Trước bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, việc trang bị năng lực số cho ngành Sư phạm hết sức quan trọng.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Bộ GD&ĐT ngày 10/5/2022 ban hành Quyết định 1282/QĐ-BGDĐT về kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó yêu cầu bổ sung quy định về năng lực số vào tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Cụ thể, Bộ chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025 như rà soát, bổ sung quy định về năng lực số vào các văn bản quy định chuẩn/tiêu chuẩn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục…
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi ngành Sư phạm không chỉ cần kiến thức, kỹ năng, mà còn phải thích ứng được với việc giảng dạy trong kỷ nguyên số. Đây được xem là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới.
Tại Hội thảo Giáo dục kỹ năng số trong nhà trường phổ thông Việt Nam - Công bố báo cáo tác động Chương trình Tư duy thời đại số, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết, hiện có khoảng 70% người Việt Nam sử dụng Internet, 67% người sử dụng mạng xã hội. Việt Nam cũng nằm trong top 10 của thế giới về sử dụng mạng xã hội.
Một con số thống kê khác cũng cho thấy, cứ 10 người sử dụng Internet ở Việt Nam thì có 3 là thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi và đây cũng là vấn đề cần phải quan tâm.
Như vậy, mỗi người hay mỗi học sinh đều có cả cuộc sống thực và cuộc sống ảo. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị để hướng dẫn sử dụng cũng như bảo vệ các em trên môi trường Internet một cách an toàn, hiệu quả.
Nguy hại khi chưa được trang bị đủ năng lực số
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của năng lực số đối với giáo viên hiện nay, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, từng công dân trong xã hội phải có những kỹ năng số cơ bản như sử dụng thành thạo công nghệ số, tìm kiếm, xử lý, xác định nguồn gốc thông tin phục vụ cho hoạt động học tập, làm việc và tương tác trong xã hội số. Mỗi cá nhân phải có năng lực tự học trong xã hội số; sử dụng thiết bị thông minh cầm tay để có thể học được mọi lúc, mọi nơi.
Chính vì vậy, giáo viên, những người đào tạo ra một thế hệ công dân mới với kỹ năng số cơ bản cũng phải có khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn, phù hợp để phục vụ cho công việc giảng dạy, phát triển nghề nghiệp.
“Nói một cách ngắn gọn, giáo viên trong kỷ nguyên số phải có năng lực TPACK (Technological Pedagogical Content Knowledge) gồm 3 thành tố chính là kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực dạy học, phương pháp sư phạm và công nghệ thông tin để hỗ trợ triển khai các ý tưởng dạy học cũng như phương pháp dạy học cụ thể. Qua đó biến bài học thành trò chơi, lấy nội dung bài học làm luật chơi, sử dụng các ứng dụng công nghệ như là đồ chơi và giáo viên sẽ tham gia để trở thành người cùng chơi”, PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, không nên hiểu năng lực số chỉ là năng lực sử dụng máy tính và các ứng dụng công nghệ. Vì nếu thiếu các thành tố như năng lực thông tin, năng lực truyền thông cùng các phẩm chất khác như thấu cảm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và đổi mới thì rất có thể sẽ dẫn đến những hiện tượng như giáo viên vô tư dạy trẻ nhảy nhót, uốn éo trên các nền nhạc mạng xã hội TikTok.
Hành động giáo viên hưởng ứng như vậy gây phản cảm, không có tính giáo dục và cho thấy vấn đề đang tồn tại là nhiều giáo viên chưa được trang bị đủ năng lực số, không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng đến học sinh...
8 khía cạnh giáo dục năng lực số cho giáo viên
Về đào tạo, chuyên gia Trần Thành Nam nhận xét, cần phải thiết kế bồi dưỡng cho giáo viên năng lực số trên cơ sở đối sánh với khung năng lực công dân số các quốc gia trên thế giới. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra cần giáo dục năng lực số cho giáo viên trên 8 khía cạnh.
Một là vận hành thiết bị và phần mềm với các nội dung hướng dẫn giáo viên vận hành thiết bị, phần mềm và các ứng dụng dịch vụ số.
Hai là khai thác thông tin và dữ liệu gồm cách xác định nhu cầu thông tin, bản chất và mức độ của thông tin cần thiết; tìm kiếm thông tin hiệu quả; đánh giá được thông tin; tổ chức trình bày thông tin phù hợp.
Ba là giao tiếp và tương tác trong môi trường số, trong đó bao gồm hiểu quy tắc ứng xử và giao tiếp trên môi trường số; giao tiếp trên môi trường số theo chuẩn mực pháp luật; quản lý rủi ro trong giao tiếp số; xây dựng hình ảnh cá nhân trong môi trường số; thực hành quyền và dịch vụ công qua nền tảng số.
Bốn là an toàn và an sinh số, gồm kiểm soát dấu chân số của bản thân và người khác; bảo vệ danh tính số và quyền riêng tư; duy trì an sinh số; bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng thiết bị và dịch vụ số.
Năm là sáng tạo nội dung số, gồm thực hành tư duy đổi mới sáng tạo; tạo lập nội dung số mang tính giáo dục; áp dụng các cơ sở pháp lý trong xây dựng, phát triển và sử dụng nội dung số; năng lực ngôn ngữ lập trình cơ bản.
Sáu là phát triển kỹ năng số gồm các cấp độ năng lực số trong học tập và phát triển kỹ năng số; các kiến thức thực tế và hướng dẫn thực hành; một số khái niệm quan trọng cần biết trong đào tạo trực tuyến; làm thế nào để có thể tự học hiệu quả trên môi trường số; giới thiệu và thực hành học tập trên một số nguồn học trực tuyến tiêu biểu.
Bảy là sử dụng năng lực số trong phát triển nghề nghiệp.
Và cuối cùng là các phẩm chất cần thiết trong thế giới số gồm: Sáng tạo, tự định hướng, tư duy phản biện, hợp tác, thấu cảm, linh hoạt, khả năng thích ứng, phán đoán và ra quyết định.