"Thời gian vàng" dạy học trực tiếp
Sáng 6/9, Trường Tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An đã nhanh chóng đón học sinh trở lại đi học trực tiếp, khi toàn huyện thực hiện Chỉ thị 19 từ 0h cùng ngày.
Trước khi vào cổng trường, học sinh đeo khẩu trang, được phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Cô Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước đó, mặc dù không tựu trường tập trung, nhưng giáo viên và phụ huynh cũng đã chia nhau đến dọn dẹp, phát quang, vệ sinh khuôn viên, lớp học. Đồng thời phun khử khuẩn để phòng trừ nguy cơ các loại dịch bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa.
Nhà trường cũng đã chủ động đưa ra các phương án dạy học tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, nếu vẫn áp dụng chỉ thị 15, thì dạy học trực tiếp nhưng chia ca để đảm bảo giãn cách. Vì vậy, dù lễ khai giảng vẫn tổ chức trực tuyến, nhưng nhận thông tin từ 0h ngày 6/9 thực hiện chỉ thị 19, nhà trường đã chủ động, nhanh chóng tổ chức đón học sinh trở lại trường.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà trường vẫn chia 2 ca sáng – chiều đối với trường chính. Còn 2 điểm lẻ với bản Đồng Tiến và Yên Hòa do số lượng học sinh mỗi lớp đều dưới 20 em nên học 1 ca.
Nhà trường cũng đã phân chia danh sách lớp theo ca, gửi về từng thôn bản, để trưởng bản đọc trên loa phát thanh cho người dân, phụ huynh nắm bắt.
“Chúng tôi xác định tận dụng thời gian dạy học trực tiếp để cung cấp kiến thức cho học sinh. Khảo sát năng lực và dạy bổ sung, phụ đạo cho những em quên kiến thức cũ hoặc tiếp thu chậm. Giáo viên của nhà trường cũng rất quyết tâm, sẵn sàng dạy 2 – 3 ca/ngày kể cả buổi tối. Bởi với bậc tiểu học, nhất là trường vùng cao, học sinh DTTS thì chỉ dạy trực tiếp mới đảm bảo hiệu quả giáo dục tốt nhất”, cô Trương Thị Xuân nói.
Ông Lê Thanh An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cũng cho biết, thực hiện chỉ thị 19, Phòng đã chỉ đạo tất cả trường Tiểu học, THCS trên địa bàn dạy học trực tiếp cho học sinh trên cơ sở thực hiện 5K phòng dịch. Còn đối với bậc mầm non hiện đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
“Đây là thời gian vàng mà các nhà trường cần tận dụng để dạy học cho học sinh. Song song với đó, chuẩn bị các điều kiện để tập duyệt dạy học online”, ông Lê Thanh An khẳng định.
Bởi dịch bệnh khó lường, trường hợp diễn biến phức tạp, địa phương thực hiện chỉ thị 15, Phòng sẽ chỉ đạo bậc tiểu học tiếp tục dạy học với điều kiện chia ca, chia lớp đảm bảo giãn cách, còn dạy học trực tuyến với THCS. Nếu áp dụng chỉ thị 16, việc dạy học sẽ chuyển hoàn toàn sang dạy học trực tuyến và kết hợp hình thức giao bài cho học sinh vùng khó khăn, điểm bản lẻ.
Khó khăn với trường bán trú
Sáng 6/9, Trường Tiểu học Thông Thụ 2 (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) đón học sinh tập trung trở lại ở cả điểm chính, lẫn bản lẻ Cà Na và Mường Piệt. Việc dạy học được chia 2 ca, đồng thời giãn cách mỗi lớp không quá 20 em.
Theo thầy Tăng Xuân Sơn - Hiệu trưởng nhà trường - việc tổ chức dạy học trực tiếp dù vất vả nhưng thuận lợi hơn nhiều so với dạy trực tuyến, nhất là ở xã biên giới Thông Thụ với hầu hết học sinh DTTS. Bên cạnh đó, nhà trường đang thực hiện kế hoạch dồn học sinh lớp 3-4-5 về điểm chính để thuận lợi dạy học chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc tổ chức bán trú rất khó khăn.
Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tổ chức bán trú theo hình thức nội trú, tập trung toàn bộ học sinh lớp 3,4,5 và một phần học sinh lớp 2 về điểm trường chính dạy học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhà trường phải tạm dừng tổ chức bán trú, thay vào đó, học sinh ở bản nào thì học ở bản đó. Mỗi ngày học 2 ca sáng chiều.
Để đủ giáo viên đứng lớp, nhà trường ưu tiên khối 1 được học riêng. Còn lại sắp xếp lớp ghép 2-3 và 4-5.
Thầy Nguyễn Thế Vĩnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi chuyển về học điểm lẻ thì điều lo lắng nhất là thiếu giáo viên. Bởi khi chia ca, số tiết mỗi giáo viên dạy học phải tăng gấp đôi, điều này các thầy cô có thể cố gắng, nhưng việc đi lại, di chuyển giữa các điểm bản lẻ cách xa nhau rất vất vả, và khó sắp xếp thời khóa biểu.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, bàn ghế cũng không đủ, nhiều lớp học học sinh phải ngồi tạm trên ghế không có bàn, nơi ăn chốn nghỉ cho giáo viên cũng khó bố trí. Đặc biệt, việc bố trí giáo viên các môn đặc thù sẽ không thể thực hiện được vì thiếu giáo viên.
Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đã chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 19, các hoạt động, sinh hoạt của người dân đã về bình thường. Các trường học cũng đang mong muốn sớm ổn định dạy học, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc bán trú.
Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng cho rằng: Việc các trường tổ chức dạy học ở điểm lẻ chỉ là giải pháp tạm thời. Nhất là khi phần lớn cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã chuyển sang mô hình trường bán trú, tập trung đầu tư cho điểm chính để dồn ghép học sinh. Hiện dịch bệnh tại Kỳ Sơn đã cơ bản kiểm soát, Phòng sẽ làm việc với UBND huyện đưa ra phương án dạy học thích hợp theo tình hình mới.
Qua rà soát, Kỳ Sơn vẫn đang còn 7 trường học được sử dụng để làm khu cách ly tập trung. Do đó, nếu việc học tập trung được triển khai huyện cũng cần sớm có phương án trả lại cơ sở vật chất cho các nhà trường.