Trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ

GD&TĐ - Mở rộng khung giờ làm thêm tối đa và trả lương lũy tiến là những điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Với quy định này, người lao động sẽ có thêm điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Mở rộng khung giờ làm thêm, người lao động có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: ILO.
Mở rộng khung giờ làm thêm, người lao động có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: ILO.

Mong muốn từ hai phía

Theo Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có ý kiến cho rằng giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp và đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa theo năm.

Việc này vừa bảo đảm tốt hơn quyền làm việc của người lao động nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy định của Bộ luật Lao động hiện hành đang khống chế số giờ làm thêm thấp hơn tiêu chuẩn các nhãn hàng/người mua hàng cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử... thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng.

Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tiễn thực hiện quy định về làm thêm giờ cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp thời gian qua cho thấy: Một số doanh nghiệp khó tuyển dụng người lao động vì không tổ chức làm thêm giờ hoặc nếu không có cam kết làm thêm giờ thì người lao động sẽ bỏ việc để chuyển sang doanh nghiệp khác có làm thêm giờ.

Để nâng cao thu nhập thì người lao động khi hết giờ làm việc chính thức và làm thêm giờ theo quy định, họ chuyển sang làm việc thêm cho doanh nghiệp khác. Thời gian làm việc ở doanh nghiệp khác chỉ được hưởng lương tiêu chuẩn (100% tiền lương) thay vì được hưởng lương làm thêm giờ cao hơn (ít nhất bằng 150%) ở doanh nghiệp cũ nếu được làm thêm giờ vượt quá quy định.

Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người lao động, bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của người lao động nếu họ có nhu cầu làm thêm giờ.

Hướng tới chấm dứt “nhân công giá rẻ”

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nâng lên thêm 100 giờ, là xuất phát từ thực tiễn, sự thương lượng tập thể giữa chủ lao động và người lao động đều muốn tăng thêm giờ làm thêm để giải quyết công việc thời vụ và người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập.

Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm cũng cần đánh giá tác động không chỉ năng suất, mà còn sức khoẻ người lao động. Vì vậy, cần tập trung một số ngành nghề, phải có danh mục các ngành nghề đó để lấy thêm ý kiến, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật và quản lý được chặt chẽ hơn.

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm, tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Về vấn đề tăng giờ làm thêm, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ông đồng ý với việc tăng giờ làm thêm lên 400 giờ bởi thực tế hiện nay, người lao động lương rất thấp, nếu không làm thêm để tăng thu nhập sẽ không đủ sống.

Mặt khác, qua khảo sát cũng cho thấy, hiện nay, đã có doanh nghiệp mà người lao động phải làm thêm lên đến 500 - 600 giờ nên tăng giờ làm thêm lên 400 giờ là hợp lý.

Bên cạnh đó, đề xuất trả lương lũy tiến để tránh việc doanh nghiệp huy động làm thêm quá nhiều, bóc lột sức của người lao động và cũng là để tránh việc doanh nghiệp không tuyển lao động mà lạm dụng việc làm thêm giờ.

Thẩm tra về nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.