Trăn trở với “Làm vua”

GD&TĐ - Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa ra mắt khán giả vở tuồng “Làm vua” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể: Sỹ Chức, đạo diễn: NSND Hoài Huệ).

Vở tuồng “Làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề thời sự về trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia. Ảnh: Bình Thanh.
Vở tuồng “Làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề thời sự về trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia. Ảnh: Bình Thanh.

Thật thú vị khi vở tuồng không chỉ mạnh dạn đặt ra nhiều vấn đề thời sự mà còn đem lại những tranh luận sôi nổi.

Vở tuồng “Làm vua” kể về giai đoạn đầu gây dựng nền tự chủ nước Đại Cồ Việt sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc của vua Đinh Tiên Hoàng. Thế nên, xuyên suốt vở diễn không phải là câu chuyện về anh hùng ra trận mà là những nỗi trăn trở của người nắm vận mệnh đất nước về việc tề gia, trị quốc thế nào để vừa tránh được thù trong, giặc ngoài vừa giữ được nền thái bình cho muôn dân.

Có 2 câu chuyện ngoài chính sử (chuyện truyền miệng trong dân gian) đã được “Làm vua” dẫn dụ để làm cái cớ cho vua Đinh vừa giãi bày tấc lòng vì dân, vì nước vừa thể hiện sự tài trí, mưu lược, nhất là cách ông ứng xử với người thân của mình. Đó là chuyện công chúa Phất Kim bị vua cha ép hôn với Ngô Nhật Khánh (một trong 12 sứ quân quy phục theo nhà Đinh) và chuyện hoàng hậu Dương Vân Nga đã từng là cô thôn nữ hẹn ước với thập đạo tướng quân Lê Hoàn.

Cam lòng hy sinh tất cả các con!

Với chuyện của công chúa Phất Kim, người xem được thấy một Đinh Tiên Hoàng trong “Làm vua” bề ngoài thì cương quyết, không hề giao động trước những lời can ngăn có cả không ít oán trách của Nam Việt Vương Đinh Liễn – anh trai công chúa Phất Kim: “Phụ hoàng đã tấn phong thân mẫu của Ngô Nhật Khánh là hoàng hậu. Ngô Nhật Khánh lại là anh ruột của vợ con.

Giờ lại là Phất Kim kết hôn với Ngô Nhật Khánh. Từ xưa tới nay, chưa từng có chuyện ba cha con kết hôn cùng ba mẹ con”. Thế nhưng, ông đanh thép đáp lại rằng, nếu ngày xưa chưa có thì “giờ diễn ra thì có làm sao?” và “Nay ba cha con cùng hợp hôn với ba mẹ con họ Ngô thì đâu có phải loạn luân, đâu trái với cương thường, đạo lý”.

Không chỉ thế, với Đinh Tiên Hoàng, “điều bình thường hợp lẽ tự nhiên chắc gì đã tốt. Có những điều bất thường trái lẽ tự nhiên đã mang lại những lợi ích lớn lao”. Rồi ông nhắc lại chuyện xưa khi chính ông không chịu hàng 2 vị vua Ngô (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn) nên đã hạ lệnh cho cung thủ bắn vào con mình (Đinh Liễn) đang bị nhà Ngô giữ làm con tin là trái với đạo cha con. Nhưng kết quả cuối cùng lại là Đinh Liễn được thả về và nhà Ngô rút quân.

Đấy là cái lý dạy con của vua Đinh khi ông ở bậc quân vương. Còn thẳm sâu trong ông lại là nỗi buồn thăm thẳm của người cha khi biết rằng mình đã ép duyên các con. Nhất là với công chúa Phất Kim, ông đã ép con gái gửi gắm cuộc đời mình cho Ngô Nhật Khánh – một bại tướng không hẳn đã một lòng, một dạ quy thuận với triều đình nhưng vẫn mang rất nhiều hiềm khích, dã tâm nổi loạn.

Thế nhưng, chính mối hiểm nguy ấy lại càng thôi thúc vua Đinh tính nước cờ hôn nhân chính trị: Khi trở thành phò mã, có được người vợ hiền thục, xinh đẹp, bại tướng này sẽ gạt bỏ âm mưu phản loạn, để non nước được bình yên, dân chúng không phải chịu những cảnh ly tán, lầm than vì chiến tranh.

Vậy nên, dù lòng không hề muốn, dù phải mang tiếng là người cha không thấu hiểu nỗi lòng của con, đang tâm chia loan rẽ thúy nhưng Đinh Tiên Hoàng quyết không thay đổi nước cờ. Và khán giả đã dành nhiều tràng pháo tay tán thưởng với phân cảnh vua Đinh Tiên Hoàng trả lời “đối chất” của Nam Việt Vương Đinh Liễn lúc đón công chúa Phất Kim bị Ngô Nhật Khánh làm phản, đối xử tệ bạc giữa trùng khơi trở về.

Khi Nam Việt Vương Đinh Liễn oán thán cha mình đã ép duyên công chúa Phất Kim khiến cho nàng phải chịu khổ đau, ông vẫn khảng khái trần tình trong căm phẫn và day dứt, rằng: “Giết phản tặc không khó, khó thay việc cải nhân tâm. Muốn thu phục lòng người phải dùng đức hy sinh chứ không phải giáo gươm khiến đầu rơi máu chảy”.

Vẫn chẳng thỏa lòng, Đinh Liễn cật vấn lại: “Hoàng thượng, đức hy sinh và lòng nhân nghĩa của hoàng thượng làm người con hẹn thề phải quy y cửa Phật, làm em gái con phế tàn nhan sắc. Vậy thử hỏi đức hy sinh của hoàng thượng như thế có đúng hay không?”.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã rơi lệ khẳng định: “Đúng chứ. Vì sự vững bền của giang sơn xã tắc, vì bình yên của muôn dân Đại Cồ Việt dẫu phải mất đi 10 đứa con hữu tài, hữu sắc như Đinh Liễn, Phất Kim ta cũng cam lòng! Các con của ta ơi, ta thà hy sinh tất cả các con, hy sinh những người thân yêu nhất của cuộc đời ta, chứ ta không thể mắc nợ cùng muôn dân nước Việt”.

Sẵn lòng nhường… vợ yêu

Vở tuồng “Làm vua” đem lại sự thích thú cho khán giả trẻ song cũng gây ra không ít tranh luận. Ảnh: Bình Thanh.

Vở tuồng “Làm vua” đem lại sự thích thú cho khán giả trẻ song cũng gây ra không ít tranh luận. Ảnh: Bình Thanh.

Nếu như câu chuyện của công chúa Phất Kim đã từng được Nhà hát Cải lương Hà Nội kể trong vở cải lương “Phận má đào” và để lại nhiều ấn tượng thì câu chuyện về hoàng hậu Dương Vân Nga đã từng là cô thôn nữ hẹn ước với thập đạo tướng quân Lê Hoàn có lẽ “Làm vua” là vở diễn đầu tiên khai thác.

Câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian (vùng Ninh Bình, Thanh Hóa…), muốn ngầm lý giải cho lời đồn thổi về mối quan hệ của Lê Hoàn với Dương Vân Nga.

Truyện kể: Trong một dịp đi tuyển quân, thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã gặp thôn nữ họ Dương và hai người hẹn ước hết chiến chinh sẽ trở về kết tóc xe tơ. Nhưng khi thập đạo tướng quân Lê Hoàn trở về thì thôn nữ họ Dương đã nhập cung và trở thành hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng.

Thực ra, đấy chỉ là cái cớ, là cách đặt ra tình huống để thêm một lần nữa “thử lửa” vua Đinh cùng Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Dẫu biết là thế song khán giả đã không khỏi lạ lẫm để rồi hồi hộp, tò mò trước cách ứng xử của người ngồi trên ngôi cao 9 bệ rồng với tình riêng của mình như thế nào.

Theo lẽ thường tình, hẳn rằng không ít người e thập đạo tướng quân Lê Hoàn sẽ khó bảo toàn tính mạng và cả hoàng hậu Dương Vân Nga làm sao còn được vua sủng ái như xưa? Thế nhưng, thật bất ngờ khi trong cuộc gặp gỡ giữa vua - tôi, thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã không một lời thanh minh mà dám trực tiếp thành thực bày tỏ mối tơ vò bao nhiêu năm trong lòng, đấy là mối tình trước kia của ông với thôn nữ họ Dương chứ giờ đây trong trái tim ông luôn là sự tôn kính giữa kẻ bề tôi với hoàng hậu.

Cũng vì thế mà ông khảng khái: “Trong chuyện này, cả hoàng thượng và Lê Hoàn, thánh đế - tôi trung, đều không có tội”.

Và càng bất ngờ hơn nữa khi vua Đinh đã không hề trách cứ, trái lại, ông tự trách mình đã vô tình chia rẽ phượng loan, trách hoàng hậu Dương Vân Nga sao năm xưa không nói rõ sự tình. Và cao trào đến ngỡ ngàng khi vua quyết định nhường… vợ yêu cho Lê Hoàn.

Những tưởng đấy là cách ứng xử đúng – một sự hy sinh tình riêng không thể hơn được nữa nhưng vì sao lại khiến Lê Hoàn toan tuẫn tiết, vì sao Dương Vân Nga đau đớn, hờn tủi? Cũng bởi thế mà người trên ngôi cao nhận ra rằng: “Hoàng đế họ Đinh ta yêu Vân Nga hơn chính bản thân mình, sao ta cố ý ép nàng sống cùng danh tướng Lê Hoàn? Có phải vì ta muốn xóa bỏ sự dày vò đeo bám. Nghịch lý, nghịch đời liệu tránh được sao. Ta sai rồi sao? Định lấy cái sai này để sửa cái sai kia. Ta sai rồi sao?”.

Có hư cấu quá đà?

“Làm vua mà chỉ lo giữ ngai vàng, vun vén cho lợi ích của riêng mình thì quốc sự ai lo, xã tắc vững bền sao được?” – trích lời của vua Đinh Tiên Hoàng trong vở tuồng “Làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Khi vở tuồng “Làm vua” ra mắt, khán giả - trong đó có không ít khán giả trẻ đã kéo tới xem chật kín lối đi của rạp Hồng Hà, Hà Nội. Dù chỉ là khán giả vé mời song vẫn là niềm vui đối với nghệ sĩ khi tuồng là loại hình kịch hát dân tộc rất kén khán giả, nhất là có không ít lần khán giả hào phóng gửi tặng nghệ sĩ những tràng pháo tay khi gặp câu thoại nghe… sướng tai.

Cũng vì thế mà đã có không ít khán giả trẻ bày tỏ sự thích thú khi xem “Làm vua” cảm giác cứ ngồi suy nghĩ, hồi tưởng lại từng chút một là lại có thể tìm kiếm ra được một bài học mới thú vị vậy. Vở tuồng đưa ra những tình huống nhỏ và thông qua cách xử lí của vị hoàng đế lập ra nhà Đinh của nước Đại Cồ Việt mà đưa ra được “cái tâm” cần có của kẻ “làm vua”.

Về hành động vua Đinh muốn tác thành cho Lê Hoàn và Dương Vân Nga thì “đây là hành động từ bỏ lợi ích cá nhân (ở đây là tình yêu dành cho Dương Vân Nga) để giữ lại được lợi ích cho dân tộc (ở đây là thập đạo tướng quân Lê Hoàn – vị tướng có thể bảo vệ biên cương Đại Cồ Việt).

Đây cũng là một trong những điều kẻ “làm vua” phải chấp nhận đánh đổi”, một sinh viên đại học năm thứ 2 có nickname Ni Ni bình luận trên trang cá nhân.

Là một người chăm chỉ theo dõi nhiều vở diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam, anh Vũ Đình Triệu cho rằng đây là vở tuồng lịch sử nhưng lại thuộc dạng đề tài tâm lý xã hội, không phải dạng tuồng chiến mà thiên về phản ánh vấn đề nhân tình thế thái, mang tính thế sự.

“Làm vua” đã tôn vinh các nhân vật lịch sử như Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Dương Vân Nga, làm cho hậu thế hôm nay không chỉ biết đến chiến công dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng, tài năng thao lược của Lê Hoàn, một Dương Vân Nga với việc dám từ bỏ lợi ích của dòng họ, của vương triều mà trao quyền cho Lê Hoàn.

Mà hơn thế, chúng ta thấy sự hy sinh thầm lặng nơi cung đình tưởng như bình yên danh giá. Đó là sự hy sinh tình cha con, tình vợ chồng, tình yêu đôi lứa, giữ trọn đạo vua tôi, đặt lên trên hết là vì sơn hà xã tắc”.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa – Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến cũng cho rằng vở diễn đưa ra thông điệp không mới mẻ nhưng rất “nóng” về trách nhiệm của một bậc quân vương trước nhân dân và đất nước: Làm vua thì phải biết đặt lợi ích của gia đình, dòng tộc dưới lợi ích của đất nước của muôn dân, khi cần thì sẵn sàng hy sinh tình riêng vì nghĩa cả.

“Tất nhiên, mọi sự bắt đầu từ sự táo bạo của tác giả Nguyễn Đăng Chương với cách nhìn nhận truyền đời của người dân Ninh Bình - Hà Nam - Thanh Hóa về vua Đinh cũng như mối tình Lê Hoàn - Dương Vân Nga để sáng tạo ra một scene (phân cảnh) không ai ngờ tới là cuộc tự thú của Lê Hoàn về mối tình của mình với Dương Vân Nga trước vua Đinh và cách ứng xử cũng khó ngờ của Đinh Tiên Hoàng không trên tư cách một quân vương mà là chiến hữu, tri kỷ của hai người.

Bản chuyển thể tuồng của Nguyễn Sỹ Chức cũng rất nhà nghề, tinh tế, tạo nên những cao trào ca hát làm say lòng người...”, ông Khoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng từ hai câu chuyện được lấy làm cớ để khắc họa chiều sâu nội tâm vua Đinh Tiên Hoàng, “Làm vua”  đã gây ra không ít tranh cãi, nghi hoặc: Liệu cách xây dựng tâm lý nhân vật là người đứng đầu thiên hạ đã thực sự logic chưa? Liệu cách đây hơn 1.000 năm, người xưa có ứng xử như thế hay không? Liệu tác giả có bịa tạc, hư cấu nhân vật quá đà? Đạo diễn còn vụng về, khiên cưỡng chắp nối hành động kịch?

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền đã bày tỏ sự tiếc nuối về kịch bản quá lỏng lẻo khi những sự kiện kịch được tung ra rồi không giải quyết ngoài việc kể những chuyện nhặt nhạnh trong sử hay “ngoài chính sử” thay vì chọn một lát cắt và lý giải nó đến tân cùng bằng cấu trúc và tổ chức hành động kịch.

Cụ thể hơn, ông Hiền phân tích: “Làm vua” thiếu logic trong việc xây dựng hình tượng nhân vật vua Đinh Tiên Hoàng, khi độc đoán gạt mọi can ngăn, khi sủng ái nhất một trong 5 bà vợ nhưng khi nghe thuộc hạ tâm sự (hay tự thú) chuyện hoàng hậu là người yêu cũ, vua cũng sẵn sàng nhường, lại còn giơ tay như cha cố tác thành cho đôi bạn trẻ!...

Khi hư cấu không thực, càng nhấn nhá nội tâm nhân vật càng thấy giả bởi cái gốc của tình huống kịch không có. Tác giả kịch bản từ một sự kiện lịch sử có thể hư cấu để lý giải nó thành bài học cho hôm nay song hư cấu và bịa tạc lại là chuyện hoàn toàn khác nhau”.

Trong khi đó, theo nhà viết kịch Hoàng Thanh Du, một Đinh Bộ Lĩnh tài ba dẹp được loạn 12 sứ quân lẽ nào nghe thuộc hạ tâm sự lập tức nhường vợ yêu cho thuộc hạ? “Cuộc đời thực, người bình dân cũng không có chuyện này. Hư cấu kiểu này có phải là bôi đen Đinh Bộ Lĩnh và Dương Vân Nga, Lê Hoàn?”, ông Du gay gắt bình luận.

Cùng với đó, ông Du còn thẳng thắn trao đổi về việc đạo diễn đã xử lý kịch bản khi các sự kiện trong vở diễn không được lý giải đến tận cùng để hòa nhập với sự kiện lịch sử được chính thể này công nhận; với phong cách dàn dựng không đồng nhất…

Trước sự tranh luận sôi nổi của khán giả cũng như các nhà chuyên môn, ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng đấy là điều đáng mừng khi thể loại kịch hát dân tộc khó hấp dẫn khán giả hôm nay mà vẫn nhận được sự quan tâm và yêu mến.

“Với kịch bản mang tính đột phá, “Làm vua” mong muốn truyền đi thông điệp: Để giữ ổn định đất nước và yên lòng dân, tạo nên sức mạnh đánh thắng quân xâm lược, người đứng đầu đất nước phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân và lấy vận mệnh của giang sơn làm trọng.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, vở diễn sẽ tiếp tục được công diễn tới khán giả, tất nhiên là một bản dựng được trau chuốt hơn, làm sáng rõ hơn thông điệp muốn gửi gắm”, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

GD&TĐ - Marcus Rashford trở thành tâm điểm cho thỏa thuận trao đổi kinh ngạc liên quan đến tiền đạo Victor Osimhen của Napoli.