Cơ duyên với gỗ lũa
Ghé nhà anh ở tổ 4, khu phố Kim Châu - phường Bình Định, thị xã An Nhơn - Bình Định, chúng tôi nhìn đâu cũng thấy cơ man nào là gốc cây, rễ cây khô với muôn hình, muôn vẻ khác nhau. Hỏi ra mới biết, những thứ gốc rễ mục rỗng ấy được anh Trúc mua về với giá hàng trăm triệu đồng chứ chẳng ít. Tung tiền lớn, mua cây mục, không ít người thoạt tiên nhìn thấy bảo anh là “đồ dở hơi”! Kệ miệng đời khen chê, anh Trúc vẫn vững lòng tin với sự say mê nghệ thuật của mình sẽ “thổi hồn” vào những khúc gỗ vô tri kia làm chúng thăng hoa, sống động.
Cơ duyên xui khiến anh Hồ Văn Trúc đến với “tình yêu” gỗ lũa là bởi năm 1997, một lần lên thành phố Pleiku (Gia Lai) thăm ông dượng, anh vô tình “đoạt bí kíp” và phát huy tiềm năng sẵn có của mình. Chuyện ấy xuất phát từ việc dượng anh có một xưởng mộc, thấy anh lên thăm, ông dượng rủ rỉ bảo anh ở lại làm.
Làm thợ mộc trong trại mộc của ông dượng trong một năm, anh được dịp tiếp xúc với những tấm ván có lõi rất đẹp, những gốc cây được thiên nhiên tạo hình sống động. Thế là trí tưởng tượng tiềm ẩn trong anh phát lộ, lòng anh bỗng trỗi dậy niềm đam mê. Vậy là anh bỏ nghề mộc đi theo tiếng gọi của gỗ lũa. Từ những gốc cây, rễ cây thô mục, xấu xí, với ý tưởng sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, anh Trúc đã tạo ra những tác phẩm mang hình dáng họa tiết rất độc đáo.
Hơn 20 năm chơi gỗ lũa, anh Trúc đã có rất nhiều chuyến đi lên rừng, đến tận các huyện miền núi Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, rồi lại lang thang các con suối ròng rã suốt nhiều tháng liền để tìm gỗ. Gỗ lũa thường xuất hiện vào mùa mưa lũ, bởi nước từ thượng nguồn kéo theo những gốc cổ thụ chảy về các sông.
Theo anh Trúc, gỗ lũa có 3 dạng: Được khai thác từ lòng đất, ngâm trong bùn nước và phơi trước gió. Lũa nằm trong lòng đất giữ nguyên màu lũa nguyên thủy; ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp, phơi bày những lõi kỳ mộc quý giá. Anh Trúc cho hay, gỗ lũa nghệ thuật có nét tương đồng với điêu khắc, tạc tượng, nhưng nó phong phú đa dạng hơn nhiều. Có được sự điều chỉnh của bàn tay con người, gỗ lũa có cuộc đời thứ 2 bền chắc và ý nghĩa hơn, bởi lẽ nó mang nặng sự gửi gắm tâm tư tình cảm, hoài niệm trí tưởng tượng và tình yêu bền vững.
Những tác phẩm để đời
Hiện nay, mặc dù anh Trúc đã bán rất nhiều tác phẩm để “nuôi” con đường nghệ thuật của mình, nhưng trong nhà anh vẫn còn lưu giữ nhiều tác phẩm “có 1 không 2”. Tiêu biểu là con đại bàng tung cánh được anh tạo ra từ lõi cây muồng, cao 3m, dài 2m; hang Đức Mẹ cao 3m, dài 1,2m, ngang 1,5m bằng gỗ lũa đỏ; tượng Hoàng đế Quang Trung; bản đồ Việt Nam: các con vật hải cẩu, cá mập, trút (tê tê), cá heo, sơn dương…
Đặc biệt, tác phẩm “Rồng bay” mang dáng con rồng đang bay dài 3m, cao 1,7m, nặng 120 kg được tạo tác từ rễ cây bằng lăng to với đầy đủ đầu, thân, đuôi, râu, vảy, chân. Thế uốn lượn tự nhiên của rễ cây đã tạo nên vẻ đẹp hết sức mềm mại, uyển chuyển của rồng gỗ lũa. Đẹp là thế nên chẳng trách phí tiêu tốn vận chuyển cho khúc gỗ bằng lăng đó về đến nhà anh Trúc mất 5 triệu đồng và “nuốt” luôn của anh những 3 tháng công tạo tác ra tác phẩm. “Tác phẩm này ngốn của tôi nhiều thời gian vì phải bóc vỏ, đục bỏ phần thừa để phần gỗ còn lại tạo hình rõ nét con rồng đang bay. Có như vậy mới thuyết phục được người thưởng ngoạn” - anh Trúc bộc bạch.
Lý giải về sự may mắn khi có được tác phẩm “Đại bàng tung cánh”, anh Trúc nói: “Trời thương nên tôi mới có cái duyên với tác phẩm nghệ thuật độc đáo này ấy chứ. Tôi thích nó lắm! Đã lưu giữ hơn 15 năm nay rồi”. Chuyện là hơn 15 năm trước, khi dự một đám giỗ, thấy người bạn đang chuẩn bị bổ một khúc gỗ làm củi đun anh biết đó là một gốc cây muồng có hình dáng rất đẹp, tiếc là đã bị chẻ mất một miếng. Vậy là anh năn nỉ mua gốc cây này. Về nhà, anh chà rửa sạch gốc cây là tạo tác thêm vài đường nét nữa thành một con đại bàng đang tung cánh rất đẹp. Anh Trúc cười nói: “Tác phẩm “Đại bàng tung cánh”, người ta đã trả tôi 250 triệu đồng rồi nhưng tôi không bán”.
Anh Hồ Văn Trúc trải lòng: “Cái nghề cứ để tâm trí vào mấy gốc cây, thân gỗ mà toàn làm vào lúc nửa đêm gà gáy thật yên tĩnh, để sức tưởng tượng bay bổng nhằm tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật, khiến cho mình đau đầu triền miên. Đi bác sĩ thì không phát hiện ra bệnh gì cả. Khám lần nữa thì bác sĩ hỏi tôi có đam mê gì không. Tôi kể nghề của mình, vị bác sĩ kia bảo bỏ gấp, chứ tiền thu vào không đủ uống thuốc. Nghe sợ quá, mấy năm nay tôi chuyển sang làm lũa bonsai, nhưng lòng vẫn cứ ôm ấp những tác phẩm gỗ lũa như là duyên phận!”.