Trái Đất đang chuẩn bị chào đón một "Mặt Trăng mini" có kích thước bằng một chiếc xe bus trường học, CNN dẫn báo cáo nghiên cứu của các nhà thiên văn học tại Đại học Complutense Madrid.
"Mặt Trăng mini" này thực chất là một tiểu hành tinh có kích thước khoảng 10 mét. Khi nó vụt qua Trái Đất vào ngày 29/9 nó sẽ tạm thời bị lực hấp dẫn của hành tinh chúng ta giữ lại và quay quanh Trái Đất giống như cách Mặt Trăng vận hành.
Tuy nhiên, Mặt Trăng nhỏ này chỉ ở lại với Trái Đất khoảng 2 tháng.
Nghiên cứu cho thấy, Mặt Trăng nhỏ sẽ quay quanh Trái Đất trong gần 57 ngày nhưng sẽ không hoàn thành quỹ đạo đầy đủ. Vào ngày 25 tháng 11, nó sẽ tách khỏi Trái Đất và tiếp tục quỹ đạo đơn độc của mình qua vũ trụ.
Tiểu hành tinh này dự kiến sẽ đi qua Trái Đất một lần nữa vào năm 2055.
Thiên thạch 2024 PT5 lần đầu tiên được các nhà thiên văn học tại Đại học Complutense Madrid phát hiện vào tháng 8 bằng kính thiên văn mạnh đặt tại Sutherland, Nam Phi.
Khám phá của các nhà thiên văn học Carlos de la Fuente Marcos và Raúl de la Fuente Marcos này đã được Hiệp hội Thiên văn Mỹ công bố.
Nhà thiên văn Carlos de la Fuente Marcos nói rằng, tiểu hành tinh không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc qua kính thiên văn nghiệp dư, nhưng "có thể quan sát được bằng kính thiên văn tương đối lớn, dùng cho mục đích nghiên cứu".
Richard Binzel, một nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ Massachusetts không tham gia vào nghiên cứu trên nói vẫn chưa rõ liệu tảng đá vũ trụ này có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh hay là "một mảnh của Mặt Trăng bị nổ tung".
Ông cho hay, thực tế cho thấy những "Mặt Trăng mini" tồn tại trong thời gian ngắn như thế này có thể phổ biến hơn chúng ta nghĩ.
“Điều này xảy ra với tần suất nhất định, nhưng chúng tôi hiếm khi nhìn thấy chúng vì chúng rất nhỏ và rất khó phát hiện. Mãi cho đến gần đây, khả năng khảo sát của chúng tôi mới đạt đến mức phát hiện ra chúng thường xuyên” - ông Binzel nhận định.
Những lần ghi nhận "Mặt Trăng mini" trong quá khứ:
1991 VG – tiểu hành tinh gần Trái Đất tạm thời bị hút vào Trái Đất năm 1991
2006 RH 120 – vệ tinh Trái Đất tạm thời đầu tiên được phát hiện năm 2006, tiếp cận gần hệ thống Trái Đất- Mặt Trăng khoảng 20 năm một lần.
2020 CD 3 – một vệ tinh Trái Đất tạm thời khác được phát hiện vào năm 2020. Vệ tinh này bị hút vào khoảng năm 2016–2017 và thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của lực hấp dẫn của Trái Đất vào khoảng ngày 7 tháng 5 năm 2020.
2022 NX 1 – một vệ tinh Trái Đất tạm thời khác được phát hiện vào năm 2022. Vệ tinh có quỹ đạo giống Trái Đất, vật thể này có thể có nguồn gốc nhân tạo hoặc là vật phóng ra từ Mặt Trăng. Dự kiến sẽ trở lại như một vệ tinh tạm thời vào tháng 12 năm 2051.
2020 SO – một vật thể nghi ngờ gần Trái Đất được xác định là tầng trên của tên lửa đẩy từ sứ mệnh Surveyor 2 được phóng lên từ năm 1966. Sau khi xác nhận vật thể là mảnh vỡ không gian, vật thể này đã bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu của Trung tâm Hành tinh Nhỏ vào ngày 19 tháng 2 năm 2021.
Các tiểu hành tinh Arjuna là một nhóm tiểu hành tinh động lực trong Hệ Mặt Trời. Tiểu hành tinh 2024 PT5 được đề cập bên trên, được xếp vào nhóm này. Nhóm này còn các vệ tinh khác như: 1991 VG, 2003 YN107, 2006 JY26, 2009 SH2, 2013 BS45.