Quan tâm tạo điều kiện tốt cho học sinh
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh dân tộc Khmer ở địa phương học tập tốt, từ 5 năm trước Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THCS Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) được quan tâm đầu tư xây dựng đưa vào giảng dạy giúp gần 300 em học sinh dân tộc Khmer ở địa phương theo học.
Ngôi trường với 3 khu, gồm khu học tập, khu hành chính, đặc biệt là khu nội trú có tổng cộng 36 phòng ở, đáp ứng cơ bản cho các em học và ở nội trú.
Cô Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Hiệu Trưởng Trường Phổ thông DTNT và THCS Trần Đề phấn khởi cho biết: Đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thì Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, trường lớp và hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các em. Điều đó làm cho phụ huynh và học sinh đồng bào dân tộc Khmer ở Trần Đề rất phấn khởi.
Theo cô Thủy, địa phương luôn ưu tiên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp khang trang ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chính sự đầu tư này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em không ngừng học tập tốt.
Tương tự, Trường THCS DTNT Châu Thành (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cũng được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Hiện khuôn viên sân trường Trường THCS DTNT Châu Thành hội đủ các tiêu chí "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp".
Ngôi trường được đưa vào giảng dạy từ năm học 2012-2013 và đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2016, tái đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2021.
Với việc cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho các hoạt động dạy học, ăn ở, sinh hoạt… đã giúp chất lượng học tập của các em được nâng lên rõ rệt.
Trong các năm học vừa qua, trường luôn có hơn 70% học sinh đạt học lực khá giỏi và tất cả học sinh đều được lên lớp.
Em Sơn Hảo Nghi, học sinh Trường THCS DTNT Châu Thành chia sẻ: "Em thấy tự tin và em cũng biết hát nên các hoạt động của trường là em đăng ký tham gia. Em từng thi thử trong chương trình mà nhà trường tổ chức đó là thi giọng ca vàng. Em thi đạt, giờ có chương trình văn nghệ là em tự tin tham gia".
Theo Nghi, các em được thường xuyên tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, văn nghệ do nhà trường tổ chức. Chính những hoạt động như thế này, giúp các em hiểu biết thêm về vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, tự tin trong học tập…
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết thêm: Năm 2023 Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, khối nội trú, nhà đa năng, mua sắm trang thiết bị cho Trường THCS DTNT Châu Thành trên 7,4 tỷ đồng (nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số).
Từ đó, giúp cho nhà trường, cũng như điều kiện học tập của học sinh người dân tộc thiểu số được thuận lợi, nâng cao chất lượng hơn.
Chăm lo nâng chất giáo dục
Cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, huyện Long Phú thời gian qua luôn quan tâm đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống các trường học, từ nhà trẻ, đến trung học phổ thông theo chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, Trường phổ thông DTNT THCS Long Phú mới đây đã xây dựng hoàn thành giai đoạn II để đạt chuẩn quốc gia với kinh phí thực hiện là hơn 20 tỷ đồng.
Thầy Liêng Hiền Sư, Hiệu Trưởng Trường Phổ thông DTNT- THCS huyện Long Phú, cho biết, được sự quan tâm của Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy - UBND huyện Long Phú đã đầu tư cho trường về cơ sở vật chất. Đặc biệt là khối phòng học bộ môn, phòng phụ trợ và sân trường, đến năm học này cơ bản hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất.
Việc này giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục và tiến tới trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học này và những năm tiếp theo. Cùng với đó, các chế độ chính sách của giáo viên và học sinh DTNT đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Đặc biệt, huyện Long Phú còn có 15 trường trong vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia. Các chính sách giáo dục dân tộc, đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và tăng tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer ra lớp hàng năm.
Với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các trường lớp trong hệ thống trường DTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt việc dạy và học tập của giáo viên, các em học sinh đồng bào dân tộc.
Từ đó, góp phần chung vào công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương không ngừng phát triển.
Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm hơn 30% dân số của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 10 trường Phổ thông DTNT với hàng ngàn học sinh vùng đồng bào dân tộc theo học.
Trong thời gian qua, tỉnh luôn ưu tiên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập tốt.