Trước đây, địa phương nào cũng có ít nhất 9 tháng tổ chức dạy học trực tiếp; nhưng nay “tài sản” này không những chẳng giống nhau ở mỗi địa phương, mà có khi các trường trong mỗi địa phương cũng khác. Cũng bởi vậy, chưa bao giờ sự chủ động, linh hoạt của mỗi cơ sở giáo dục, thầy cô giáo lại quan trọng đến thế. Không thể có cách làm, giải pháp giống nhau giữa các nhà trường. Giải pháp khác nhau nhưng đều trên tinh thần tận dụng được tối đa, hiệu quả nhất quỹ thời gian được tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh.
Đơn cử, Vĩnh Phúc tận dụng “thời gian vàng” 2 tuần trước khai giảng năm học mới để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1; nhờ vậy trẻ có thể học được ngay kiến thức theo chương trình khi vào năm học. Thanh Hóa tranh thủ thời gian dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện tăng tiết, tăng buổi, có thể dạy cả ngày nghỉ… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Thái Bình bố trí cho học sinh đến trường trước khai giảng để tranh thủ học trực tiếp; thậm chí địa phương này còn tận dụng 1/2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh để dạy học…
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học với giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học. Trong đó, bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động tổ chức thực hiện nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Chủ động về phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi, ứng phó kịp thời với diễn biến của dịch bệnh. Giáo dục trung học ưu tiên học trực tuyến với nội dung mang tính lý thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là với nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến.
Giáo viên dạy học ở “vùng xanh” đang chạy đua với thời gian, truyền đạt kiến thức trọng tâm hiệu quả nhất khi học sinh được đến trường. Bên cạnh tham gia cùng tổ nhóm chuyên môn điều chỉnh kế hoạch dạy học, đa dạng hóa hình thức dạy học, ưu tiên nội dung quan trọng…, thầy cô tập trung ngay vào nội dung cốt lõi của mỗi bài học để thực hiện trực tiếp trên lớp; các nội dung khác sẽ được triển khai bằng nhiều hình thức: Hướng dẫn tự đọc, tự làm, giao nhiệm vụ, giao bài tập sau đó kiểm tra, chữa...
Tranh thủ trang bị, hướng dẫn học sinh phương pháp học tập hiệu quả ở lớp và tự học ở nhà, để tình huống bất lợi xảy ra không bị động; kết hợp giới thiệu, hướng dẫn học sinh sử dụng các hình thức dạy học khác để khi cần có thể chủ động chuyển hướng ngay. Nhiều thầy cô chia sẻ không quản khó, ngại khổ, sẵn sàng dạy nhiều thời gian hơn trong ngày… Tinh thần cống hiến đáng quý ấy giúp chúng ta có niềm tin ngành Giáo dục sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong năm học đầy khó khăn này.