Điều này mở ra không ít cơ hội đối với sinh viên trong quá trình đào tạo và tự đào tạo.
Nên tích hợp vào chương trình đào tạo
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhìn nhận: Học sinh, sinh viên Việt Nam có đầy đủ tố chất và cơ hội để phát triển một cách toàn diện trong môi trường số. Đặc biệt, sinh viên từ 18 - 22 tuổi sẽ là trụ cột, chủ nhân của đất nước, nên việc được trang bị năng lực số để chuẩn bị gia nhập vào thị trường lao động vô cùng quan trọng.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho hay, từ tháng 7/2020, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (USSH) đã triển khai Dự án nâng cao năng lực số cho sinh viên. Sau 2 năm đã đạt được kết quả như: Xây dựng Khung năng lực số dành cho sinh viên đầu tiên tại Việt Nam. Khung năng lực được các đơn vị đào tạo trong nước tham khảo để xây dựng chương trình phát triển năng lực số cho sinh viên.
Nhà trường cũng thành lập Câu lạc bộ “Nhân văn số” nhằm tạo sân chơi cho các bạn trẻ USSH phát triển năng lực số và giải quyết vấn đề của họ trong thế giới số. Tích hợp nội dung chương trình Tư duy thời đại số của Facebook vào học phần “Nhập môn năng lực thông tin”, đào tạo cho gần 3.000 sinh viên toàn trường.
Cùng với đó, USSH đã xây dựng và phát hành rộng rãi Cẩm nang phát triển năng lực số cho sinh viên. Đồng thời, xây dựng nội dung học phần năng lực số để đưa vào giảng dạy trong Chương trình đào tạo cử nhân ngành quản lý thông tin, tại Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Biên soạn sách chuyên khảo “Năng lực số” phục vụ đào tạo sinh viên ngành quản lý thông tin nói riêng, cho sinh viên, học viên trong cả nước nói chung.
Khẳng định, nguồn nhân lực số là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nhấn mạnh, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số có vai trò quan trọng đối với cơ sở giáo dục đại học. “Chúng tôi mong muốn, các đơn vị quan tâm và thúc đẩy hơn nữa việc nâng cao năng lực số cho sinh viên” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần xây dựng chính sách, cơ chế để năng lực số được coi trọng đúng mức, tích hợp vào nội dung chương trình đào tạo, trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc của chuẩn đầu ra đối với sinh viên. Các cơ sở đào tạo có thể lồng ghép chính sách về phát triển năng lực số cho sinh viên vào khuôn khổ chính sách về giáo dục, đào tạo của Bộ GD&ĐT hoặc chính sách công nghệ thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Trang bị tư duy phản biện và kỹ năng số
Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta - chia sẻ, Tập đoàn đã hỗ trợ thiết kế và đưa môn học về năng lực số có tính tín chỉ vào giảng dạy cho sinh viên. “Đây là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng xã hội số. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy một thế hệ công dân số có trách nhiệm, được trang bị tư duy phản biện và kỹ năng số để tự tin tham gia môi trường trực tuyến một cách an toàn; sẵn sàng tiếp cận nghề nghiệp tương lai và trở thành nhân tố đổi mới sáng tạo” - ông Ruici Tio nhấn mạnh.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới, chuyển đổi số sẽ là một trong những xu hướng nổi bật về lao động và các trường đại học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Chia sẻ điều này, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - đồng thời nhấn mạnh: Việc cần làm lúc này là khẳng định tầm quan trọng của năng lực số đối với nhà lãnh đạo, quản lý, nhà giáo dục và các bậc phụ huynh; xem xét tác động của các chính sách ở tầm vĩ mô đối với sự phát triển năng lực số của công dân, nhất là thanh, thiếu niên. Đồng thời, kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường đại học, nhóm nghiên cứu.
“Năng lực số cần đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận; thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số của công dân dựa trên khung năng lực số tương ứng với nhóm đối tượng cụ thể” - PGS.TS Phạm Bảo Sơn đặt vấn đề.
Còn theo TS Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT), nhiều hoạt động giáo dục đại học được triển khai thông qua công nghệ và nền tảng số. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội đối với sinh viên trong quá trình đào tạo và tự đào tạo. Từ đó cho thấy, chuyển đổi số có nhiều ưu điểm nổi bật như: Mở rộng đối tượng người học; giảm chi phí đào tạo. Mặt khác, tạo môi trường học tập có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học; cá nhân hóa quá trình học, hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ…
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với các lĩnh vực nói chung và giáo dục đại học nói riêng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số; thiếu kiến thức về năng lực công nghệ số; tâm lý e ngại trong an ninh và bảo mật thông tin, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đủ đáp ứng…
Để đáp ứng được chuyển đổi số, theo TS Nguyễn Sơn Hải, bên cạnh đòi hỏi về hạ tầng công nghệ, thiết bị, phần mềm giảng dạy và học tập, đòi hỏi cán bộ quản lý, giảng viên; đặc biệt là người học cần có tư duy thích ứng và chấp nhận những thay đổi của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo. Đồng thời, biết cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn một cách phù hợp.
Theo TS Nguyễn Sơn Hải, nhiều công nghệ dạy học được áp dụng trong việc tổ chức, quản lý tại trường đại học, học viện, trường cao đẳng. Tuy nhiên, năng lực số của sinh viên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, nâng cao hơn nữa năng lực này cho sinh viên là việc làm cấp thiết để thích ứng và cập nhật với những biến đổi mạnh mẽ của bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.