Trầm mặc Na Ư

Trầm mặc Na Ư

(GD&TĐ) - Xã Na Ư (huyện Điện Biên-Tỉnh Điện Biên) là xã đặc biệt khó khăn, với 100% đồng bào dân tộc HMông, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế- vì vậy ít nhiều đều có sự bất đồng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp. Đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình vẫn trong diện đói nghèo.

Vì thế việc cho con em đi học vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều em học sinh vẫn chưa ra lớp hoặc bỏ học giữa chừng mà giáo viên không thể vận động ra học được. Do đó việc thực hiện kế hoạch giáo dục và PC THCS (đặc biệt là các lớp PC) không đơn giản và thuận lợi như ở các nơi khác.

Học sinh ở Trường THCS Na Ư
Học sinh ở Trường THCS Na Ư

Sau bao con dốc nguy hiểm, quanh co của con đường nhỏ hẹp, một bên là rừng, một bên là vực thẳm, cách Điện Biên hơn 40km, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Na Ư. Tây Bắc trắng trời mưa và ban nở bung trắng như sương khói trong mưa. Có lẽ chưa ở đâu như ở Tây Bắc, đặc biệt là Na Ư-và khu vực biên giới Tây Trang gần bạn Lào lại được đất trời ban cho sắc trắng mờ ảo, tinh khôi, lãng mạn của sắc trắng hoa ban- như thể bù lại cho con người những gian nan vất vả mà họ phải chấp nhận ở vùng đất xa xôi này.

Bản Na Ư ở cuối con dốc. Từ trên cao nhìn xuống, những mái nhà sàn nhấp nhô, bí ẩn thấp thoáng ven những lùm cây xanh mướt. Những căn nhà lọt thỏm trong thung, được bao bọc bởi sắc hoa ban trắng rung rinh trên những sườn núi cao. Trái với hình dung của tôi về một xã vùng biên heo hút, thực tế cho thấy sự sầm uất sinh động của các ngôi nhà khối chính đảng, ủy ban, đoàn thể khang trang bởi những căn nhà cao tầng, với đầy đủ tiện nghi. Đằng sau những tin đồn về ma túy ở vùng đất nóng này, không biết đến đâu, nhưng cứ nhìn vào sự bình yên của các khu trung tâm và khu dân cư, trường học... thì ta cũng đủ thấy, công sức của chính quyền-đặc biệt là của anh em bộ đội biên phòng có vai trò quan trọng như thế nào.

Nhà công vụ của GV Trường THCS Na Ư
Nhà công vụ của GV Trường THCS Na Ư

Là xã khó khăn đặc biệt của huyện Điện Biên, địa hình đồi núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, kinh tế phát triển chậm, giao thông đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn- đặc biệt là vào mùa mưa, với 100% đồng bào dân tộc HMông sinh sống. Bởi vậy, trình độ văn hóa còn thấp, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (tính đến hết tháng 12/2010 toàn xã còn 83 hộ nghèo theo tiêu chí mới = 34,2%). Điều đáng nói Na Ư là một điểm nóng về ma túy vùng biên. Tình hình an ninh trật tự tại địa bàn còn diễn biến phúc tạp, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn, hoạt động của tội phạm ma túy và tàng trữ các chất ma túy còn xảy ra nhiều, chưa có biện pháp hữu hiệu để kiềm chế và đẩy lùi. Tính đến hết tháng 2/2011, trên địa bàn toàn xã còn 44 người nghiện ma túy.  

Khi chúng tôi đến, Na Ư bốn bề mưa trắng và lạnh buốt. Khí lạnh ở núi đổ về, khiến cho đất trời Na Ư ảm đạm và mang nỗi buồn riêng. Nỗi buồn của hoa ban cánh hoa bị bầm dập bên núi, nỗi buồn của thiếu thốn, khó khăn còn vương trên những con đường ngoằn ngoèo, mà bên dưới là vực sâu. Sân trường trong khuôn viên chật hẹp, sân chơi bãi tập cho các em-nhiều khi chỉ là mơ ước của thầy và trò. Tuy nhiên, khu tập thể nội trú của các em rất khang trang. Ít ai có thể ngờ rằng, ở một vùng núi cao, thăm thẳm con đường với nhiều gian truân như ở đây, lại có một khu tập thể khang trang, đầy đủ điều kiện cho các em dân tộc đến trường. Hầu hết các em ở đây đều có di động, xe máy. Tôi thấy các em gọi điện cho người thân, tiếng phổ thông chưa sõi, nhưng sử dụng các loại di động đời mới, hay cũ... lại rất thuần thục. Một vài em, đầu tóc cắt theo kiểu thị thành, sắc màu ấn tượng. Nhìn hàng xe máy phân khối lớn xếp thành hàng ở thềm nhà, có em học lớp 6-7, chiều cao chỉ nhỉnh hơn chiếc xe máy một chút, mà cưỡi xe phân khối lớn đến trường, nhiều người không khỏi e ngại về sự an toàn trên con đường từ nhà đến lớp.

Bếp ăn của GV Trường THCS Na Ư
Bếp ăn của GV Trường THCS Na Ư

Khu nội trú khang trang, có bếp ăn riêng cho các em. Các em tổ chức nấu ăn theo nhóm, dưới sự hướng dẫn của các GV trong trường. Có thể nói rằng, đây là một trong những môi trường học tập và sống lý tưởng cho các em vùng sâu, vùng xa của Điện Biên nói riêng và miền núi nói chung. Thầy Phạm Đức Đua, Hiệu phó trường cho biết, nhà trường đã quan tâm chăm lo đến học sinh nội trú dân nuôi: TS 48 HS nội trú tại trường, 6 HS ngoại trú. Tổ chức trồng rau xanh cải thiện đời sống cho học sinh nội trú. Cử giáo viên hướng dẫn các em tự nấu ăn. Đặc biệt, BGH cử 2 giáo viên quản lý các em tự học trên lớp vào buổi tối. Chính điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng học tập đối với một số em gia đình khó khăn, không đến trường đều đặn, thường xuyên được.

Để giúp các em đến lớp đều đặn, các thầy cô đã quyên góp ủng hộ các em học sinh nội trú dân nuôi, với tổng số gạo nhận được qua đóng góp 314 kg gạo, 28 áo ấm và 1.323.520 đ. Bên cạnh đó nhà trường đã phát động các ban ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang trong và các doanh nghiệp trong xã ủng hộ thêm được 750.000 đ tiền mặt; 50 kg gạo (do Đồn biên phòng ủng hộ các em HS nội trú). Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn giải quyết triệt để tận gốc của sự trì trệ, sút kém của việc học hành- là sự chung tay của toàn xã hội-của gia đình các em và các ban ngành địa phương.

Học sinh nội trú
Học sinh nội trú

Vì vậy, vẫn có một Na Ư trầm mặc- buồn, đằng sau những đốm lửa hy vọng được nhen lên bởi con chữ vùng cao nơi này.

Đối lập với vẻ khang trang của khu nội trú này là khu nhà tuyềnh toàng, chật hẹp, tạm bợ của tập thể giáo viên. Ngay ở phòng làm việc của Hiệu trưởng, cũng là kết cấu “2 in 1”- bởi lẽ, trong diện tích chỉ có vài mét vuông, căn phòng nhỏ hẹp tới mức độ khó tin này được che chắn bởi những tờ giấy báo, chiếc bàn cũ kỹ và bộ bàn ghế có thâm niên có dễ đến hàng chục năm, được xếp ép chặt cho vừa nửa căn phòng, là phòng làm việc và cũng là nơi ở của hiệu trưởng. Nhà nội trú giáo viên vì hiện tại 17 CBGV chỉ có 6 phòng ở (nhà tạm), không có công trình vệ sinh (sử dụng nhờ trường tiểu học). Cuối dãy tập thể là bếp ăn, nghiêng ngả và tuyềnh toàng, tạm bợ bởi chiếc cửa xô nghiêng, bốn bề vách liếp gió thổi. Một cô giáo cẩn trọng, nâng niu từng ngọn rau muống trên tay để chuẩn bị cho bữa ăn trưa, nói với chúng tôi: Cô mơ ước về một căn phòng tập thể không dột nát, một bếp ăn cao ráo, sạch sẽ. Và mơ về một khu phụ của giáo viên vệ sinh. Hiện nay, khu phụ của giáo viên đang xây dựng, chưa xong nên các thầy cô giáo phải đi tắm và vệ sinh “nhờ” trường tiểu học. Đó là sự bất cập rất lớn trong đời sống sinh hoạt thường ngày của các thầy cô nơi này.

Cổng ra vào của các cô giáo mầm non
Cổng ra vào của các cô giáo mầm non

Đó là nơi ăn, ở và làm việc của các thầy cô. Còn phòng học nơi đây cũng thiếu. So với quy định, do điều kiện về kinh phí, không bố trí được các phòng chức năng, phòng làm việc. Trang thiết bị phục vụ cho dạy và học mặc dù cũng đã được trang bị song còn thiếu và chất lượng chưa đảm bảo.

Bên cạnh những yếu tố về chủ quan của các em học sinh, thì điều kiện để dạy và học của thầy và trò như vậy cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và kết quả giảng dạy, học tập: Toàn trường có 6 lớp với 123 học sinh, tuy nhiên xếp loại ở học kỳ I, số học sinh khá là 13 (12%); TB:76 (68%); và yếu có tới 23 em (21%). Số học sinh yếu hầu như rơi vào những gia đình không ý thức về việc học của các em, do thiếu người làm, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn...

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục-Tính đến thời điểm cuối học kỳ nhà trường đã vận động các khoản XHH giáo dục, tổng cộng: 6.795.000 đ. Con số này qúa nhỏ để thầy trò có thể triển khai một ý tưởng, hoặc làm một điều gì đó ở tầm vĩ mô trong các cuộc thi đua ở trường. Nhất là ở nơi mà kinh tế của bà con dân tộc Na Ư lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Cảnh báo ma túy ở Na Ư
Cảnh báo ma túy ở Na Ư

Làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở Na Ư? Đó là bài toán không dễ gì có đáp án ngay. Là xã vùng cao biên giới, 100% dân tộc Hmông, với địa hình đi lại khó khăn, học sinh Na Ư vẫn nhận thức chậm, nhiều em thiếu động cơ học tập nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường. Thực tế, tình trạng tỷ lệ học sinh nghỉ học hàng ngày vẫn còn cao, điều này ảnh hưởng rất lớn đến thi đua giáo viên (nhà trường áp dụng quy chế thi đua, trong đó gắn kết quả duy trì số lượng HS vào thi đua GV). Bên cạnh đó, nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học và nghỉ học thường xuyên. Là điểm nóng về ma túy, một số gia đình phụ huynh còn mắc vào các tệ nạn xã hội cho nên chưa quan tâm đến học tập của học sinh. Tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp (2 hệ) năm vừa qua: 41/48= 85,4%; Tổng số người từ 15-18 tuổi có bằng THCS: 131/169 = 77,5%. Ít ai có thể ngờ rằng, để con em đồng bào HMông đến trường đi học đều đặn- phải có sự kiên trì, yêu nghề, bám bản một cách đặc biệt của các giáo viên nơi này. Nhiều khi cái khó bó cái khôn. Đội ngũ GV của nhà trường không đồng đều ở các bộ môn, số lượng giáo viên ít, một số môn còn thiếu giáo viên như môn công nghệ, tin học... nên còn phải bố trí dạy chéo ban, một số môn số lượng GV ít (chỉ có 1 giáo viên nên công tác bồi dưỡng chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn. Như môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Thể dục, Sử...). Đặc biệt môn Văn- Sử trong hầu hết thời gian của Học kỳ I cả trường chỉ có 1 giáo viên. Học sinh của nhà trường gần 100% là học sinh người dân tộc HMông nên sự tiếp thu kiến thức chậm cộng với việc nền tảng của học sinh yếu từ tiểu học, ý thức học tập yếu dẫn đến chất lượng giáo dục thấp. Hiện tại nhà trường có 10 học sinh mồ côi, chiếm tỷ lệ 8%; 28 học sinh có bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đi tù (chủ yếu do ma túy) chiếm tỷ lệ 23%.

Bức tranh về diện mạo giáo dục như vậy vẫn chưa thể sáng sủa, nếu không có giải pháp mạnh, phù hợp với đặc thù nơi này. Bên cạnh đó, nhu cầu giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên sau khi học xong chưa đáp ứng được nên chưa có tác động thôi thúc sự nhiệt tình học tập của con em nhân dân, dẫn đến học sinh không có hứng thú học tập.

Đường vào Na Ư
Đường vào Na Ư

Giáo viên thiếu. Hiện tại nhà trường đang thiếu nghiêm trọng phòng học và phòng học bộ môn, không có phòng chức năng. Nguyện vọng tha thiết của thầy cô là được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng thêm phòng học cho nhà trường (hiện tại mặt bằng xây dựng đã có). Và, 17 CBGV chỉ có 6 phòng tạm, không có công trình vệ sinh... cũng là một vấn đề bất cập- không thể kéo dài.

Chất lượng giáo dục bắt đầu từ những điều kiện khách quan và chủ quan. Các thầy cô ở Na Ư yêu nghề, yêu vùng đất xa xôi với những con dốc quanh co hiểm nguy gấp khúc này, họ sẵn sàng bắt đầu và kết thúc sứ mệnh của mình với cuộc đời dạy học ở nơi vùng sâu vùng xa, nhưng thiết nghĩ, để các thầy cô an tâm công tác và gắn bó với nghề hơn-thì môi trường sống, sinh hoạt và giảng dạy cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm. Nếu không an cư, thì lạc nghiệp rất khó khăn. Mà điều kiện sống và làm việc của các thầy cô gắn bó ở đây, chưa cho chúng ta thấy những dấu hiệu có thể an cư - như trên đã trình bày.

Linh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.