NASA đang có kế hoạch đưa Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) về Trái Đất khi trạm vũ trụ này đã sắp hết vòng đời hoạt động, Livescience đưa tin.
Cơ quan vũ trụ này dự định trao cho SpaceX hợp đồng trị giá lên tới 843 triệu USD để đẩy trạm này ra khỏi quỹ đạo một cách an toàn và trở về Trái Đất.
Theo kế hoạch của cơ quan vũ trụ, phương tiện hạ quỹ đạo được thiết kế đặc biệt của SpaceX sẽ kéo ISS trở về Trái Đất vào một thời điểm nào đó sau khi kết thúc thời gian hoạt động vào năm 2030.
ISS, có kích thước bằng sân bóng đá, sẽ rơi vào bầu khí quyển của hành tinh chúng ta với tốc độ hơn 17.000 dặm/giờ (27.500 km/giờ) trước khi hạ cánh xuống một điểm rơi trên đại dương.
Ken Bowersox - Phó Giám đốc NASA phụ trách Ban giám đốc sứ mệnh hoạt động không gian, cho biết trong một tuyên bố rằng, việc đưa trạm vũ trụ ra khỏi quỹ đạo nhằm "hỗ trợ các kế hoạch của NASA về các điểm đến thương mại trong tương lai và cho phép tiếp tục sử dụng không gian gần Trái Đất".
Hiện vẫn chưa rõ chính xác khi nào Trạm vũ trụ Quốc tế sẽ được đưa trở lại Trái Đất. Ngày kết thúc là năm 2030 nằm trong ngân sách của NASA, nhưng Trạm ISS vẫn cam kết hoạt động trong suốt năm 2030.
Ông Steve Stich - Giám đốc chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA tại Trung tâm vũ trụ Johnson (JSC) ở Houston cho biết: "Sẽ không có điều gì kỳ diệu xảy ra trong năm 2030."
Ông Stich cho biết thêm rằng ISS có thể sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi các trạm vũ trụ thương mại dự kiến thay thế nó đi vào hoạt động. Trong đó có Trạm Axiom của Axiom Space và Orbital Reef do Blue Origin và Sierra Space thiết kế. Cả hai trạm đều dự kiến đi vào hoạt động vào cuối thập kỷ này.
Khi ISS sẵn sàng bị phá hủy, cũng không rõ các cơ quan vũ trụ khác sẽ gánh vác gánh nặng này đến mức nào. NASA cho biết trong tuyên bố của mình rằng "việc đưa Trạm vũ trụ quốc tế ra khỏi quỹ đạo an toàn là trách nhiệm của cả năm cơ quan vũ trụ", nhưng mức độ tham gia về mặt tài chính hoặc kỹ thuật của họ vào hoạt động kéo và thả của SpaceX vẫn chưa được nêu rõ.
Sự hạ cánh của ISS sẽ không phải là lần đầu tiên từng ghi nhận về sự trở về Trái Đất của một trạm vũ trụ. Năm 2001, trạm vũ trụ Mir của Nga đã bị đẩy xuống Trái Đất và những mảnh vỡ còn sót lại đã rơi xuống Thái Bình Dương.
Các bộ phận đầu tiên của Trạm ISS đã được phóng lên vào năm 1998. Trạm này đã tiếp đón các phi hành gia từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, Canada và Châu Âu cư trú tại đây kể từ năm 2000. Nơi đây đã ghi nhận hoàn thành hơn 3.300 thí nghiệm khoa học trên quỹ đạo gần phía trên Trái Đất.
Nhưng trạm vũ trụ này đang cho thấy sự lão hóa của nó: các lỗi kỹ thuật và rò rỉ vẫn tiếp tục gây ra vấn đề cho các phi hành đoàn, và các hợp đồng giữa năm cơ quan vũ trụ quốc gia tham gia - đánh dấu kỷ nguyên hợp tác toàn cầu trong không gian sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc - sẽ kết thúc vào năm 2030.
ISS cũng phải đối mặt với rủi ro từ vấn đề rác vũ trụ ngày càng gia tăng — các mảnh vỡ quỹ đạo tạo thành từ các vệ tinh ngừng hoạt động khác, bay quanh Trái đất với tốc độ cao.
Vào ngày 27 tháng 6 vừa qua, 9 phi hành gia trên ISS đã buộc phải trú ẩn trong khoang phi hành đoàn Boeing Starliner đã cập cảng sau khi hàng trăm mảnh vỡ từ một vệ tinh Nga bị vỡ đe dọa đến sự an toàn của Trạm vũ trụ. Phi hành đoàn được phép quay trở lại ISS sau khoảng một giờ và các hoạt động vẫn tiếp tục diễn ra bình thường.