Gieo tình yêu mới với nghệ thuật tuồng

Gieo tình yêu mới với nghệ thuật tuồng

Ngạc nhiên cho lần đầu tiên

Còn nhớ dịp trước, năm chiếc xe khách loại 45 chỗ chở theo gần 200 học sinh khối năm Trường Tiểu học Đình Bảng - tỉnh Bắc Ninh dừng bánh tại rạp Hồng Hà, Đường Thành, Hà Nội.

Màn trống hội tưng bừng của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam ngay ở lối vào đã làm bao ánh mắt học trò đen tròn…sửng sốt.

Các em đã không thể tin nổi vì sao mình lại được đón tiếp long trọng như vậy. Rồi thì, lãnh đạo Nhà hát - Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Tạ Văn Sốp, NSND Hương Thơm và rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi của nhà hát như NSND Hồng Khiêm, NSƯT Kiều Oanh, nghệ sĩ tài năng trẻ Nhật Nam…đều vui mừng chào đón những khán giả đặc biệt ấy.

Gần hai trăm học sinh mang khăn quàng đỏ trên vai tiếp tục theo chân NSND Hương Thơm để bước vào thế giới của tuồng. Đấy là trên tầng hai với gian trưng bày những bộ trang phục, đạo cụ.

Ở “kho tàng” ấy, mỗi bộ trang phục, mỗi một đạo cụ là một câu chuyện kể để học sinh nào học sinh nấy im thin thít lắng nghe. Nhất là, gian trưng bày của nhà hát còn có những bức tượng về những nhân vật quân quốc quen thuộc khiến cho bạn nào khi nghe đến cũng khe khẽ reo lên: “A là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là Hai Bà Trưng, là quan Vân Trường...”.

Thậm chí, bạn Hoàng Thanh Huyền - học sinh lớp 5E hào hứng còn đem cả điện thoại ra chụp hình, ghi âm lời nghệ sĩ kể chuyện. Huyền nói: “Những trang phục tuồng cổ rất đẹp nên em muốn ghi lại để về khoe với bố mẹ, anh chị ở nhà. Sau đó, những tư liệu này sẽ giúp em hiểu hơn về nghệ thuật tuồng Việt Nam”.

Từ những gợi mở ban đầu như thế, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam tiếp tục thu hút các em vào những trò diễn cổ Ông già cõng vợ đi xem hội, Ngũ biến, Múa Lân, múa cờ, trống hội…

Những tưởng, nghệ thuật tuồng là khó xem mà nhất là đối với trẻ nhỏ. Thế nhưng, thật ngạc nhiên hơn bao giờ hết khi tất cả các em học sinh đều không thể dời mắt mỗi trò diễn. Lúc NSND Hồng Khiêm và nghệ sĩ tài năng trẻ Nhật Nam diễn trích đoạn tuồng cổ Ông già cõng vợ đi xem hội các em đã cười khúc khích trước ông già “đáo để” trị anh chàng con quan Cả lắp dám chòng ghẹo cô vợ trẻ của ông.

Đến màn múa lân, ban đầu các em cứ tưởng chỉ đơn giản là hai chú lân vờn nhau thế mà cuối cùng một chú lân con đã ra đời để cho những ánh mắt trầm trồ ngạc nhiên đổ dồn lên sân khấu.

Đặc biệt, ở trích đoạn tuồng cổ Ngũ biến, hàng trăm ánh mắt thơ ngây đã vô cùng hoan hỉ khi thấy cô Xuân Trầm năm lần biến hóa từ lão tiều phu đến cậu bé mắc bệnh phong, cô gái điên, người hành khất và cuối cùng là lão thầy bói mù để thoát khỏi vòng vây của quan quân.

Nhưng, không chỉ dừng ở đó, sau mỗi đoạn trích, Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Khanh còn trò chuyện với các em về câu chuyện kỹ năng sống.

Chẳng hạn với trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, tiến sĩ đã hướng các em vào kỹ năng làm chủ bản thân, tự tôn, tự trọng qua vai diễn ông già. Còn trích đoạn Lân mẹ đẻ lân con thì lại là kỹ năng giao tiếp thể hiện cảm xúc - nghĩa là mỗi người con đều yêu quý bố mẹ mình. Nhưng, cảm xúc ấy cần thể hiện như thế nào và ra sao thì không hẳn bạn nhỏ nào cũng biết.

Với trích đoạn Ngũ biến được các bạn nhỏ yêu thích nhất, tiến sĩ lại chia sẻ về kỹ năng linh hoạt trước mọi tình huống. Nghĩa là, bằng những kiến thức đã được học, các em cần linh hoạt sử dụng trước mọi tình huống để đạt được những yêu cầu mới đặt ra.

Có thể thấy, lúc xem tuồng thì hào hứng thế nhưng lúc TS Khanh trò chuyện về kỹ năng thì hầu hết các em học sinh đều…ngại ngần, lúng túng không muốn xung phong trả lời câu hỏi. Thế nhưng, khi đã được bước vào tình huống cụ thể, nhất là được đứng cùng nghệ sĩ để…thử giọng, vào vai thì cô cậu học trò nào cũng xuất sắc cả.

Hoàng Hà đã vào vai ông già cõng vợ đi xem hội đầy tinh nghịch với cả hai giọng ông già và cô gái. Hay như Nguyễn Kim Hiếu bắt chước giọng anh chàng Cả lắp vô cùng hài hước.

“Đây là lần đầu tiên em được xem tuồng và em rất thích. Các nghệ sĩ mặc đẹp hát hay, múa giỏi quá… Em cố gắng bắt chước giọng Cả lắp mà vẫn không được” - bạn Nguyễn Kim Hiếu vừa dời sân khấu ửng đỏ đôi má nói. Còn bạn Hoàng Hà thì bật điện thoại khoe với mẹ: “Mẹ ơi, con vừa vào vai ông già cõng vợ đi xem hội. Vui lắm mẹ ơi…”.

“Trước lúc đi, tôi đã mang tâm trạng: Thử xem thế nào. Nhưng, lần đầu tiên được sống trong không gian nghệ thuật truyền thống này không chỉ các em học sinh mà với riêng mình, tôi cũng học được nhiều điều bổ ích. Tôi rất vui khi thấy học trò của mình đã hiểu và nhập cuộc được với sân chơi chẳng dễ dàng này” - cô giáo Nguyễn Thị Du - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đình Bảng chia sẻ.

Trao cơ hội cho nghệ sĩ trẻ

 

Thoắt cái, lớp diễn viên, nhạc công tuồng hệ Trung cấp - K.34, khóa 2014 - 2018 thuộc Dự án liên kết đào tạo của Trường ĐHSKĐA Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khép lại.

Sau 4 năm trò miệt mài học tập, thầy (các nghệ sĩ) miệt mài truyền lửa, những nghệ sĩ trẻ ấy, có người mới vừa chớm tuổi đôi mươi đã được nhận những cơ hội tỏa sáng trên sân khấu với dự án bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống.

Có thể thấy ở những nghệ sĩ trẻ này một chút hồi hộp, một chút lo âu nhưng ngọn lửa trong trẻo của niềm đam mê với tuồng thì đã bắt đầu nhen…

Nhớ lại những ngày chạm ngõ nghệ thuật tuồng, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đình Tiến kể, vì nhà ở bên An Khánh - Hoài Đức, nên thời gian hàng ngày đều được Tiến dành trọn cho tuồng.

Mùa hè là 5 giờ sáng còn mùa đông muộn hơn một chút, Tiến đã cùng bạn bè dậy tập thể dục và ôn hát; 8 giờ sang trường học, chiều về lại xuống hội trường cũng ôn hát, múa với các nghệ sĩ nhà hát. Tối đến, ngoài những buổi tập trung ôn ở hội trường thì Tiến lại lóc cóc đến nhà NSƯT Xuân Quý, NSND Minh Gái nghe các nghệ sĩ nói chuyện về tuồng.

Hoặc như mỗi khi nhà hát có chương trình biểu diễn, Tiến và bạn bè rất sung sướng được lên xe ô tô cùng các nghệ sĩ và ra rạp Hồng Hà để thưởng thức để rồi theo đó cứ ngấm dần với nghiệp.

“Rất mệt khi múa và khản cổ khi hát. Có lần em đã bật khóc vì cảm giác mình không thực hiện được một động tác múa hay một câu hát nào đó…” - Nguyễn Đình Tiến nhớ lại.

Với Hiền Phúc, trúng tuyển để ra Hà Nội gia nhập “ngôi nhà” của Tuồng, cô bé mới học lớp 10. Vì thế, hàng ngày Hiền Phúc vừa học văn hóa vừa học nghề diễn. Chỉ có điều vì quê ở xa, mãi tận Quảng Bình, nên càngnhớ nhà Hiền Phúc càng chăm chỉ tập luyện. Cô nàng lý giải, khi bận rộn ca hát, bận rộn múa tuồng thì Hiền Phúc sẽ không có thời gian để… buồn!

Nhớ hồi nhà hát mới tuyển sinh, phần lớn khóa học sinh này mới chỉ là thinh thích hát hò, biên biết về tuồng và mơ một giấc mơ nghệ sĩ. Thế mà giờ đây các em đã vươn đến giấc mơ, trở thành một nghệ sĩ thực thụ khi được các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát nâng đỡ, truyền lửa. Không chỉ thế, nhà hát còn bao cấp hoàn toàn chỗ ở ngay trong khu tập thể để ngày ngày những nghệ sĩ trẻ này chỉ chăm chút cho ước mơ của mình.

“Với nghệ thuật tuồng bao năm qua bị hẫng hụt lớp kế cận vì không tuyển được học sinh bây giờtrở lại với một khóa học trung cấp đông đảo có đủ cả đào, kép, nhạc công thế này đã là vui lắm. Và, sau 4 năm học tập, xem các em báo cáo, niềm vui ấy của chúng tôi đầy hơn khi các em đang gieo những niềm hy vọng mới cho chúng tôi - hy vọng về một thế hệ kế cận đầy đam mê và sẽ phát lộ tài năng…”, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam vui mừng nói.

Trong khi đó, ông Tạ Văn Sốp, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng thì chia sẻ sự hào hứng với cách chủ động đưa học sinh đến với nghệ thuật Tuồng.

Ông Sốp bảo, buổi ngoại khóa của gần 200 học sinh khối 5 Trường Tiểu học Đình Bảng đã trôi qua rất nhanh khiến ông không thể quên được những gương mặt trẻ thơ vương đầy cảm xúc, sự quyến luyến với tuồng. Thế nên, dù đã tạm biệt các nghệ sĩ rồi mà các em còn nói với: “Dịp khác chúng con lại về Hà Nội xem tuồng, tập tuồng…”.

Theo ông Sốp, đấy là dẫn chứng sinh động cho thấy nghệ thuật tuồng đúng là rất đặc biệt và không dễ tiếp nhận nhưng nếu người lớn tạo điều kiện cho các em nhỏ được tiếp xúc ngay từ ban đầu thì chắc chắn sẽ gieo được ấn tượng vào trong tâm trí các em. Từ đó, tình yêu sẽ lớn dần và chính các em là nguồn khán giả lưu giữ tuồng trong tương lai.

“Mỗi đợt biểu diễn phục vụ khán giả là học sinh – không chỉ ở rạp Hồng Hà mà cả ở các điểm trường, nhà hát luôn chuẩn bị rất kỹ các trò diễn cũng như màn mở đầu đón tiếp để làm sao các em thực sự ấn tượng về tuồng ngay từ những giây phút đầu tiên. Chứng kiến các em say sưa với nghệ thuật tuồng, chúng tôi vui trong bao niềm hy vọng về một lớp khán giả tương lai thực sự hiểu và yêu thích để chủ động “xắn tay” lưu giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông” - ông Tạ Văn Sốp nói.

Theo Hà Thái

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ