Song song đó, phương án dạy học trực tuyến cũng được xây dựng để có thể linh hoạt chuyển trạng thái khi dịch bệnh phức tạp, học sinh không thể đến trường.
Tranh thủ “thời gian vàng”
Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ hiện nằm trong khu vực tương đối an toàn nên tranh thủ thời gian vàng để tổ chức dạy học trực tiếp. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Nội dung dạy học tập trung vào chương trình chính khóa, chưa tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm thực tế, ngoại khóa...
Trường tổ chức dạy 2 buổi trên ngày vào thứ 2, 4, 6; các buổi chiều thứ 3, 5, 7 tập huấn nền tảng dạy và học online cho giáo viên và HS, nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi dịch bệnh phức tạp thầy và trò sẽ thuần thục kỹ năng dạy và học online, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học theo quy định.
“Cán bộ, giáo viên và HS nhà trường đều nhận thức rõ: Trong thời gian dạy trực tiếp phải hết sức cố gắng, làm việc, học tập với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao. Tập thể nhà trường xác định thực hiện thành công đồng thời 2 nhiệm vụ: Dạy học tốt và phòng dịch tốt” - thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Không chỉ tại Trường THPT Tân Sơn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều quán triệt tinh thần này. Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho biết: Nội dung tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp được thể hiện trong nhiều văn bản của tỉnh và ngành Giáo dục địa phương, trong đó có Chỉ thị của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Theo đó, trong khi dịch bệnh đang được kiểm soát, các cơ sở giáo dục tranh thủ dạy học trực tiếp chương trình chính khóa; tập trung vào những nội dung kiến thức cốt lõi, cơ bản.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc “tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát” - được nhấn mạnh trong Chỉ thị về Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19 và các Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học các cấp, Sở GD&ĐT Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh bố trí cho HS đi học sớm khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát khá tốt tại địa phương. Cụ thể, từ ngày 23/8 tất cả HS từ lớp 1 - 12 của tỉnh đã tựu trường; trong đó HS lớp 2 đến lớp 12 bắt đầu học tuần đầu tiên của năm học mới.
“Tranh thủ thời gian “vàng” này, chúng tôi chỉ đạo các trường tổ chức dạy nội dung cơ bản, cốt lõi không thể thực hiện thông qua trực tuyến. Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh vừa qua, thay vì nghỉ 4 ngày, ngành Giáo dục Thái Bình quyết định chỉ nghỉ một ngày 2/9 và từ ngày 3/9 tổ chức dạy học lại bình thường” - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho hay.
Linh hoạt chuyển trạng thái
Không thuận lợi như Thái Bình, các HS của tỉnh Thừa Thiên - Huế sau lễ khai giảng qua truyền hình, từ ngày 6/9 học chính thức qua truyền hình và trực tuyến. Cụ thể, HS khối 1, 2, 6 học trên truyền hình tỉnh, với khung giờ phù hợp với thời gian để phụ huynh có thể hỗ trợ.
Khối 1 từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút, khối 2 từ 20 giờ đến 21 giờ, khối 6 lớn hơn có thể tự học, được bố trí vào khung giờ buổi sáng. Các khối lớp còn lại được tổ chức dạy học online. Hoạt động dạy online, trên truyền hình này sẽ kéo dài đến khi dịch Covid-19 tại Thừa Thiên - Huế được kiểm soát trở lại.
Cụ thể hóa chủ trương “linh hoạt chuyển trạng thái để thích ứng và giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh”, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, cho hay: Sở GD&ĐT xây dựng nhiều phương án dạy học trực tiếp khi dịch ổn định và gián tiếp khi dịch phức tạp. “Những hướng dẫn mang tính mở của Bộ GD&ĐT khi cho phép địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn để chủ động, linh hoạt quyết định sử dụng hình thức, cách thức tổ chức dạy học cho phù hợp, hiệu quả” – ông Nguyễn Tân nói.
Cũng nhờ “tính mở” trong các chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT mà Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang khi ban hành các văn bản chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cho năm học mới và phương án dạy học trực tuyến cho từng cấp, cũng để “mở” nhiều phương án để cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn.
Chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Nam, với giáo dục mầm non, sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là không dạy học trực tuyến. Đối với cấp tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng đưa ra 3 phương án để nhà trường thực hiện “khi dịch được kiểm soát tốt”, “khi HS phải nghỉ học do thực hiện giãn cách xã hội” và “khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và không còn quỹ thời gian để đẩy lùi kết thúc năm học”.
Tại Cà Mau, theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đã lưu ý các công việc mà cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh tập trung hoàn thành từ ngày 6 - 11/9.
Trong đó có việc thủ trưởng đơn vị, trường học khẩn trương phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ dạy học trực tuyến cài đặt, tập huấn sử dụng phần mềm dạy học cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên; tạo xong lớp học trực tuyến đúng với lớp học thực tế tại trường; cấp tài khoản cho từng HS của lớp để truy cập khi học trực tuyến.
Ban giám hiệu và giáo viên kịp thời hướng dẫn HS thực hành thao tác, hướng dẫn HS ôn tập, làm quen việc học trên môi trường mạng để chủ động khi triển khai học chương trình chính khóa ở các lớp học trực tuyến.