(GD&TĐ) - Khu 7 huyện Tây Giang với 4 xã vùng biên giới Việt - Lào gồm TrHy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry lâu nay được coi là nơi xa xôi và khốn khó nhất của tỉnh Quảng Nam. Qua thời gian, những cán bộ dưới xuôi lên đây công tác, những ngôi trường xây kiên cố được dựng lên, sự học ở vùng khu 7 cũng bớt đi phần nào gian khó; nhưng ở riêng xã Ch’Ơm, vẫn còn đó thực trạng xót lòng: không điện, không đường, không trạm, còn trường học thì quá ư tạm bợ.
Gian nan bám chữ
Trường Tiểu học Ch’Ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) |
Từ trung tâm huyện Tây Giang, vượt gần 50 km thâm u núi rừng, một bên là dốc đứng, một bên vực thẳm, qua các xã TrHy, Axan, tới được xã Ch’Ơm. Khu 7 nghèo nhất Quảng Nam và Ch’Ơm nghèo nhất khu 7: những con đường đất ngoằn ngoèo, nhão nhoẹt bao quanh những mái nhà sàn lưa thưa hiu hắt bên những dốc đồi rậm rạp cây cối.
Chúng tôi đến gươl làng tại trung tâm xã: Những học sinh Cơ Tu vừa học xong, vào gươl chuẩn bị ngủ trưa, thấy khách lạ, các em chạy ồ ra đón. Đập vào mắt chúng tôi là những bộ quần áo chúng mang trên người: rách rưới, cáu bẩn. Em Bliêng Tơn – một học sinh lớp 5 – bẽn lẽn lại gần nói chào chú, chào chú. Tôi thấy quần em rách vô số chỗ, vết rách chẻ từ đường ống lên ngang đùi, cái áo bong nút, đen đủi; cái nịt bị đứt, em “đối phó” bằng cách cột một sợi dây chuối vòng qua hông để quần khỏi tụt. Em nói nhà em ở thôn Zơ Rượt, em ngủ lấy sức để lội bộ hơn 5 cây số về nhà…
Những tấm ván bằng gỗ mục ghép lại thành một ngôi trường với 5 phòng; vào trong mái tôn lỗ chỗ nắng, nền đất xuề xòa bụi. Anh Trần Hữu Nhất – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ch’Ơm đón chúng tôi bằng bộ quần áo xuề xòa của một nông dân chính hiệu, đặt vấn đề ngay: “Thiếu phòng học lắm, không đủ triển khai đồng 100% điểm trường học cả ngày. Chỉ có 11 phòng tạm kể cả trường chính lẫn điểm trường”.
Nhìn qua nhà bán trú của giáo viên: Một dãy chòi lụp xụp đến nao lòng. Trong phòng, mấy cái giường đã sắp gãy chân, mấy cái chiếu bẩn cáu. Cô giáo trẻ nhất trường Bùi Thị Ba, sinh năm 1992, tâm sự: “Quê em ở Tam Tiến (Núi Thành), lên đây dạy năm đầu, không ngờ quá khó khăn như thế”. Cô dạy ở điểm trường A Tu, xa lắc xa lơ, ở trong một cái chòi mà tứ bề heo hút núi rừng, không có nhà công vụ nên giáo viên phải ở nhà dân.
Thế nhưng, trường có 28 giáo viên thì có đến 18 giáo viên nữ, mà toàn là người trẻ. Bùi Thị Ba nói rằng, các giáo viên nữ đã khổ nhưng nhìn các em học sinh lại càng khổ hơn. Trường Tiểu học Ch’Ơm có 4 lớp ghép/18 lớp học, nhiều lớp chỉ có 6 - 7 học sinh, thầy cô dạy học mà lắc đầu ngao ngán, trong khi việc vận động học sinh lại rất khó khăn, vì phụ huynh không coi việc học là chính yếu. Trường lại không có bán trú, học sinh phải đi đi về về. Các điểm trường A Tu, Cha Nốc, Hjúh, Réh còn lụp xụp hơn trường chính. Và khổ nhất là ở đây không có điện lưới, để các em học sinh có thể tiếp cận được cái vi tính, cái tivi.
Một lớp học ở trường tiểu học Ch’Ơm |
Những mong ước nhỏ nhoi
Chương trình SEQAP của Ngân hàng thế giới triển khai ở Trường Tiểu học Ch"Ơm đã được 2 năm, hỗ trợ ăn trưa cho các em học sinh là 10 nghìn đồng/em/ngày, nhưng như lời của cô giáo Bùi Thị Ba, do quãng đường vận chuyển quá xa nên thực phẩm ở đây có giá cả quá đắt đỏ, suất ăn không đảm bảo chất lượng. “Xa xôi quá anh à, phải qua đèo, qua suối, bùn đất lại nhão nhoẹt, nên ở đây chẳng có một đoàn từ thiện nào dám tới. Tôi chỉ mong các em ở đây được một lần đón đoàn từ thiện nào về, để các em thấy được chiếc xe bốn bánh nó như thế nào, thấy được những cái bánh cái kẹo ở miền xuôi nó như thế nào…” - Bùi Thị Ba nói.
“Trường cần xây dựng thêm 3 phòng học ở điểm trường A Tu, 4 phòng học mầm non ở hai điểm trường thôn Zơ Trượt, Hjúh, A Tu. Tất cả trường chính và điểm trường ở Ch’Ơm đều bằng gỗ tạm bợ, tôi chỉ mong những phòng học mà tôi đề nghị làm ở trên cũng bằng gỗ thôi, chứ xây thì xa vời quá” - Anh Trần Hữu Nhất đề nghị.
Người dạy học lâu năm nhất ở trường cũng là anh Nhất - hiệu trưởng. Bao năm nay, mỗi lần về quê, là mỗi lần anh vận động dưới xuôi, từ bà con bè bạn, cho cả một bao quần áo cũ chất xe máy chở lên, nhưng ngặt nỗi, một năm anh về quê chừng 3 lần, nên đâu có đem lên được bao nhiêu. “Hiện, chưa có một tổ chức từ thiện nào lên tới Ch’Ơm vì đường sá quá xa xôi. 248 học sinh trong trường rất ngoan và đang rất cần các nhà hảo tâm hỗ trợ các vật dụng thiết yếu như áo quần cũ, đồ dùng học tập. Để các em vơi đi khốn khó.” – anh Nhất nói như cầu khẩn.
Nhão nhoẹt bùn đất, mục nát gỗ trường, không điện, không trạm y tế là những thực tế đang diễn ra tại xã Ch’Ơm. “Xã tui 100% là hộ nghèo. Sống còn khó khăn chứ nói chi đến việc học” - Ông A Lăng Hưng - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm nói. Rồi ông chỉ tay qua ngôi trường tiểu học Ch’Ơm: “Tui nghĩ đó là ngôi trường cũ nát nhất ở Quảng Nam”.
Mặc cho cái lạnh ập về bất chợt, sân trường vẫn rộn ràng tiếng hò reo của các em học sinh vào giờ giải lao. Những nụ cười lấp lánh, tiếng hát vang vọng trên những quả đồi vùng biên. Giờ đây, với các em, được đến trường là niềm vui, là mơ ước ở cái xứ nhìn đâu cũng thấy núi rừng này. Trừ Trường Tiểu học Ch’Ơm, từ 6 năm trở lại đây, các điểm trường chính ở khu 7 đã được xây dựng khang trang, việc học ở các trường này cũng đảm bảo hơn. Và "Huyện rất muốn xây dựng Trường Tiểu học Ch’Ơm nhưng hiện vẫn chưa có nguồn kinh phí nào để thực hiện, huyện rất mong sự hỗ trợ của các cấp ngành.” – ông Huỳnh Kim Tín – Trưởng phòng GD& ĐT huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam ), nói.
Mai Thành Dũng