Khẳng định chất lượng nguồn nhân lực
Thông tin về kỳ thi, ông Trần Quốc Huy, Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Các nghề dự thi bao gồm: Cơ điện tử; Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD; Công nghệ hàn; Tự động hóa công nghiệp; Robot di động; Điện tử; Bảo trì máy CNC; Thiết kế và phát triển trang web; Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin; Lắp cáp mạng thông tin; Thiết kế đồ họa; Công nghệ thời trang; Công nghệ ô tô; Lắp đặt điện; Điện lạnh; Ốp lát tường và sàn; Xây gạch; Mộc mỹ nghệ; Mộc dân dụng; Quản trị hệ thống mạng CNTT; Chăm sóc sắc đẹp; Thiết kế các kiểu tóc; Dịch vụ nhà hàng; Nấu ăn. Hai nghề trình diễn là: Sơn ô tô và Internet vạn vật. Đây là những nghề được đánh giá có nhu cầu nhân lực lớn trong khối ASEAN.
Tham dự các Kỳ thi tay nghề ASEAN, đoàn Việt Nam thường xuyên đứng ở các vị trí top đầu, trong đó có 3 lần đứng ở vị trí thứ nhất toàn đoàn vào các năm 2004, 2006 và 2014. Điều này đã góp phần khẳng định ưu thế về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Các hoạt động chính trong kỳ thi bao gồm: Các Hội nghị Ủy ban kỹ thuật và Ủy ban tổ chức, Lễ khai mạc, Hội thảo về Giáo dục nghề nghiệp khu vực ASEAN, thi tay nghề và Lễ bế mạc; 3 ngày thi chính thức diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 2/9/2018. Thí sinh các nước, ngoài việc tham dự thi còn tham gia chương trình Một quốc gia - Một trường học.
Sẵn sàng chinh phục đỉnh cao
Với thông điệp của Kỳ thi: “ASEAN Skills, Crafting the Future” – “Kỹ năng nghề ASEAN, Kiến tạo tương lai”. Đoàn Việt Nam đăng ký dự thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 năm 2018 ở 26 nghề. Công tác huấn luyện bắt đầu từ ngày 18/6/2018, được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn một kết thúc ngày 9/7/2018, đã tổ chức kiểm tra sát hạch, lựa chọn được 52 thí sinh tiếp tục tham gia huấn luyện giai đoạn hai để tham dự thi tay nghề ASEAN lần thứ 12. Giai đoạn hai thí sinh được huấn luyện chuyên sâu và thi thử theo đề và rèn luyện bản lĩnh thi đấu công tác huấn luyện kết thúc vào ngày 24/8/2018.
Có 88 chuyên gia, hình thành nhóm theo nghề, huấn luyện thí sinh ngay từ đầu. Các chuyên gia là những người có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết, kinh nghiệm từ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có uy tín trên cả nước. Có nhiều chuyên gia đã từng huấn luyện đội tuyển Việt Nam tham dự các Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới trước đây.
Công tác huấn luyện thực hiện theo kế hoạch với từng nghề theo yêu cầu của đề thi tay nghề ASEAN tại 13 trường có chuyên gia giỏi, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình huấn luyện có sự tham gia của doanh nghiệp để rèn luyện kỹ năng, cường độ lao động, bản lĩnh thực hiện bài thi.
Phát biểu tại Lễ xuất quân đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhấn mạnh: “Phát huy kinh nghiệm huấn luyện có hiệu quả trước đây, đoàn Việt Nam phấn đấu các nghề đã tham gia các Kỳ thi tay nghề ASEAN trước đây đạt Huy chương Vàng, các nghề mới tham gia có huy chương, kết quả chung phấn đấu xếp toàn đoàn trong top đầu các nước dự thi”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: Xu hướng tuyển dụng nhân sự trên thế giới và Việt Nam đã và đang chuyển từ yêu cầu về bằng cấp sang yêu cầu về kỹ năng. Chính vì vậy, khi có được những kỹ năng nghề nghiệp vững chắc, người lao động sẽ có đủ khả năng ứng tuyển vào các vị trí việc làm tốt. Đồng thời đảm bảo được khả năng tiếp thu và cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Kỳ thi tay nghề là nơi tôn vinh sự phát triển kỹ năng nghề; khẳng định những lao động trẻ khi chinh phục được đỉnh cao tay nghề, họ sẽ có một tương lai tươi sáng.