NASA đưa người lên Mặt trăng năm 1969: Sự thật hay dàn dựng?

GD&TĐ - 'Đây là một bước đi nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại', đó là phát biểu của phi hành gia Neil Armstrong vào 20/7/1969.

Hình ảnh Trái đất nhìn từ Mặt trăng.
Hình ảnh Trái đất nhìn từ Mặt trăng.

Tuy nhiên, một số người theo thuyết âm mưu lại cho rằng cuộc đổ bộ này của chương trình Apollo chỉ là một sự dàn dựng. Sự thực ra sao?

Sự giả dối hoàn hảo?

Chương trình Apollo đưa người lên Mặt trăng diễn ra vào giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh Sputnik vào quỹ đạo. Nước Mỹ cần một chiến thắng trong lĩnh vực không gian và đổ bộ Mặt trăng là một cách hoàn hảo để chứng tỏ ưu thế trước người Nga. Và họ đã thành công. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ: Liệu những bước chân của phi hành gia trên Mặt trăng là thật hay giả?

Nghe có vẻ vô lý, nhưng ý tưởng NASA làm giả cuộc đổ bộ lên Mặt trăng là một trong những thuyết âm mưu phổ biến nhất trong lịch sử. Không như nhiều thuyết âm mưu kỳ quặc ngày nay, ít nhất cũng có một số lý do để tin rằng nghi vấn này có cơ sở.

Nhiều người cho rằng, NASA hoàn toàn có lý do để nói dối. Thời điểm này, Mỹ và Liên Xô đang ở đỉnh cao của cái gọi là “Cuộc đua không gian”, cạnh tranh quyết liệt nhằm trở thành quốc gia đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng.

Sputnik đã khiến các kỹ sư Mỹ rơi vào vòng xoáy hoảng loạn, với ý tưởng người Nga đang tiến gần đến mục tiêu của mình. Do đó, NASA quyết vượt qua Nga, bất kể giá nào. Nhưng nếu họ không thể thực hiện được thì sao? Câu trả lời là phải có cách nào đó tạo ra khung cảnh trông giống như phi thuyền đáp xuống Mặt trăng.

Vào giữa những năm 1970 khi sự phấn khích về cuộc đổ bộ Mặt trăng của Apollo 11 dần lắng xuống thì tin đồn người Mỹ chưa từng đặt chân lên Mặt trăng bắt đầu lan truyền. Giả thuyết này thực sự rộ lên vào năm 1976, khi một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ tên là Bill Kaysing tự xuất bản một cuốn sách nhỏ có tựa đề Chúng ta chưa bao giờ lên Mặt trăng: Trò lừa đảo ba mươi tỷ USD của nước Mỹ.

Kaysing có bằng đại học ngôn ngữ Anh, không có kiến thức về khoa học tên lửa nhưng từng làm biên tập viên kỹ thuật cho Rocketdyne, công ty chế tạo động cơ cho tên lửa Saturn V, từ năm 1956 đến năm 1963. Ông cho rằng, khả năng đổ bộ thành công lên Mặt trăng rất thấp.

Quyển sách đã khiến Kaysing nổi tiếng trên toàn quốc và ông đã xuất hiện nhiều lần trên đài phát thanh và truyền hình để thảo luận về nghi vấn của mình. Kaysing có lẽ không nhận ra những tuyên bố của mình có sức ảnh hưởng lớn đến thế nào.

Nhưng 4 năm sau khi ông xuất bản cuốn sách này, một nhóm các nhà lý thuyết âm mưu khác đã lên tiếng ủng hộ. Họ là thành viên của Hội “Trái đất phẳng” và cho rằng những bức ảnh vệ tinh chụp Trái đất hình cầu chỉ là sản phẩm do NASA và chính phủ các nước tung ra.

NASA dua nguoi len mat trang nam 1969 su that hay dan dung (1).jpg
Phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

Phản bác của NASA

Theo nhiều ý kiến, đổ bộ Mặt trăng là một nỗ lực đầy thách thức, nhưng không quá khó để NASA từ bỏ dự án và tuyển dụng Stanley Kubrick cùng Arthur C. Clarke - những người từng làm việc cùng nhau trong bộ phim khoa học viễn tưởng chinh phục không gian, 2001: A Space Odyssey, ra mắt năm 1968 - để làm giả sứ mệnh này.

Vào năm 2019, Roger Launius, nhà sử học của NASA, đã có bài phát biểu dài với hãng thông tấn Associated Press ra sức bác bỏ một số tuyên bố của những người theo thuyết âm mưu. Ví dụ, họ cho rằng, trong các bức ảnh chụp từ cuộc đổ bộ lên Mặt trăng, lá cờ Hoa Kỳ dường như đang tung bay trong gió, đây là điều không thể.

Theo Launius, sở dĩ lá cờ được nhìn thấy như chuyển động là do các phi hành gia cố cắm cây cờ sâu xuống bề mặt Mặt trăng, làm cho nó rung động, không đứng yên. Còn lá cờ có hình gợn sóng như đang tung bay là do các nếp gấp trong quá trình cất giữ cờ khi đem lên Mặt trăng.

Những người ủng hộ thuyết âm mưu cũng chỉ ra thực tế là không có ngôi sao nào trên bầu trời trong bất kỳ hình ảnh nào từ cuộc đổ bộ này. Launius phản bác rằng, lúc Armstrong và Aldrin chụp ảnh là ban ngày trên Mặt trăng. Không có ảnh các ngôi sao vì tốc độ màn trập của máy ảnh quá nhanh, khó chụp được ánh sáng yếu ớt của chúng vào thời điểm trên.

Một điểm chính gây tranh cãi khác là những bức ảnh được chụp như thế nào, vì không hề thấy cả Armstrong và Aldrin cầm máy ảnh. Câu trả lời: Những chiếc máy ảnh được gắn trên ngực của họ, sẽ rất khó để đưa máy ảnh lên ngang mắt khi họ mặc bộ đồ đó.

Liệu những phản bác này có đánh đổ được quan điểm của những người theo thuyết hoài nghi hay không? Vẫn chưa biết chắc!

Giờ đây, thật dễ dàng để xem lại các cuộc đổ bộ của các phi hành gia thuộc chương trình Apollo, cũng như một khối lượng lớn đá Mặt trăng được mang về làm bằng chứng liên quan đến việc nhân loại đã đặt chân lên vệ tinh này, nhưng hiện vẫn có khoảng 5% người Mỹ, tức hơn 16 triệu người, tin rằng cuộc đổ bộ lên Mặt trăng là giả tạo. Và với những người theo thuyết âm mưu kiên định, gần như không thể thuyết phục họ tin điều ngược lại.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.