Với hơn 10 năm giảng dạy trong bộ môn Ngữ văn, tôi nhận thấy HS THCS, bắt đầu từ lớp 6, mới được làm quen với kiến thức Tiếng Việt qua bài đầu tiên “Từ và cấu tạo từ Tiếng Việt” trong SGK Ngữ văn lớp 6 ở bài 1, tuần 1, tiết 3. Ở bài học này, yêu cầu giáo viên hình thành kiến thức về từ Tiếng Việt, nhưng để giúp HS đầu cấp hiểu hơn về cấu tạo từ của Tiếng Việt, giáo viên cần cung cấp trước cho HS về đơn vị tiếng. Vì tiếng là đơn vị ngôn ngữ cấu tạo nên từ. Cứ mỗi lần phát ra được gọi là một tiếng.
Bàn như vậy để hiểu rằng, thay vì lên đến lớp 6, HS mới biết về tiếng, cách tách tiếng thì GS Hồ Ngọc Đại đi trước một bước là đưa bài tiếng vào đầu sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.
Một điều hiển nhiên mà cả xã hội đều nhận ra là trẻ em bây giờ rất thông minh, điển hình rõ nhất những clip do bố mẹ hoặc cô giáo đưa lên, các em hiểu rất nhanh và nhớ rất kĩ những bài ca dao, đồng dao, những bài thơ ngắn theo các hình khối vuông, tam giác, tròn… như trong sách quy định. Chúng ta biết rằng GD luôn đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng để dễ khắc sâu kiến thức hơn. Vả lại với độ tuổi này, các hình khối, màu sắc sẽ luôn gây hứng thú với các em và rồi sau những tiết học như thế HS lại quay trở lại cách học truyền thống. Như vậy, HS không vất vả gì và lại được tiếp cận phương pháp mới, hay hơn, cao hơn đúng như điều GD đang hướng tới là đổi mới và sáng tạo.
Tôi hoàn toàn đồng tình với sự phân tích của PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: “Ở Nga người ta cũng đánh vần, ở Mĩ ngày xưa cũng dạy chữ theo kiểu phân ra nguyên âm, phụ âm cũng theo phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại đi từ cụ thể đến khái quát, học từ âm vị, âm tiết, sau đó mới học phát âm. Tuy nhiên sau đó, họ lại chuyển sang cách học theo phương pháp như phương pháp truyền thống của ta hiện nay, đó là đọc từ trước, thuộc đã, đi từ khái quát đến cụ thể. Và bây giờ Mĩ đã tận dụng kết hợp cả hai phương pháp một cách hiệu quả nhất để học trò vừa phát âm được mà vẫn nhận diện được bảng chữ cái, chứ không loại trừ phương pháp nào”.
GD luôn lấy người học làm trung tâm, mọi hoạt động đều hướng vào người học. Những người làm GD luôn mong muốn người học phát triển toàn diện các năng lực vốn có của bản thân, nên mọi cái đổi mới luôn hướng vào mục đích đó. Đối với những đổi mới, dư luận cần có sự tìm hiểu cụ thể và cách nhìn toàn diện, với tinh thần xây dựng; không nên phát biểu theo cảm tính hoặc theo góc nhìn riêng của cá nhân, theo kiểu “thầy bói xem voi” để rồi phản đối và thủ tiêu mọi sáng tạo đổi mới, trên cơ sở nhân danh “bảo tồn truyền thống”.