“Trăng khuyết” học lập trình

GD&TĐ - Bạn bè, thầy cô khi nhắc đến Nguyễn Văn Tuân – sinh viên năm thứ tư ngành CNTT Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) – đều chung nhận xét: Tuân luôn truyền năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Rạng rỡ nụ cười, Nguyễn Văn Tuân tự tin lăn xe cùng bạn bè lên giảng đường học tập mỗi ngày.

Nguyễn Văn Tuân dự định sẽ thành lập một CLB hoặc tập hợp các bạn trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi giống mình để định hướng, giúp đỡ và trang bị các kiến thức
Nguyễn Văn Tuân dự định sẽ thành lập một CLB hoặc tập hợp các bạn trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi giống mình để định hướng, giúp đỡ và trang bị các kiến thức

Xây ước mơ từ đôi tay và trí óc

Nguyễn Văn Tuân quê ở Tuyên Quang. Khi mới sinh, em vẫn bình thường như bao trẻ khác. Được gần 1 tháng tuổi, biến chứng từ một trận sốt cao đã khiến đôi chân em bị liệt hoàn toàn. Được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, thầy cô, vượt qua những khó khăn của một người khuyết tật, 12 năm học phổ thông, Tuân đều là học sinh khá giỏi ở trường.

Ngay từ lớp 10, Tuân đã suy nghĩ về tương lai của mình, nên học ngành nghề nào, lựa chọn ngôi trường học đại học ở đâu… Biết được trăn trở của cậu học trò nghị lực, một cô giáo ở trường đã giới thiệu Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Thái Nguyên (ICTU) cho Tuân .Cô nói: “Lĩnh vực đào tạo về CNTT của trường có thể tạo điều kiện cho các sinh viên thiệt thòi có nhiều cơ hội học tập hơn ở các lĩnh vực khác. Có nhiều sinh viên học CNTT đạt thành tích học tập rất cao. Sau khi tốt nghiệp, em có thể tìm được việc làm trong môi trường phù hợp…”. Và cậu học trò miền núi đã nung nấu quyết tâm theo học ngành công nghệ thông tin, mong với đôi tay và trí óc của mình sẽ giúp ích cho gia đình, xã hội.

May mắn đã đến với Tuân khi ICTU đồng ý tiếp nhận, vào học sau khi xem xét thành tích học tập THPT và thấu hiểu khao khát học tập của cậu. Biết được hoàn cảnh gia đình của Tuân, nhà trường còn miễn học phí, hỗ trợ kinh phí ở kí túc xá cho Tuân yên tâm học tập.

Nguyễn Văn Tuân chụp ảnh kỷ yếu cùng các bạn trong lớp
  • Nguyễn Văn Tuân chụp ảnh kỷ yếu cùng các bạn trong lớp

Hạnh phúc với môi trường học tập sẻ chia

Nhìn lại quãng đường mình đã đi qua để đến được giảng đường đại học hôm nay, Nguyễn Văn Tuân chia sẻ: “Em rất bất ngờ và biết ơn. Vì những điều hiện tại em có được là những gì em chưa từng dám nghĩ đến trong quá khứ. Em được xã hội ghi nhận, được thầy cô, bạn bè yêu mến, săn sóc và giúp đỡ. Và đặc biệt là sự ủng hộ vững chắc từ phía gia đình, là niềm động lực lớn lao nhất. Mọi người luôn cổ vũ, thôi thúc bản thân em tiến về phía trước, hướng về phía trước. Dù là chuyện không vui, nhưng cách ta đón nhận theo hướng tích cực sẽ khiến mọi thứ xung quanh mình tích cực hơn”.

Ở Trường ICTU, các giảng viên, sinh viên luôn giúp đỡ, tạo điều kiện cho các sinh viên khuyết tật có môi trường thuận lợi để học tập. Gặp Nguyễn Văn Tuân cùng bạn bè ở trường sẽ cảm nhận được sự sẻ chia, chăm sóc của bạn học với Tuân. Như khi cậu đến tòa nhà trung tâm của trường, để xe lăn ở ngoài sân, một cậu bạn cùng lớp đã nhiệt tình ghé vai cõng Tuân lên thang gác. Vừa đi hai người vừa cười nói rôm rả. Đưa bạn vào phòng, cậu bạn tìm chỗ ngồi cuối phòng đợi Tuân xong việc để đưa bạn xuống sân trường. Mọi việc cứ tự nhiên như thế, không cần đến lời nhờ giúp.

Nguyễn Văn Tuân luôn nhớ như in kỷ niệm giữa cậu và một sinh viên học khoá trên tên Nguyễn Văn Quân. Tình cờ Tuân biết đến anh Quân khi tham gia CLB Tin học của trường khi học năm thứ nhất. Do điều kiện gia đình chưa cho phép nên Tuân chưa mua được máy tính để phục vụ cho việc học tập. Biết hoàn cảnh của cậu sinh viên nghèo, Quân đã không ngần ngại chia sẻ chiếc máy tính của mình cho Tuân mượn để cậu yên tâm hơn khi làm các bài tập thực hành.

Nguyễn Văn Quân đang là giảng viên trong trường. Anh vẫn luôn hỏi thăm Tuân và sẵn lòng giúp đỡ cậu trong điều kiện cho phép. Với Nguyễn Văn Tuân, thầy giáo Quân và những thầy cô giáo khác như những người thân yêu đã dốc tâm sức giúp cậu trưởng thành qua mỗi bài

giảng, thêm nghị lực để học tập và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Để không phụ lòng của thầy cô, bạn bè, gia đình, Tuân luôn cô gắng học thật giỏi. Năm thứ ba vừa qua, Tuân là sinh viên giỏi của Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông. TS Nguyễn Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường – yêu mến nhận xét về cậu học trò của mình: “Nguyễn Văn Tuân rất lạc quan, tự tin vượt qua các thách thức trong học tập và cuộc sống. Hiện em là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Tin học của trường, là tấm gương vượt khó học giỏi cho nhiều sinh viên noi theo. Tôi tin rằng, Tuân sẽ thành công trong bước đường sắp tới”.

“Em mong những người bạn có hoàn cảnh thiệt thòi giống em hãy luôn sống tích cực, nghĩ tích cực, hãy luôn có niềm tin yêu vào cuộc sống. Vì cuộc sống vẫn còn tồn tại những điều rất tươi đẹp, như quãng đời sinh viên em đang trải qua. Chỉ cần chìa cánh tay ra mọi người sẽ nắm lấy tay bạn. Cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc đời” - sinh viên Nguyễn Văn Tuân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...