Trà Vinh: Quan tâm công tác dạy, học tiếng dân tộc

GD&TĐ - Tỉnh Trà Vinh triển khai nhiều giải pháp dạy, học tiếng dân tộc. Nhờ đó công tác giáo dục dân tộc của tỉnh có bước phát triển đáng ghi nhận.

HS dân tộc Khmer Trường TH Hàm Giang B, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Q. Ngữ.
HS dân tộc Khmer Trường TH Hàm Giang B, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Q. Ngữ.

Đảm bảo nhu cầu học tập

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, công tác dạy và học trong trường phổ thông và các Trung tâm GDTX được thực hiện có hiệu quả.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, hằng năm trên cơ sở khảo sát nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số của học sinh, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức sắp xếp lớp dạy học phù hợp với trình độ của học sinh và tình hình thực tế về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của từng đơn vị.

Từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2020 - 2021, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai dạy học theo Thông tư 24/2014 ngày 25/7/2014 của Bộ GD&ĐT về ban hành Chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và cấp THCS. Sử dụng bộ SGK từ quyển 1 đến quyển 7 do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, tổng số tiết là 140 tiết/năm. Trong đó, trình độ cấp Tiểu học triển khai dạy học 4 năm (quyển 1,2,3,4), trình độ cấp THCS triển khai dạy học 3 năm (quyển 5,6,7).

Từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai dạy học môn tiếng Khmer theo Thông tư số 34/2020 ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3. Bên cạnh đó, được sự thống nhất của Bộ GD&ĐT và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tạo đã tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy thực nghiệm môn tiếng Khmer cấp THPT (quyển 8, 9, 10) cho học sinh cấp THPT.

Đối với Trường Trung cấp Pali-Khmer tổ chức dạy học theo chương trình và SGK đang giảng dạy tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ ban hành theo Quyết định số 5328 ngày 22/9/2005 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; một số đầu sách được UBND tỉnh Trà Vinh cho phép được lưu hành.

Đối với Trung tâm GDTX thực hiện giảng dạy cho người lớn (cán bộ, công chức hiện công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số) theo Thông tư số 09/2023 ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số; tài liệu biên soạn Quyết định số 47/2006 ngày 23/10/2006 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành khung chương trình dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số, tổng số tiết 450 tiết, được cấp thẩm quyền thẩm định và cho phép sử dụng.

Theo ông Đinh Thái Vĩnh Trà, Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc - Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh): Năm học 2023 - 2024 số trường tổ chức triển khai dạy học tiếng DTTS (tiếng Khmer) gồm: 127 trường, trong đó cấp tiểu học có 82 trường; cấp THCS có 41 trường và cấp THPT có 4 trường. Số lớp có 1.315 lớp; số học sinh học tiếng Khmer có 35.789 học sinh. Tiếng Hoa dạy ở cấp tiểu học gồm 1 trường, 13 lớp; số học sinh có 375 học sinh.

gd-dan-toc-tra-vinh-2.jpg
Cô, trò trong giờ dạy học tiếng Khmer tại Trà Vinh. Ảnh: Q. Ngữ.

Đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, hiện đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo từ THCS song ngữ Việt - Khmer do Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Sở GD&ĐT Trà Vinh tổ chức đào tạo; các lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer do Trường ĐH Trà Vinh đào tạo.

Từ năm 1996 đến năm 2000 tỉnh Trà Vinh đã mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Khmer). Trường Trung học Sư phạm tỉnh Trà Vinh mở lớp song ngữ Việt -Khmer được 4 khóa; có 80 học viên/khóa; các giáo sinh đã tốt nghiệp ra trường tổng cộng hơn 320 giáo sinh và đã phân công giảng dạy ở các cơ sở giáo dục phổ thông (cấp tiểu học) theo nhu cầu và đáp ứng yêu cầu học tập tiếng Khmer của con em đồng bào dân tộc.

Từ năm 2008 Trường ĐH Trà Vinh được Bộ GD&ĐT cấp mã ngành đào tạo lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer; đến năm 2023 Trường đã đào tạo được 16 khóa và tuyển sinh rộng rãi trên toàn quốc. Các em sinh viên theo học ngành Đại học sư phạm Ngữ văn Khmer có hơn 500 giáo sinh. Trà Vinh có hơn 300 giáo sinh tham gia học và đã tốt nghiệp. Hiện nay, đa số các giáo sinh đã được tuyển dụng vào dạy học môn tiếng Khmer tại các trường tiểu học, trường THCS và THPT.

Ông Đinh Thái Vĩnh Trà cho biết thêm: Cơ sở vật chất và trang bị SGK phục vụ cho việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho người dạy và người học. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã chuẩn bị cơ sở vật chất như phòng học, bàn, ghế, bảng lớp đầy đủ để phục vụ cho việc tổ chức dạy học.

Từ năm 2011 - 2021, Sở GD&ĐT đã mua sắm, trang bị SGK, sách giáo viên (từ quyển 1 đến quyển 7), sách bài tập, vở tập viết (từ quyển 1 đến quyển 4) tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các em học sinh mượn để học. Các đơn vị sử dụng kinh phí sự nghiệp phục vụ cho hoạt động dạy học hằng năm theo quy định. Nguồn kinh phí được cân đối, đáp ứng theo nhu cầu.

Đặc biệt, các cơ sở tôn giáo có tổ chức mở lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ lớp học như sửa chữa bàn ghế cũ, bảng đen; mua sắm bổ sung thêm bàn ghế học sinh đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu học tập của các em học sinh. Sở GD&ĐT đã cấp hỗ trợ bàn ghế cho các điểm chùa có tổ chức dạy và học các lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer trong dịp hè gồm 1.773 bộ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.