Trải nghiệm với nghề mộc... rong

GD&TĐ - Đi dọc đường Trần Nhân Tông đoạn Công viên Thống Nhất (Hà Nội), người ta dễ dàng nhìn thấy những thợ mộc “rong” ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy, cùng với thùng đồ nghề đang chờ việc. 

Góc phố Trần Nhân Tông, nơi luôn có những thợ mộc “rong” chờ việc. Ảnh: T.G
Góc phố Trần Nhân Tông, nơi luôn có những thợ mộc “rong” chờ việc. Ảnh: T.G

Khác với người làm việc tại xưởng, các thợ mộc ở đây chờ người đến thuê làm những công việc liên quan đến dịch vụ sửa chữa các vật dụng như: Bàn, ghế, cánh cửa, cầu thang trong nhà. Giá dịch vụ được thỏa thuận giữa chủ nhà và người thợ.

“Bật mí” cách sửa chữa đồ gỗ

Sáng sớm, ông Trần Đình Thắng - người có thâm niên hơn 20 năm làm thợ mộc rong đến nhà một khách hàng. Công việc của ông Thắng là sửa ba bậc cầu thang gỗ bị bong khỏi mặt bê tông cầu thang do tác động của thời gian. Sau khi thỏa thuận giá 200 nghìn đồng cho công việc này, ông Thắng bắt tay vào việc.

Ông nhấc mạnh các mặt bậc bị bong ra để đánh giá mức độ kết nối và kiểm tra lại các mối ghép cũ. Mở hòm nghề mộc, lấy ra chiếc tràng gỗ, ông lựa và đập với một lực vừa phải để mặt bậc khít trở lại điểm cũ trước đây, tiếp đến sử dụng 2 máy khoan, một máy khoan gỗ và một máy khoan bê tông để khoan xuống mặt cầu thang những điểm chốt giữ chắc chắn, mỗi bậc sửa khoan 3 điểm chốt, có độ sâu khoảng 15cm.

Sau khi tạo được những lỗ khoan như ý, ông Thắng mang ra một bó đũa tre, đóng chặt từng chiếc vào các lỗ khoan, dùng đục cắt đi đoạn thừa của chiếc đũa trên mặt bậc, rồi mới tiếp tục đóng đinh vào đầu đũa. Ông Thắng giải thích: Đối với đồ gỗ, từ xưa đến nay vẫn thường sử dụng tre để chốt, còn ghép gỗ vào bê tông, khi đóng đinh dọc theo chốt tre giống như nguyên tắc của vít nở. Sau một thời gian, đinh bên trong chốt tre sẽ bị oxy hóa làm căng chốt tre trong bê tông, như vậy sẽ luôn giữ được tấm gỗ gắn chặt với bê tông một cách bền vững, lâu dài.

Công đoạn cuối là sử dụng chiếc máy để mài phẳng những điểm chốt, mặt cầu thang chắc chắn trở lại, và nếu không để ý, người sử dụng cũng không nhận ra dấu vết của những điểm sửa chữa. Toàn bộ công việc sửa chữa cầu thang theo yêu cầu này xem ra khá đơn giản, thực hiện chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nhìn vào cách đánh giá hiện trường, thao tác, sắp xếp trình tự công việc, sử dụng máy móc, thiết bị, cho thấy ông Thắng có tay nghề chuyên nghiệp, được đúc kết từ nhiều năm.

Làm một nghề, biết nhiều nghề

Theo ông Thắng, mỗi người có tay nghề khác nhau, cũng một công việc có người chỉ làm 1 giờ là xong, nhưng có người phải mất đến vài giờ mới hoàn thành. Vất vả hay nhàn hạ là do trình độ tay nghề quyết định.

Nói về công việc của một thợ mộc “rong”, ông Thắng cho biết: Nghề rất đa dạng, bởi tất cả những đồ dùng, thiết bị bằng gỗ hoặc liên quan đến gỗ đều có thể sửa chữa được. Ngoài yêu cầu của khách hàng, trong quá trình đánh giá công việc, người thợ mộc còn có thể tư vấn cho khách về những vấn đề trong sử dụng đồ vật, tư vấn sửa chữa những hạng mục nhỏ khác để tăng tuổi thọ của vật dụng.

So với trước đây, nghề mộc có nhiều thay đổi với những thiết bị hiện đại hơn nhưng các dụng cụ như: Đục, chạm, búa, tràng, chiếc cưa treo ngay cạnh thùng… vẫn là những đồ nghề cơ bản. Ngoài các loại dụng cụ cơ khí, kìm, búa, tuốc nơ vít, thước, ly vô, đinh, vít… hộp đồ còn có một chiếc bay xây dựng. Tổng trọng lượng của thùng đồ nghề mộc ước tới 50 - 60 kg...

Ông Thắng chia sẻ: “Người thợ mộc “rong” cũng cần phải biết một chút về thợ nề, thợ sắt... Bởi thông thường, các nghề này thường liên quan đến nhau. Ví dụ, sửa cửa hoặc cầu thang, nhiều khi phải cậy lên một vài viên gạch, sau đó cũng phải biết lát lại, chứ không thể yêu cầu khách hàng đi thuê thợ nề về làm”.

Nói về thu nhập, ông Thắng cho biết, theo nghề đã nhiều năm, khách quen cũng có, khách mới được giới thiệu cũng nhiều nên công việc khá đều đặn, mỗi tháng ông có thể thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu khá, nghề mộc… rong giúp ông Thắng không phải lo lắng về vốn liếng, nợ nần. Hơn nữa, làm thợ tự do cũng thoải mái hơn so với làm nghề trong xưởng…

Nghề mộc rong có từ rất lâu, ở Hà Nội, thợ mộc “rong” thường đóng đô trên đường Trần Nhân Tông, gần cổng Công viên Thống Nhất và chợ Hàng Da. Trước kia, thợ mộc “rong” thường gánh đồ đi quanh phố phường, dần dần, họ trở về những tụ điểm cố định. Đến nay, thay vì gánh, đồ nghề được chuyển hết lên xe máy để thuận tiện cho việc di chuyển.

Dù chẳng được là phố nghề, nhưng đây là một nghề mà xã hội luôn cần đến. Hình ảnh bác thợ mộc nơi đầu phố trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Theo ông Thắng, ngày nay các dịch vụ nói chung, và nghề mộc nói riêng thường được tra cứu, trao đổi trên mạng, thay vì đến trực tiếp gặp gỡ. Chính vì vậy không phải lúc nào thợ mộc… rong cũng có việc. Ngược lại, cũng có những người thợ làm không hết việc. Có lẽ, xã hội thay đổi đòi hỏi người thợ phải có phương thức tiếp cận khách hàng phù hợp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ