứ 2. (Minh Ngọc)
Thanh Hóa: Thí sinh thích câu nghị luận về kỹ năng sống
Theo ghi nhận tại một số điểm thi, rất nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi sớm khi mới kết thúc hơn 2/3 thời gian thi.
Em Nguyễn Thanh Lâm ở xã Quảng Yên (Quảng Xương), dự thi tại Trường THPT Hàm Rồng cho biết: Đề Ngữ văn năm nay vừa sức, em đã hoàn thành bài thi của mình sớm và thấy hài lòng với bài thi của mình. Em tin mình sẽ đạt điểm cao môn thi Ngữ văn sáng nay.
Cùng kết thúc bài thi sớm, em Phạm Thị Dung phấn khởi nói: Em đã ôn tập kỹ môn Ngữ văn nên đề thi hôm nay không khó với em. Em đã làm rất tốt bài thi.
Riêng câu nghị luận trong đề thi về kỹ năng sống em thấy rất tâm đắc. Bởi hiện nay, thế hệ trẻ chúng em đang rất thiếu kỹ năng sống quan trọng. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ dễ mắc sai lầm trong cuộc sống.
Trong 2 ngày qua, thời tiết tại Thanh Hóa rất nắng nóng. Để tạo điều kiện cho thí sinh và người nhà thí sinh nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe, lực lượng thanh niên tình nguyện tại các điểm thi đã cung cấp nước uống, đá uống, phát cơm miễn phí, cơm giá rẻ cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Nhiều địa điểm thi đã bố trí các nhà văn hóa gần khu vực thi để phụ huynh nghỉ ngơi trong thời gian đợi con thi xong. Tại nhà văn hóa có các tình nguyện viên phục vụ nước uống miễn phí, có quạt mát. Nhiều phụ huynh không có điều kiện ở trọ lại đã ăn, nghỉ trưa tại các nhà văn hóa. (Nguyễn Quỳnh)
Những hình ảnh đẹp trong buổi thi sáng 2/7 tại một số điểm thi ở Thanh Hóa:
Gia Lai, Kon Tum: Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm
Tại điểm thi Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, phần lớn những em thi ở đây học khối A. Khi đủ 2/3 thời gian làm bài, có khá nhiều học sinh nộp bài ra khỏi phòng thi. Đa số thí sinh đều hoàn thành bài thi của mình.
Em Lê Thị Trang - Trường THPT Chuyên Kon Tum - cho biết, Những dạng đề này, bọn em đã được ôn tập nhiều ở trường. Về phần đọc hiểu trong đoạn trích Hát về một hòn đảo em rất ấn tượng câu 2 và câu 4. Còn phần làm văn, câu 1 sát thực tiễn xã hội, em làm tốt. Do em nguyện vọng là khối A, nên em làm đề Văn như vậy là thấy ổn rồi.
Em Trần Khắc Thuận (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Gia Lai), một trong những thí sinh ra sớm nhất - chia sẻ: Em nghĩ bài làm của em sẽ đạt điểm trung bình. Em làm chắc phần đọc hiểu nhất, phần còn lại em chưa tự tin lắm.
Tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, số thí sinh ra trước ít hơn nhưng phần lớn đều tự tin bài làm của mình. Nhiều thí sinh cho biết, đề có sự phân hóa, học lực trung bình dễ kiếm được điểm 6, còn các bạn chuyên về khối C có thể đạt điểm 7 hoặc 8.
“Khi xem đề Văn, em thấy như được giải tỏa được áp lực. Em rất thích loại đề đòi hỏi độ tư duy, hiểu biết xã hội như thế này. Em đã ôn tập kỹ dạng đề này ở trường cũng như ở nhà. Em nghĩ với bài làm của em, em sẽ đạt 8 điểm”- Thí sinh Trần Thanh Tùng, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, chia sẻ. (Nguyễn Dũng).
Hơn 2/3 thời gian, tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM đã có khá đông thí sinh rời phòng thi với tâm trạng rất thoải mái, vui vẻ.
Em Đỗ Thị Huyền (huyện Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Em thấy đề thi khá hay, có câu về kỹ năng sống, về người lính đảo, về thân phận người phụ nữ là những nội dung rất sát thực.
Em nghĩ với đề này thì các bạn học trung bình cũng có thể ghi điểm 5 - 6 vì đề Văn không chỉ bó buộc kiến thức sách vở mà còn có tính liên hệ với thực tiễn. Em nghĩ em được khoảng 7 điểm.
Cũng tại điểm thi này, ông Lê Tuấn Anh - Thí sinh lớn tuổi nhất tại 8 cụm thi ở TPHCM - vui vẻ rời phòng thi và chia sẻ: Tôi làm được bài, đề ra rất hay, rất sát với thực tế của các em học sinh ngày nay.
Về câu của kỹ năng sống tôi rất thích, tôi cho rằng kỹ năng sống rất quan trọng, quan trọng như kiến thức vậy, hai cái không tách rời mà hỗ trợ nhau, nhất là đối với giới trẻ ngày nay.
Tôi lấy ví dụ như bán hàng chẳng hạn, không chỉ học những lớp tập sự về bán hàng, giá bao nhiêu, món hàng này công dụng là gì, mà phải có kỹ năng giao tiếp, thân thiện mà chúng ta vẫn hay gọi là cái duyên bán hàng.
Với đoạn thơ nói về hình ảnh người lính đảo, ông Tuấn Anh cho rằng, là người lính đã gian khổ, nhưng người lính đảo lại càng gian khổ hơn, nhưng các chiến sĩ của chúng ta luôn chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, điều đó xuất phát từ trái tim yêu nước, yêu quê hương.
Không chỉ thời chúng tôi ngày xưa, mà ngày nay, các chiến sĩ trẻ ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng đang giữ vững chí khí để bảo vệ vùng biển Tổ quốc thiêng liêng. Đó là máu thịt của chúng ta.
Kết thúc môn thi, ông Tuấn Anh nhận được sự quan tâm khá lớn của giới truyền thông, đại diện Tỉnh Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã liên hệ với ông Tuấn Anh và sẽ hỗ trợ hai bố con ông xe để đi về nhà sau khi kết thúc kỳ thi.
Ông cho biết: Tôi cảm thấy rất vui, được sự quan tâm chu đáo của mọi người, thí sinh giờ đi thi được quan tâm lớn lắm khác với chúng tôi thời xưa. Tôi thầy kỳ thi này quả thật là kỳ thi đổi mới, rất hợp lý và tiết kiệm chi phí cho chúng tôi rất nhiều. (Phan Nga)
Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH sư phạm Kĩ thuật TPHCM kết thúc môn Ngữ văn:
Sáng nay, tại điểm thi trường THPT Nghèn, đội tình nguyện nhặt được giấy chứng minh nhân dân của thí sinh Nguyễn Thị Phương và đã tìm cách trả lại cho em.
Sáng nay (2/7) toàn tỉnh Hà Tĩnh tại 13 điểm thi có 7.616 thí sinh dự thi môn Ngữ Văn chỉ đề dùng kết quả xét tốt nghiệp THPT.
Điểm thi trường THPT Nghèn có 756 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, chưa hết giờ thi nhưng nhiều thí sính đã rời trường thi sớm, tâm lý thoải mái vì làm tốt bài thi, hầu hết các thí sinh đều nhận xét đề thi môn Ngữ văn năm nay tương đối vừa sức.
Là thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất, em Nguyễn Thị Hằng (Học sinh trường THPT Đồng Lộc) phấn khởi cho biết: “Đề thi không khó, nội dung đề chủ yếu nằm trong chương trình mà bọn em được ôn thi, đặc biệt em rất thích câu nghị luận “rèn luyện kỹ năng sống”, trong phòng em cũng có nhiều bạn làm tốt và ra sớm”.
Cùng chung tâm trạng với bạn Hằng, thí sinh Trần Thị Lài (Học sinh trường THPT Phú Lộc) chia sẻ: “Theo em, đề thi Ngữ Văn năm nay chủ yếu bám sát chương trình học, em thấy chỉ cần nắm chắc các kiến thức cơ bản là các bạn có thể hoàn thành tốt bài thi. Em tự tin mình sẽ được 7 điểm trở lên”.
Tại điểm thi trường THPT Nghèn sáng nay diễn ra tương đối thuận lợi, an toàn và nghiêm túc, không có hiện tượng học sinh bỏ thi. Chiều nay, tại điểm thi trường THPT Nghèn chỉ có 4 thí sinh đăng ký thi.
Tại điểm thi trường THPT Hồng Lĩnh, nhiều thí sinh rời trường thi cũng với tâm trạng thoải mái, vui mừng. Em Phan Văn Đức cho biết: “Đề thi năm nay bình thường, không khó lắm, phù hợp với năng lực bọn em. Với đề thi này không khó để có được điểm 5. (Thư Hải – Hiếu Thắng)
Đà Nẵng: Đình chỉ thi 8 thí sinh do sử dụng tài liệu
Thí sinh Hồ Văn Tuấn - HS trường THPT Nguyễn Trãi (TP Hội An, Quảng Nam), dự thi tại điểm thi trường THPT Phan Châu Trinh - nhận xét:
Câu nghị luận xã hội về việc cần thiết phải rèn luyện kỹ năng sống là rất hay và thiết thực với thí sinh. Tuy nhiên em sợ trong quá trình làm bài, em trình bày không đủ ý, em chỉ mới nói đến một số ý cơ bản như kiến thức là rất rộng lớn và tích lũy kiến thức là cần thiết và quan trọng đối với mỗi người.
Sau đó em triển khai luận điểm, ngoài kiến thức thì kỹ năng sống là rất cần thiết trong công việc cũng như các mối quan hệ xã hội; và để có kỹ năng sống thì phải có một quá trình rèn luyện chứ không phải ngày một ngày hai mà hình thành được.
Tuấn chia sẻ: Tuy đây là một vấn đề rất hay nhưng trong quá trình học và ôn tập, bọn em cứ bám vào sách vở quá nhiều, ít liên hệ thực tế nên làm nghị luận xã hội thì hơi khó.
Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Hạnh - HS trường THPT Nông Sơn (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) - cho rằng đề thi chính thức môn Ngữ văn dễ lấy điểm hơn đề minh họa, phần đọc - hiểu và nghị luận xã hội gần gũi với thí sinh, không có sự đánh đố. Kỹ năng sống thì ai cũng phải có hết nên em làm phần này cũng nhanh, không quá mất thời gian.
Còn thí sinh Lê Thị Kim Huệ - HS trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) - cho biết: Lúc đầu em không liên hệ thực tế, sau đó mới nhớ ra để bổ sung bởi ngay trong một số hoạt động ở nhà trường cũng là cơ hội để HS tích lũy các kỹ năng cần thiết như hoạt động chăm sóc các di tích lịch sử, danh thắng, tình nguyện dọn rác ở bãi biển, cắm trại…
Đầu giờ thi môn Ngữ văn, ở tất cả các điểm thi của cụm thi ĐH Đà Nẵng, thí sinh đều được giám thị nhắc nhở tuyệt đối không mang điện thoại di động phòng thi, tránh trường hợp bị đình chỉ thi một cách đáng tiếc như một số trường hợp ở ngày thi thứ nhất.
Kết thúc môn thi Ngữ văn, cụm thi số 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì có 8 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu, trong đó điểm thi trường CĐ Lương thực - thực phẩm có 6 thí sinh, 1 thí sinh ở điểm thi trường CĐ Công nghệ và 1 thí sinh ở điểm thi trường ĐH Sư phạm, hội đồng 2. (Hà Nguyên)
Tình nguyện viên tặng bánh bao, nước và sữa miễn phí cho thí sinh và người nhà tại điểm thi trường THPT Phan Châu Trinh. |
Hà Nội: Câu nào thí sinh cũng thích!
Rời phòng thi trong tâm trạng thoải mái, Nguyễn Thị Lan đến từ Trường THPT Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: Đề thi năm nay dài hơn so với năm ngoái nhưng không khó, không đánh đố học sinh, giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng.
Đề thi theo hướng mở. Câu nghị luận có sự kết hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội buộc thí sinh phải thể hiện tư tưởng tình cảm bản thân trước quan niệm sống vào bài.
Em cảm thấy thích thú trước câu hỏi suy nghĩ về người lính đảo vừa mang tính thời sự xã hội nhưng vừa dễ làm vì thời gian vừa qua được đề cập nhiều về tình hình biển đảo. Em rất yêu biển đảo nên có thể thoải mái phóng bút để viết nên những suy nghĩ của mình.
Còn Trần Thị Duyên đến từ THPT Kim Bảng (Hà Nam) chia sẻ: Đề Văn hôm nay vừa sức, thời gian làm bài thoải mái. Cấu trúc và dạng đề quen thuộc với thí sinh, không có câu nào khó hay đánh đố.
Phần chuyên sâu để phân loại thí sinh tốt nghiệp và thi đại học nằm ở câu nghị luận văn học về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Đề bài này em cũng đã từng học ở trường và hi vọng sẽ đạt điểm cao.
Đậu Lê Phong - Học sinh trường THPT chuyên KHTN (ĐHQGHN) - nhận xét: Em thấy đề Văn năm nay hay và vừa sức với học sinh, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp. Đề văn rất gần gũi với đời sống thường ngày như vấn đề biển đảo, rèn luyện kĩ năng sống.
Đề ra theo hướng mở nên em đã thoái mái bày tỏ những cảm xúc của mình, thể hiện góc nhìn của những người thế hệ trẻ chúng em trước những sự kiện thời sự của đất nước.
Tuy Văn không phải là môn thi xét tuyển vào đại học nhưng em tin rằng sẽ được điểm cao.
Kết thúc môn thi sáng nay, nhiều thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng thoải mái tự tin, dành sức cho môn thi buổi chiều. (Việt Cường)
Mặc dù là dân khối A và ra khỏi phòng thi khá sớm, nhưng thí sinh Nguyễn Thiên Hải – học sinh Trường THPT Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) – vẫn tự tin mình có thể đạt từ 5 – 6 điểm Văn.
Hải cho biết, đề thi Ngữ văn năm nay không khó. Riêng câu đọc hiểu, hầu hết thí sinh có thể làm được và dễ dàng dành được 3 điểm từ câu này.
Thú vị nhất là câu nghị luận xã hội về kỹ năng sống, với đại ý: Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng quan trọng như tích lũy kiến thức.
Thí sinh Lê Thế Hải – Học sinh Trường THPT Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng nhớ nhất câu nghị luận này. Không phải “dân” Văn nên có thể bài luận chưa đạt như ý muốn, nhưng Hải cho rằng, mình và các bạn đều rất đồng tình với ý kiến đưa ra trong bài nghị luận. Bởi vì, chính các em cũng đã đọc được rất nhiều thông tin các sinh viên ra trường hiện nay không thể kiếm được việc làm vì thiếu hụt kỹ năng sống.
“Ngoài câu nghị luận xã hội, câu hỏi về nghị luận văn học em cũng rất thích. Đề bài yêu cầu nêu cảm nhận về nhân vật người đàn bà làng chài trong một đoạn trích bài thơ Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu; đồng thời yêu cầu nêu cảm nhận, bình luận về cách nhìn cuộc sống, về con người của tác giả Nguyễn Minh Châu” – Hải chia sẻ.
Mai Hằng – Học sinh Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) – hoàn thành bài thi sau 2 tiếng. Theo nhận định của Hằng, đề thi năm nay dễ hơn đề thi đại học những năm trước và chắc chắn em có thể đạt điểm trên trung bình.
“Phòng em có lẽ hầu hết là các bạn thi khối A nên không chỉ mình em mà có đến hàng chục thí sinh xong bài từ rất sớm, các bạn chỉ thi để lấy điểm đỗ tốt nghiệp, dành thời gian nghỉ ngơi để thi môn Lý chiều nay” – Hằng cho hay (Hiếu Nguyễn)
Tại Hội đồng thi trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ra sớm trước giờ quy định, thí sinh Thái Tào Hưng – Trường THPT Đoàn Kết - chia sẻ:
Em rất thích đề thi năm nay vì kiến thức đều năm trong chương trình của sách khoa và những gì thầy, cô đã dạy. Em thích nhất câu 1, nói về biển, đảo. Thêm một lần nữa chúng em thêm yêu, thêm tự hào và thêm phần trách nhiệm để bảo vệ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Đặc biệt, mỗi một câu hỏi đều cho chúng em những cảm nhận riêng và rút ra được nhiều điều bổ ích. Đó là tinh cảm, tình yêu giữa người với người và lớn hơn là tình yêu quê hương đất nước.
Với đề thi năm nay em tin rằng sẽ có rất nhiều điểm 6, 7. Còn những bạn học khá để đạt 8, 9 sẽ không khó. Bản thân em học chuyên về các môn Toán, Lý, Hóa nhưng em tự tin mình sẽ đạt ít nhất được 6,5 điểm.
Cũng không mất đến 180 phút để làm bài thi Ngữ văn, thí sinh Hoàng Lan Hương (Trường THPT Giao Thủy - Nam Định) tâm đắc nhất câu hỏi 2 nói về rèn luyện kỹ năng sống cần thiết. Câu này chạm đúng tâm tư, nguyện vọng của học sinh chúng em và đúng như trong đề thi đã viết: “Rèn kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”.
Nhìn một cách tổng thể, đề thi năm nay khá hài hòa về nội dung và có sự phân hóa rõ ràng. Chúng em khá tự tin làm bài và không bị bỡ ngỡ vì trước đó ở trường chúng em đã được làm quen với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Em cho rằng nếu bạn nào mà học tủ sẽ bị thất bại trước đề thi được ra theo hướng mở như thế này. Em đoán em được 7 điểm môn Văn. (Sỹ Điền)