Điện gió là ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, tiếp ứng cho khoảng 4% nhu cầu điện năng trên toàn cầu trong thời điểm hiện tại.
Gần 17 triệu ha (gần tương đương với diện tích quốc gia Tunisia ở Bắc Phi) đang được sử dụng để sản xuất điện gió trên thế giới và các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các nhà phát triển đang “đánh giá thấp” tác động của công nghệ này lên các đời sống hoang dã.
Trong nghiên cứu mới đây, một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế đã tìm hiểu về ảnh hưởng của việc sử dụng tuabin gió ở Ghats Tây - dãy núi và rừng kéo dài khắp khu vực bờ biển phía Tây của Ấn Độ được UNESCO ghi nhận là một “điểm nóng” về đa dạng sinh học trên thế giới.
Họ phát hiện rằng, chim săn mồi trở nên hiếm hơn gấp 4 lần tại những vùng cao nguyên có lắp đặt tuabin gió, dẫn tới sự gián đoạn đổ dọc xuống cả chuỗi thức ăn khiến mật độ và hành vi của con mồi cũng bị thay đổi. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự bùng nổ về số lượng trong quần thể thằn lằn họng quạt - con mồi ưa thích của các loài chim ăn thịt ở các khu vực bị lắp đặt tuabin gió.
Không chỉ vậy, họ còn thấy được những thay đổi đáng kể trong hành vi và ngoại hình của loài thằn lằn. Chúng sống như đang ở trong một môi trường hoàn toàn không có động vật săn mồi. “Điều đáng chú ý đối với chúng tôi là những thay đổi tinh tế về hành vi, hình thái và sinh lý học của những con thằn lằn này” - Maria Thaker, Giáo sư phụ tá đến từ Trung tâm Khoa học Sinh thái của Viện Khoa học Ấn Độ và là người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết.
Tần số xuất hiện của các loài chim ăn thịt xung quanh khu vực có tuabin gió giảm đồng thời giảm số lượng các cuộc săn của chim ăn thịt mà loài thằn lằn phải đối mặt. Kết quả là, loài thằn lằn sống trong và xung quanh các trang trại gió trở nên ít cảnh giác hơn trước các nguy hiểm mà chúng có thể phải đối mặt.
Mô phỏng lại “các cuộc săn của thú ăn thịt”, người tham gia nghiên cứu có thể tiếp cận những con thằn lằn sống trong khu vực trang trại gió gần hơn gấp 5 lần so với các cá thể sống cách xa khu vực trước khi chúng bỏ chạy.
Sau thử nghiệm, loài thằn lằn sống gần các tuabin gió được phát hiện có nồng độ hormone căng thẳng thấp hơn, điều chắc chắn mới chỉ xảy ra trong vòng khoảng 2 thập kỷ từ khi các trang trại gió được xây ở dãy Ghats Tây.
Các trang trại gió được biết là có gây hại tới các loài chim, gián đoạn tập tính di cư của chúng và gia tăng tỷ lệ tử vong trung bình. Thaker nói rằng nghiên cứu của bà đăng tải trên tờ Nature Ecology & Evolution cho thấy các trang trại gió đang đóng vai trò của “kẻ săn mồi” hàng đầu trong chuỗi thức ăn qua việc kìm hãm, khống chế các loại chim ăn thịt vốn đã ở vị trí đỉnh điểm.
Tuy nhiên, Thaker cho biết năng lượng gió là yếu tố quan trọng cho việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong thời điểm lượng khí thải carbon nhân tạo vẫn tiếp tục gia tăng. Nhưng với bằng chứng cho thấy tác động của các trang trại gió tới hệ sinh thái Trái đất lớn hơn so với những gì họ nghĩ trước đây, bà kêu gọi các nhà phát triển xem xét kỹ hơn về tác động môi trường mà các nguồn năng lượng xanh quan trọng có thể đem đến.